Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cận cảnh Rồng Thăng Long - kỷ vật của Đại lễ 1000 năm

Chia sẻ Zalo

KTĐT – Không chỉ mang một nét đẹp về văn hóa của người Việt, được chọn làm kỷ vật cho Đại lễ 1.000 năm Thăng Long sắp tới, Rồng Thăng Long còn thể hiện khát vọng và sức mạnh của một quốc gia đang từng bước lớn mạnh trong khu vực và trên trường quốc tế.

KTĐT – Không chỉ mang một nét đẹp về văn hóa của người Việt, được chọn làm kỷ vật cho Đại lễ 1.000 năm Thăng Long sắp tới, Rồng Thăng Long còn thể hiện khát vọng và sức mạnh của một quốc gia đang từng bước lớn mạnh trong khu vực và trên trường quốc tế.

Không quá bất ngờ khi tác phẩm Rồng Thăng Long được UBND TP Hà Nội chọn làm kỷ vật trong dịp đại lễ 1.000 năm Thăng Long, bởi chính cái biểu tượng cho vị thế của Thăng Long đã nói lên cái uy thế “rồng cuộn hổ ngồi” của mảnh đất ngàn năm văn hiến này. Người nghệ nhân tạo nên kỷ vật cũng chau chuốt trong đó cả tâm hồn và khát vọng cho một nét hồn thiêng đất nước.

Rồng Thăng Long là tập hợp sức mạnh của những con vật có uy linh nhất


Nhà điêu khắc Trần Tuy, người đã bỏ ra rất nhiều công sức và trí tuệ để nghiên cứu về “văn hóa Rồng thiêng” qua các thời đại vua chúa của đất nước Đại Việt đã đánh giá về việc lựa chọn hình tượng con rồng thời Lý làm đại diện tạo lên tác phẩm Rồng Thăng Long: “Rồng là một con vật huyền thoại mang tính hư cấu và là tập hợp của những con vật có uy linh, uy vũ trong đời sống tâm linh. Đầu rồng là đầu con sư tử, mang những đặc trưng của sư tử từ mắt, mũi, miệng, bờm râu. Thân rồng uốn lượn như thế rắn trườn trên đất… nó là tập hợp sức mạnh của những con vật có uy linh nhất.”

Cận cảnh Rồng Thăng Long - kỷ vật của Đại lễ 1000 năm - Ảnh 1
Nhà điêu khắc Trần Tuy: "Rồng Thăng Long là tập hợp sức mạnh của những con vật có uy linh nhất."


Có giả thiết cho rằng, trước đây mỗi bộ lạc sống cạnh nhau và tôn sùng mỗi một loài động vật riêng, sau này có một bộ lạc đã thôn tính các bộ lạc khác và đã tập hợp những con vật kia thành một con vật lý tưởng đó là con rồng. Từ chỗ đó vua chúa đã thấy được cái linh thiêng, cái uy linh của con rồng, nên họ lấy con rồng làm tượng trưng cho mình và tất cả những gì thuộc về nhà vua đều gắn liền với rồng.

Nhân dân ta cũng sử dụng con rồng để trang trí cho đình chùa miếu mạo. Đặt tên nó gắn liền với những con sông, hòn núi, biển đảo và cả những loài hoa. Rồng cũng rất gắn bó với đời sống nông nghiệp của nhân dân ta. Từ xa xưa cha ông ta đã quan niệm, dân tộc chúng ta là con rồng cháu tiên, tất cả những gì liên quan đến con rồng đều thể hiện những điều tốt đẹp nhất.

Nói riêng về con rồng đời Lý, nhà điêu khắc Trần Tuy khẳng định: “ Có thể nói Rồng thời Lý được giới điêu khắc chúng tôi đánh giá cao nhất. Trước hết về mặt mỹ thuật nó rất đẹp và mang đầy đủ các thành phần của những con vật linh. Với hình dáng của đầu sư tử với cánh mũi rất dài và to, có bờm và râu ở dưới cằm, có nanh có vuốt ở miệng.

Nếu như nhìn thân con rồng thời Lý ta có thể thấy ngay đó là biểu hiện của thân con rắn với những vòng uốn lượn thoăn thoắt rất đẹp. Mình con rồng thời lý thì nó có vẩy và có vây của con cá. Chân rồng thời lý như chân rồng Commado của Indonesia. Rồng thời Lý nó có một tính quy phạm khác với những con rồng đời Trần, Lê, Nguyễn…Có một nhà nghiên cứu đã nói rằng, con rồng đá của đời Lý tuy được khắc trảm trên đá những khi nhìn hoặc chạm vào đều có thể cảm nhận được sức sống của nó bởi sự tinh tế và chau chuốt.”

Cận cảnh Rồng Thăng Long - kỷ vật của Đại lễ 1000 năm - Ảnh 2
Các du khách sẽ được chiêm ngưỡng Kỷ vật Rồng Thăng Long đúng dịp đại lễ 1.000 năm.


