70 năm giải phóng Thủ đô

Cán bộ tiếp tay cho Địa ốc Alibaba lừa đảo sẽ bị xử lý nghiêm?

TIỂU THÚY
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên quan đến việc Địa ốc Alibaba chuyển nhượng đất, phân lô bán nền trái phép, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai vừa yêu cầu một số sở ngành, địa phương căn cứ theo tính chất, mức độ hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Cụ thể, ngày 6/1, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng đã có văn bản yêu cầu một số sở ngành, địa phương kiểm điểm công tác quản lý liên quan đến việc để Công ty CP địa ốc Alibaba (Địa ốc Alibaba) chuyển nhượng đất, phân lô bán nền trái phép. Qua đó, đánh giá công tác quản lý nhà nước về đất đai, kinh doanh bất động sản tại địa phương mà Alibaba đầu tư không đúng quy định của pháp luật. Từ đó, căn cứ tính chất, mức độ hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
 Văn phòng đại diện xây dựng trái phép của địa ốc Alibaba ở huyện Long Thành
Trước đó, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến của Ủy viên Bộ Chính trị - Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình liên quan vụ án xảy ra tại Alibaba. Theo đó, Phó thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận và Bà Rịa-Vũng Tàu chỉ đạo kiểm điểm, rút kinh nghiệm công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, kinh doanh bất động sản khi đã để xảy ra vụ án trên địa bàn; nếu phát hiện có vi phạm của tổ chức, cá nhân liên quan phải xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.
Tại Đồng Nai, cơ quan chức năng xác định, vào năm 2017 UBND huyện Long Thành đã ban hành 4 văn bản cho phép Nguyễn Thái Lĩnh, Tổng giám đốc Địa ốc Alibaba thi công và thỏa thuận đấu nối hạ tầng kỹ thuật đường giao thông nông thôn tại 4 vị trí ở xã Long Phước. Việc này được cho là đã “tiếp tay” cho Alibaba tiến hành vẽ dự án, rao bán đất nền nông nghiệp trái phép, lừa khách hàng.
Trước đó, theo kết quả điều tra, xác minh ban đầu, đã có 6.700 người chuyển tiền cho Địa ốc Alibaba để mua đất nền tại 40 dự án do doanh nghiệp này tự vẽ ra với số tiền lên tới 2.500 tỷ đồng. Sự kiện này một lần nữa tiếp tục cảnh báo tình trạng đầu tư tràn lan hưởng lợi nhuận cao theo tâm lý đám đông; tình trạng buông lỏng quản lý đất đai ở địa phương và sự thiếu minh bạch của thị trường bất động sản với những kẽ hở pháp lý chưa được khắc phục.
Nhìn chung, cách làm của Alibaba là mua đất nông nghiệp, tự vẽ ra dự án, rồi phân lô bán nền. Chỉ đến khi vỡ lở, khách hàng mới nhận ra sự mù mờ về quy hoạch và thông tin dự án, giống như hàng loạt tranh chấp chung cư ở các thành phố lớn thời gian gần đây.
Sức hấp dẫn của lợi nhuận thông qua đồn đại, rỉ tai, nửa kín nửa hở đã khiến hàng ngàn người theo tâm lý đám đông, đổ xô vào mua bán đất đai mà không hề nghĩ tới hậu quả.
Trong số 40 dự án của Alibaba mua đất nông nghiệp, nhiều diện tích đã được Alibaba đầu tư hạ tầng khá bài bản để tạo lòng tin cho khách hàng, vậy mà chính quyền địa phương với nhiều ban ngành chức năng lại tỏ ra không hay không biết. Thời điểm Alibaba "vỡ trận" dư luận hoài nghi về việc nhiều cán bộ có trách nhiệm đã được “bôi trơn” để làm ngơ cho Alibaba tung hoành, đưa máy móc, thiết bị, tiến hành san lấp mặt bằng, làm đường, phân lô, quảng cáo...
Không chỉ riêng trường hợp của Địa ốc Alibaba, thời gian qua hầu như địa phương nào cũng phải xử lý nhiều vụ việc mua bán, sang nhượng đất đai có dấu hiệu lừa đảo gây thiệt hại lớn cho nhà nước và xã hội mà nguyên nhân đều bắt đầu từ sự tiếp tay của cán bộ có chức có quyền trong quản lý đất đai.
Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản nhận định, 6700 khách hàng đã giao 2500 tỷ đồng cho Địa ốc Alibaba để mua đất nền trong 40 dự án “ma” mới chỉ là điều tra ban đầu. Vẫn sẽ còn những vụ án có dấu hiệu lừa đảo tương tự nếu như nhà đầu tư không được cảnh báo sớm; nếu như những lỗ hổng pháp lý hướng tới thị trường bất động sản minh bạch chưa được lấp đầy và nếu như công tác quản lý đất đai, quản lý quy hoạch của chính quyền các cấp còn bị buông lơi.