Nhức nhối xe hợp đồng trá hình
Tình trạng xe hợp đồng trá hình xe khách cố định tồn tại dai dẳng và ngày càng tăng, đặc biệt tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Sự nở rộ của loại hình vận tải trá hình này không những gây ra sự lộn xộn trong tình hình giao thông, quy hoạch vận tải mà còn dẫn đến việc cạnh tranh "không lành mạnh" giữa các nhà xe.
Không khó để bắt gặp các loại xe du lịch, xe hợp đồng trá hình hoạt động như xe khách tuyến cố định trên nhiều tuyến đường ở Thủ đô. Những xe này thường thuộc về các doanh nghiệp vận tải có văn phòng ở khắp nơi trong nội đô. Văn phòng là điểm bán vé, cũng là nơi nhà xe đón khách.
Điển hình như nhà xe Trần Anh có văn phòng tại số 12 đường Phạm Văn Đồng (quận Cầu Giấy), nhận hành khách và chuyển phát hàng hóa từ Hà Nội đi Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh bằng xe giường nằm; nhà xe Dũng Minh có văn phòng tại số 92 đường Trần Vỹ (quận Cầu Giấy) chuyên tuyến Hà Nội - Hà Tĩnh.
Cũng trên đường Trần Vỹ còn có văn phòng của các nhà xe Phú Quý, Mạnh Chiến… Song nhiều văn phòng nhất có lẽ phải kể tới Công ty TNHH X.E Việt Nam, số 71 phố Trần Nhân Tông, số 74 phố Vọng (quận Hai Bà Trưng); số 4 phố Thọ Tháp, số 43 phố Nguyễn Quốc Trị (quận Cầu Giấy)...
Theo thống kê của Cục Đường bộ Việt Nam, cả nước hiện có khoảng gần 400.000 xe kinh doanh vận tải hành khách. Trong đó, tuyến cố định 17.000 xe và xe hợp đồng chiếm số lượng áp đảo với khoảng 220.000 xe. Có khoảng 1/4 trong số này, tương đương khoảng 60.000 xe hợp đồng hoạt động trá hình tuyến cố định.
Theo thống kê mới nhất, chỉ trong 3 tháng gần đây, lực lượng chức năng của Hà Nội đã xử lý gần 4.300 trường hợp xe khách tuyến cố định và xe khách hợp đồng vi phạm. Số tiền xử phạt hành chính tới gần 10 tỷ đồng, tước quyền sử dụng lái xe có thời hạn đối với gần 1.000 trường hợp.
Vấn nạn xe hợp đồng trá hình đã và đang gây ra những hệ lụy không nhỏ đối với hoạt động vận tải khách truyền thống. Điều dễ nhận thấy nhất là xe hợp đồng trá hình đang gây ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh với xe khách tuyến cố định, ảnh hưởng trật tự an toàn giao thông.
Đáng lo ngại hơn, trong thời gian gần đây đã xuất hiện tình trạng nhiều xe khách tuyến cố định bỏ bến chạy hợp đồng, lập văn phòng đại diện, bến “cóc” đón, trả khách để cạnh tranh với xe hợp đồng trá hình. Ngoài ra, việc cấp phép cho các nhà xe lập văn phòng đại diện nhưng thiếu quản lý nên bị biến thành điểm đón, trả khách trong phố, hoạt động như bến “cóc”.
Đâu là giải pháp?
Để giải bài toán xe hợp đồng trá hình, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền cho rằng cần vạch ra hành lang pháp lý, tạo môi trường bình đẳng trong kinh doanh xe hợp đồng.
“Cơ quan quản lý Nhà nước thực sự vào cuộc, đối diện với thực tiễn để đổi mới trong quá trình đang diễn ra chuyển đổi số rất mạnh mẽ; yêu cầu đi lại của người dân đang muốn nâng cao chất lượng, tiện nghi hơn. Cần mạnh dạn sửa đổi Nghị định 10 quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Cùng với đó, tổ chức nghiên cứu bài bản, lấy ý kiến rộng rãi để phù hợp với thực tiễn” – ông Nguyễn Văn Quyền nói.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cơ quan quản lý Nhà nước phải nghiên cứu và vạch ra hành lang, tạo ra sự lựa chọn về mô hình kinh doanh, bảo đảm sự bình đẳng. Nên nhân cơ hội Luật Giao thông đường bộ cùng các nghị định liên quan đang được xem xét sửa đổi để đề nghị sửa cho phù hợp.