Rồng Thăng Long cũng thể hiện cái thế bay lên, là sự thể hiện của khí thiêng tích tụ của mảnh đất Thăng Long mà vua nhà Lý đã trông thấy mà quyết định dời đô đến Thăng Long.

Tất cả mọi thời đại đều lấy con rồng thể hiện cho thời đại của mình chứ không lấy con vật khác. Tuy có khác nhau nhưng vẫn là hình con rồng. Rồng thời Lý không chỉ gắn với thủ đô Hà Nội mà nó có vẻ đẹp thực sự, thể hiện được cái uy vũ và hồn của dân tộc ta. Trong số những kỷ vật để người ta nghĩ đến Thăng Long thì không có gì hơn con rồng thời Lý. Nó vừa là tên của thủ đô, vừa đứng đầu trong hệ thống tứ linh.

Ông Trần Tuy khẳng định thêm, có rất nhiều công trình kiến trúc có thể làm kỷ vật trong dịp đại lễ như Khuê văn các, Chùa một cột, Tượng đài Lý Thái Tổ, Tháp Rùa…nhưng riêng đối với ông chọn Rồng Thăng Long là hợp lý nhất để làm kỷ vật cho thủ đô Hà Nội nhân dịp 1000 năm.

“Những đường uốn lượn trên con rồng như những khó khăn mà tôi đã trải qua”


Kỷ vật Rồng Thăng Long do nghệ nhân Diệu Hương chế tác nói được phần lớn cái đẹp của con rồng thời Lý: mảnh mai, thanh thoát, hiền dịu, là một con vật với đầy đủ cái chất hoành tráng của con rồng nhưng nó lại gợi lên một cảm giác đó là một con vật rất hiền lành. Nhìn con rồng ta thấy như nó đang múa, đang bay trong không gian. Đó là biểu tượng cho một Việt Nam đang vươn mình trên thế giới.

Cận cảnh Rồng Thăng Long - kỷ vật của Đại lễ 1000 năm - Ảnh 3
Đại sứ Italia, người nước ngoài đầu tiên sở hữu Rồng Thăng Long chụp ảnh lưu niệm cùng Kỷ vật bên cạnh tác giả - nghệ nhân Diệu Hương.


Ngài Andrea Perugini – Đại sứ Italia đã nhanh chóng đăng ký và là người nước ngoài đầu tiên chính thức sở hữu Rồng Thăng Long. Trong một cuộc họp báo được tổ chức tại nhà riêng, ông đã chia sẻ: “Những đường uốn lượn trên con Rồng Thăng Long của các ban mang ý nghĩa như những khó khăn mà tôi đã vượt qua để có được thành quả tốt đẹp của ngày hôm nay.

Với tôi Rồng Thăng Long cũng là biểu tượng của một Việt Nam mới với những sự thay đổi lớn mang tầm quốc tế. Sau khi hết nhiệm kỳ tại Việt Nam, Rồng Thăng Long sẽ là một món quà kỷ niệm của đất nước Việt Nam mến yêu. Tôi sẽ mang về nước để lưu lại dấu ấn của một thời kỳ làm đại sứ ở Việt Nam và giới thiệu cho gia đình, bạn bè tôi về một Việt Nam thân thiện".

Theo ông Trần Chiến Thắng, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch, việc đúc 1.000 con rồng thời Lý làm quà lưu niệm đặc biệt mừng đại lễ là hoạt động góp phần tuyên truyền, quảng bá hình ảnh thủ đô nghìn năm văn hiến; giới thiệu đến du khách quốc tế và nhân dân cả nước những tinh hoa làng nghề truyền thống của Hà Nội. Đó là biểu tượng cho một Hà Nội tinh hoa đang ngày càng phát triển rực rỡ.

Cận cảnh Rồng Thăng Long - kỷ vật của Đại lễ 1000 năm - Ảnh 4
Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch: "Rồng Thăng Long là một biểu tượng cho một Hà Nội tinh hoa đang ngày càng phát triển rực rỡ"


Ban tổ chức cũng sẽ dành một số sản phẩm tiêu biểu nhất như: Rồng Thăng Long số hiệu 0001 và 1000 (ứng với hai mốc son của lịch sử là năm đức vua Lý Thái Tổ ban chiếu rời đô và năm tổ chức Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long) để tổ chức chương trình truyền hình trực tiếp quyên góp gây quỹ từ thiện xã hội. Toàn bộ số tiền thu được từ chương trình này sẽ được tặng cho Quỹ nạn nhân chất độc màu da cam - Dioxin Việt nam do Hội nạn nhân chất độc màu da cam quản lý. Chương trình từ thiện đặc biệt này sẽ diễn vào khoảng trung tuần tháng 9 tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám Hà Nội.