Ngày 14/6, Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, tổ chức Diễn đàn cấp cao thường niên về Công nghiệp 4.0 năm 2030 “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” gắn với triển khai thực hiện Nghị quyết 29 về công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Sự kiện bao gồm 1 Phiên Diễn đàn cao cấp, 4 hội thảo chuyên đề; 1 triển lãm công nghệ 4.0 và 1 phiên Tọa đàm và khảo sát thực tế tại địa phương.
Tại hội thảo chuyên đề số 1 với chủ đề “Nâng cao năng lực sản xuất thông minh và phát triển ngành công nghiệp công nghệ số theo định hướng Make in Việt Nam”, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn nhấn mạnh, Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII là nghị quyết chuyên đề đầu tiên của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nghị quyết là cơ sở, căn cứ chính trị quan trọng cho việc xây dựng những cơ chế, chính sách mới nhằm thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu phát triển đất nước đã đề ra tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Nghị quyết số 29-NQ/TW đã xác định nội dung cốt lõi của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước giai đoạn 2021-2030 là thúc đẩy ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; tạo bứt phá về năng suất, chất lượng. Nghị quyết cũng xác định công nghiệp công nghệ số là 1 trong 6 ngành công nghiệp nền tảng, trong đó sản xuất thông minh trên nền tảng mạng 5G là cốt lõi của công nghiệp công nghệ số.
Theo dự báo của Tập đoàn Ericsson, vào năm 2025 khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ thu hút 2/3 nhà sản xuất toàn cầu, trong đó dẫn đầu thuộc về các ngành sản xuất thông minh. Hiện tại, 7 quốc gia trong khu vực gồm Australia, Indonesia, Malaysia, New Zealand, Philippines, Singapore và Thái Lan đã triển khai sản xuất những thiết bị công nghệ thông minh 5G. Việt Nam cũng được Ericsson đánh giá là một điểm đến hấp dẫn với doanh thu từ công nghiệp 5G ước đạt 1,54 tỷ USD vào năm 2030.
Việt Nam cũng được xếp trong nhóm các nền kinh tế tiêu dùng công nghệ số trong 40 nền kinh tế chủ động theo đuổi công nghiệp 4.0. Trong đó, nhập khẩu thiết bị, công nghệ số của Việt Nam đứng thứ 15, xuất khẩu công nghệ đứng thứ 46 và hoạt động sáng chế đứng thứ 48 trong số 150 nền kinh tế.
Tuy nhiên, theo nghiên cứu Ngân hàng Thế giới công bố hồi tháng 11/2021, trong công nghiệp chế biến chế tạo của Việt Nam, 70% sản phẩm được tạo ra sử dụng máy móc do con người điều khiển, 20% được làm thủ công, chỉ 9% sử dụng máy móc được điều khiển bằng máy vi tính và dưới 1% sử dụng công nghệ tiên tiến hơn như robot, sản xuất đắp lớp 3D. Chỉ một phần nhỏ các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào các hoạt động đổi mới sáng tạo. Có thể thấy phát triển sản xuất thông minh ở Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội, khó khăn và thách thức đan xen.
Do đó, thúc đẩy chuyển dịch từ lắp ráp, gia công sang sản xuất sản phẩm theo hướng Make in Viet Nam; đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam và sản xuất tại Việt Nam; phát triển, làm chủ công nghệ sản xuất, đẩy mạnh R&D; phát triển công nghiệp sáng tạo, hệ sinh thái nội dung số tại Việt Nam; các chính sách nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp truyền thống, doanh nghiệp sản xuất chuyển đổi sang sản xuất thông minh, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng số… là vấn đề cần được chú trọng đặc biệt trong bối cảnh hiện nay.
Bà Phan Thị Thanh Ngọc, Giám đốc Tư vấn Chuyển đổi số, Công ty Công nghệ thông tin VNPT- IT cho biết, quan điểm của VNPT về phát triển công nghệ công nghệ số nhanh và bền vững là cần có sự kết hợp giữa tự cường và hợp tác quốc tế, có sự kết hợp giữa Nhà nước mạnh và thị trường mạnh. Cùng với đó, doanh nghiệp công nghệ số phải là trung tâm, lấy chất lượng và thương hiệu Make in Việt Nam làm nền tảng, nhân lực tài năng là then chốt.
Từ góc nhìn của doanh nghiệp, VNPT đã đưa ra 5 đề xuất về chính sách phát triển ngành công nghiệp công nghệ số Việt Nam gồm: Chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp công nghệ số Make in Việt Nam; Chính sách kiểm soát chất lượng sản phẩm dịch vụ công nghệ số Make in Việt Nam; Xúc tiến, thúc đẩy nhu cầu; Thu hút vốn đầu tư FDI và Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực công nghệ số.
Theo bà Phan Thị Thanh Ngọc, cùng với chính sách ưu đãi đặc thù cho cho doanh nghiệp công nghệ số Make in Việt Nam như ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp; ưu đãi thuế nhập khẩu, ưu đãi vay vốn,... cũng cần có chính sách kiểm soát chất lượng sản phẩm dịch vụ công nghệ số Make in Việt Nam thông qua các tiêu chí thống nhất cho các nền tảng chuyển đổi số quốc gia hay các nguyên tắc, tiêu chí xác định các nền tảng số, sản phẩm dịch vụ công nghệ số Việt Nam cần hạn chế sở hữu nước ngoài...
Tại hội thảo "Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh ngành dịch vụ trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn 2045”, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Tiến Dũng cho biết, ngành ngân hàng đã ban hành kế hoạch chuyển đổi số khá sớm, đề án phát triển ngân hàng xanh. Hiện khoảng 72-73% người trưởng thành có tài khoản tại ngân hàng. “Không thể có một dịch vụ công hoàn hảo nếu người dân không có tài khoản ngân hàng, vẫn sử dụng tiền mặt nhiều. Do đó, cần làm sao để nâng tỷ lệ người dân có tài khoản ngân hàng, nhất là người yếu thế” - ông Phạm Tiến Dũng chia sẻ.