Trong khi đó, ông Lương Duyên Thống - Trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái, Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, hiện dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 10/2020/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô đã trình Chính phủ sau khi lấy ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp.
Để đảm bảo quản lý tốt hoạt động kinh doanh vận tải vừa tạo thuận lợi cho người dân, các cơ quan quản lý cũng có thể xem xét tăng tần suất xuất bến tại các bến xe, đưa vào hoạt động xe trung chuyển đón trả người dân ra bến xe và về tận nhà, giúp giảm thời gian chờ đợi tại các bến xe, thu hút hành khách" - Ông Lương Duyên Thống - Trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái, Cục Đường bộ Việt Nam
Tại dự thảo, Cục Đường bộ Việt Nam đề xuất tất cả doanh nghiệp kinh doanh vận tải phải có bộ phận đảm bảo an toàn giao thông; bổ sung quy định thời gian thu hồi giấy phép kinh doanh, biển hiệu, phù hiệu sau 30 ngày mới được cấp lại.
Trường hợp doanh nghiệp không nộp lại phù hiệu mà vẫn tiếp tục hoạt động như thời gian vừa qua, các phương tiện này sẽ được cảnh báo đăng kiểm tương tự như các xe vi phạm giao thông chưa chấp hành xử lý phạt nguội theo thông báo của cảnh sát giao thông; ngừng giải quyết thủ tục hành chính với doanh nghiệp chưa chấp hành nộp phù hiệu, biển hiệu.
“Cục Đường bộ Việt Nam cũng bổ sung việc thu hồi phù hiệu đối với xe vi phạm tốc độ 3 lần/ngày, tăng chế tài thay vì chỉ quy định thu hồi với phương tiện vi phạm tốc độ 5 lần/1.000km như trước đây” – ông Lương Duyên Thống cho hay.
Theo các chuyên gia, việc siết hay mở là điều các cơ quan quản lý rất trăn trở, nhưng nếu siết cần đặt vấn đề, khi ấy, việc đi lại của người dân có còn thuận lợi, hành khách lại quay về những ngày phải đi xe giá vé cao. Quy định pháp luật cần giúp xe tuyến cố định cạnh tranh bình đẳng với xe hợp đồng.
Nói cách khác, các cơ quan quản lý cần xem xét siết hay gỡ bỏ sao cho tính pháp lý được bảo đảm nhưng doanh nghiệp vẫn có điều kiện phát triển, người dân được hưởng chất lượng dịch vụ tốt, giá thành hợp lý, giao thông ngày càng thông thoáng, an toàn.
Mới đây, Hiệp hội Vận tải Hà Nội đã có văn bản gửi Thành ủy Hà Nội, HĐND, UBND, MTTQ và các sở ban ngành của TP kiến nghị lập lại kỷ cương quản lý phương tiện vận tải đường bộ và các bến xe khách, xử lý một cách quyết liệt tệ nạn “xe dù, bến cóc”, xe giả danh xe hợp đồng, xe limousine, xe ghép trên các tuyến… Theo đó, Hiệp hội Vận tải Hà Nội đề nghị xe hợp đồng không được trực tiếp bán vé cho khách, không được bán vé tại điểm đón trả khách; xe hợp đồng phải gửi danh sách đi xe về Sở GTVT địa phương trước 1 ngày để quản lý. Xe tuyến cố định sau khi đón khách bằng xe trung chuyển phải làm thủ tục xuất bến. Để dẹp “xe dù, bến cóc”, Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng Bộ Tài chính nên có thay đổi thu thuế khoán cho địa phương quản lý (như trước đây). Xe đăng ký kinh doanh phải nộp thuế khoán tại quận, huyện quản lý. Việc làm này phải thống nhất trong cả nước, có mức thuế riêng cho từng vùng miền. Ngoài ra, Hiệp hội Vận tải Hà Nội cũng kiến nghị TP quy hoạch lại hệ thống bến xe, trong đó bến xe phải gần dân, cho tăng thêm tần suất theo yêu cầu của thị trường, phải được đồng ý của địa phương và các bến xe sau khi được Bộ GTVT phê duyệt.