Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cận cảnh những khu nhà, đất “vàng” dính sai phạm ở Đà Nẵng

Quang Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thanh tra Chính phủ vừa ký kết luận thanh tra “việc chuyển đổi nhà, đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác trên địa bàn TP Đà Nẵng”, chỉ ra nhiều sai phạm trong việc bán lại cho bên thuê 31 cơ sở nhà đất và bán trực tiếp không thông qua đấu giá 8 cơ sở. Có nhiều sai phạm về thủ tục và định giá nhà đất thấp hơn so với giá trị thực.

Theo kết luận thanh tra, từ năm 2010 - 2016, TP Đà Nẵng đã cho phép chuyển đổi 52 nhà đất tại các con đường đắc địa nhất của mình sang mục đích khác, trong đó bán lại cho bên thuê 31 cơ sở và bán trực tiếp không thông qua đấu giá 8 cơ sở. Trong số 31 cơ sở bán lại cho bên thuê thì phát hiện ra có 4 cơ sở nhà đất theo quy định phải tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng đất. Trong đó có nhà đất 47 Nguyễn Thái Học. 
Cũng trên đường Nguyễn Thái Học, nhà đất ở số 73 ngay góc ngã tư với đường Yên Bái cũng nằm trong 4 cơ sở nhà đất theo quy định phải tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng đất. 
Lô đất 39 Pasteur bán cho Công ty TNHH Minh Hưng Phát và Công ty cổ phần đầu tư Nhất Gia Phúc không thông qua đấu giá. Ngoài 3 nhà đất kể trên, nhà đất số 2 Hải Phòng cũng nằm trong 4 cơ sở nhà đất dính sai phạm.
Thanh tra Chính phủ cũng phát hiện 2 khu tập thể xuống cấp được TP Đà Nẵng bán trực tiếp để bên mua làm đất thương mại dịch vụ không phù hợp với tiêu chí ban đầu gồm: 124 Bạch Đằng và 10 Trần Quý Cáp. Trong ảnh là đất số 10 Trần Quý Cáp. 
Từ năm 2010 đến năm 2016, TP Đà Nẵng đã tổ chức bán đấu giá 8 cơ sở nhà đất (diện tích nhà 4.745,40m2, diện tích đất 1.919,60m2, thu về trên 123 tỉ đồng). Các cơ sở này trước đây đã bố trí cho các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị sử dụng nhưng do dư thừa hoặc sử dụng không đúng mục đích.
Theo Thanh tra Chính phủ, UBND TP Đà Nẵng cho thuê đất 50 năm đối với nhà đất số 16 Bạch Đằng với diện tích 1.799 m2 sau khi được TP phê duyệt giá khởi điểm để đưa ra đấu giá là chưa đủ cơ sở pháp lý. Việc UBND TP Đà Nẵng phê duyệt giá thuê đất cho công ty cổ phần xây dựng Bắc Nam 79 thấp hơn nhiều so với giá khởi điểm là không phù hợp với quy định.
Kết luận cho rằng, UBND TP Đà Nẵng đã không thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính mà giao các sở ngành chức năng tham mưu xác định giá.
Thanh tra Chính phủ cũng cho biết, qua kiểm tra 52 cơ sở nhà đất cho thấy việc xác định giá chuyển quyền sử dụng đất có nhiều sai phạm (thấp hơn so với cơ sở nhà đất có vị trí, diện tích tương tự), như: 34 Bạch Đằng; 5 Trần Phú. Cụ thể, số 5 Trần Phú hoán đổi cho ông Nguyễn Hữu Đức giá trị tiền sử dụng đất được UBND TP Đà Nẵng phê duyệt là 51,3 triệu đồng/m2.
Trong khi đó, số 34 Bạch Đằng chỉ xác định giá trị cho công ty cung ứng tàu biển chỉ có 18,3 triệu đồng/m2, làm giảm số tiền sử dụng đất cho công ty này 47 tỷ đồng.
Tại cơ sở 57 Lê Duẩn, Công ty cổ phần công nghệ phẩm Đà Nẵng không thực hiện thanh toán tiền sử dụng đất theo đúng hợp đồng nhưng vẫn được giảm 10% tiền sử dụng đất.
Tại cơ sở 121 Phan Châu Trinh bán lại cho bên thuê là Công ty cổ phần công nghệ phẩm Đà Nẵng việc xác định giá không có cơ sở, không đúng quy định, làm giảm số tiền sử dụng đất nộp ngân sách nhà nước trên 2,8 tỷ đồng.
Tại cơ sở nhà đất 48 Nguyễn Du (chủ đầu tư đã xây dựng Trường mầm non chất lượng cao Sky-Line Đà Nẵng), việc xác định giá thu tiền sử dụng đất không có cơ sở, làm giảm số tiền sử dụng đất phải nộp gần 12 tỷ đồng. 

Tổng hợp kết quả kiểm tra việc xác định giá thu tiền sử dụng đất của 52 cơ sở nhà đất phát hiện số tiền sai phạm là trên 156 tỷ đồng. Qua kiểm tra thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật, Thanh tra Chính phủ chuyển hồ sơ tài liệu và kết quả xác minh ban đầu sang Bộ Công an để tiếp tục điều tra.