Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cần chế tài xử lý nghiêm việc lợi dụng dân chủ ở cơ sở

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 1/8, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đã khảo sát việc thực hiện chính sách pháp luật về dân chủ ở cơ sở giai đoạn 2016 - 2021 trên địa bàn huyện Quốc Oai. Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Phạm Thị Thanh Mai chủ trì cuộc khảo sát.

Báo cáo đoàn khảo sát, Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Nguyễn Trường Sơn cho biết, sau 5 năm thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở theo Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11, nhận thức của cấp ủy, chính quyền, cán bộ đảng viên và Nhân dân trên địa bàn huyện ngày càng hiểu rõ hơn, sâu hơn về quyền “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.

Do vậy, việc thực hiện dân chủ ở cơ sở trên địa bàn huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước đi vào nề nếp và thực hiện có hiệu quả. Ý thức tôn trọng quyền làm chủ của Nhân dân trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức được nâng lên. Công tác lãnh đạo, điều hành của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan, ban ngành, đơn vị, các xã, thị trấn luôn có sự đổi mới; tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có chuyển biến rõ rệt.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai phát biểu tại cuộc khảo sát
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai phát biểu tại cuộc khảo sát

Các hoạt động cụ thể gắn với đời sống của dân, gần dân, sát dân và tôn trọng Nhân dân thể hiện ngày càng tốt hơn; tạo được mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, chính quyền với Nhân dân và sự đồng thuận cao trong thực hiện các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, góp phần tạo động lực tinh thần mạnh mẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh.

Các xã, thị trấn địa bàn huyện đã triển khai thực hiện hiệu quả những nội dung cần phải công khai cho Nhân dân biết, những nội dung Nhân dân bàn và quyết định; những nội dung Nhân dân tham gia ý kiến trước cơ quan có thẩm quyền quyết định; những nội dung Nhân dân giám sát.

Từ năm 2017 - 2021, UBND huyện đã tổ chức 55 hội nghị đối thoại với Mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội và đại diện Nhân dân; có trên 2.929 đại biểu tham dự. Ngoài ra, UBND huyện tổ chức đối thoại với công dân về công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào sáng thứ 7 hàng tuần. Tại các hội nghị đã có tổng số 882 ý kiến được trả lời trực tiếp tại hội nghị và 184 ý kiến được tiếp thu trả lời bằng văn bản.

Cũng trong giai đoạn này, Ban Thanh tra Nhân dân đã tổ chức 1.243 cuộc giám sát, phát hiện và kiến nghị giải quyết 528 vụ việc vi phạm liên quan đến công tác quản lý đất đai trên địa bàn. Hoạt động của Ban Thanh tra Nhân dân đã góp phần tích cực vào ổn định tình hình ở cơ sở, việc thực hiện các chế độ chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trên địa bàn được thực hiện đúng quy định…

Để thực hiện tốt chính sách pháp luật quy chế dân chủ ở cơ sở trong những năm tiếp theo, huyện Quốc Oai đề nghị Trung ương và TP tăng cường công tác bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ về công tác dân vận, dân tộc, tôn giáo và các kỹ năng vận dụng trong công tác tham mưu, chỉ đạo thực hiện cũng như trong xử lý các tình huống dân vận cụ thể cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận chuyên trách cũng như kiêm nhiệm ở cơ sở.

Đề nghị HĐND, UBND TP tăng mức phân bổ kinh phí hỗ trợ hoạt động cho các tổ dân vận cơ sở cho phù hợp tình hình thực tế, bởi mức kinh phí 2 triệu đồng/tổ/năm như hiện nay không khuyến khích được những cán bộ làm công tác dân vận kiêm nhiệm ở cơ sở.

Đại biểu Đoàn đại biểu Quốc hội TP phát biểu tại cuộc khảo sát
Đại biểu Đoàn đại biểu Quốc hội TP phát biểu tại cuộc khảo sát

Tại hội nghị, các đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã đề nghị xã Sài Sơn và huyện Quốc Oai góp ý, kiến nghị cụ thể vào một số vấn đề thực tế trong thực hiện dân chủ tại địa phương, như bảo đảm phạm vi, hình thức công khai thông tin một cách nhanh chóng, minh bạch ở cấp xã; các vấn đề Nhân dân bàn và quyết định trực tiếp; quy định cụ thể về việc tổ chức họp dân, tỷ lệ cử tri đại diện hộ tán thành để các vấn đề được đưa ra lấy ý kiến có hiệu lực thi hành; chức năng, nhiệm vụ, thời gian hoạt động của Ban Thanh tra Nhân dân; trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện dân chủ cơ sở…

Thay mặt đoàn khảo sát, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của tại buổi làm việc. Đồng thời, đề nghị các địa phương tiếp tục thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cở sở, từ đó tạo sự đồng thuận, phát huy sức mạnh đoàn kết trong Nhân dân phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Kết quả của chuyến khảo sát sẽ được Đoàn đại biểu Quốc hội TP tổng hợp làm cơ sở tham gia đóng góp hoàn thiện dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở vào kỳ họp tới của Quốc hội.