Cán cân quyền lực mới

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Những diễn biến phức tạp tại Trung Đông, Bắc Phi, vấn đề tại Mali trong tuần qua đã được Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhận định là một phần của tiến trình "chuyển biến cảnh quan địa chính trị và hình thành trạng thái cân bằng quyền lực mới".

Ngày 26/1, lần đầu tiên kể từ tháng 6/2012, các lực lượng quân sự Mali, Pháp và Tây Phi đã nắm hoàn toàn quyền kiểm soát thành phố Gao ở miền Bắc Mali.

Việc các nước thành viên Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS) hôm 25/1 quyết định tăng quân số ECOWAS ở Mali lên 5.700 người và điều động khoảng 2.000 lính tới Cộng hòa Chad, nước  không phải là thành viên ECOWAS cho thấy diễn biến tại khu vực đã lên tới mức độ nguy hiểm.

Ngay sau khi quân đội Pháp quyết định hỗ trợ Chính phủ Mali chống lại các phiến quân Hồi giáo, cuộc xung đột đã vượt ra ngoài biên giới quốc gia nhỏ bé này.
 
 
 Cán cân quyền lực mới - Ảnh 1
 
Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế Christine Lagarde cảnh báo kinh tế toàn cầu vẫn chưa hồi phục hoàn toàn.
 

Ngoài cuộc chiến ở Mali còn có tình huống bắt cóc con tin ở Algeria, âm mưu đảo chính ở Eritrea, vòng xoáy xung đột nội bộ ở Sudan và Zimbabwe. Theo nhiều nhà quan sát, sự kiện ở Mali đã trở thành một chất xúc tác mới để thúc đẩy sự thay đổi chế độ tại một số quốc gia và kết quả tất yếu là sẽ hình thành nên cán cân quyền lực mới.

Tại Ai Cập, kỷ niệm tròn 2 năm cuộc nổi dậy chống chế độ của cựu Tổng Thống Mubarak được đánh dấu bằng bất ổn mới khi ít nhất 9 người đã thiệt mạng, hơn 400 người bị thương trong cuộc đụng độ giữa người biểu tình với cảnh sát ở Thủ đô Cairo.

 Ngoài ra, các cuộc nổi loạn còn diễn ra ở Ismailia, Alexandria. Chính quyền của Tổng thống Mohammed Mursi bị cáo buộc đã làm cho cuộc khủng hoảng kinh tế trong nước thêm trầm trọng. Về phần mình, ông Mursi cáo buộc phe đối lập có âm mưu phá hoại dân chủ, không tôn trọng ý chí của người dân đã bầu chọn những người Hồi giáo trong cuộc bầu cử cách đây một năm.

Diễn biến này cho thấy, cán cân quyền lực tại Ai Cập vẫn đang diễn ra trong thế giằng co và tiếp tục tạo ra một thế trận phức tạp. Trong khi đó, tại Davos, Thụy Sĩ, ngày 26/1, các quan chức chức tài chính quốc tế hàng đầu đã bế mạc Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) thường niên với cảnh báo còn nhiều điều cần phải làm để ổn định nền kinh tế thế giới.

Mặc dù đồng Euro vẫn chưa bị tác động nghiêm trọng và chính quyền Mỹ đến nay vẫn có thể xoay xở vượt qua rào cản ngân sách quan trọng song Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde đã hối thúc các nhà lãnh đạo thế giới không nên "mất tập trung".

Bà Lagarde cho rằng, 17 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) sử dụng đồng Euro cần phải từng bước ngăn không cho rắc rối ở các ngân hàng trở thành gánh nặng cho Chính phủ. Ngoài ra, bà Lagarde cũng nhấn mạnh giới chức Mỹ cần phải "nhanh chóng xác định" cách xử lý tranh cãi về ngân sách giữa Tổng thống Barack Obama và các thành viên Đảng Cộng hòa trong Quốc hội.