Cần chính sách đặc thù cho dự án Vành đai 4

Đặng Sơn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đã hoàn tất Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, với độ dài 111,2km, tổng mức đầu tư 94.127 tỷ đồng, đi qua 3 tỉnh, TP: Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, mở rộng đến Bắc Giang, Vĩnh Phúc.

Với một đại dự án có tính chất phức tạp và quan trọng như vậy, cần hàng loạt cơ chế đặc thù để đảm bảo tiến độ cũng như nguồn vốn và hiệu quả đầu tư.

Phối cảnh một đoạn đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.  
Phối cảnh một đoạn đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.  

Dự án trọng điểm cấp bách

Hà Nội đang chịu áp lực rất lớn khi đảm nhiệm vai trò phân bổ, trung chuyển các luồng lưu thông của Vùng Thủ đô. Tuy nhiên, hiện trạng hạ tầng giao thông lại chưa đáp ứng được nhu cầu đó. TS giao thông đô thị Đặng Minh Tân phân tích: “Quy hoạch Vùng Thủ đô đã lấy Hà Nội làm trung tâm, nghĩa là mọi luồng lưu thông, luân chuyển hàng hoá đều phải đi qua Hà Nội. Với hiện trạng chỉ có một lựa chọn tốt nhất là Vành đai 3 như hiện nay, vô tình Hà Nội trở thành điểm nghẽn cho cả Vùng Thủ đô”.

Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Trần Hữu Bảo chia sẻ: “Giải pháp hiệu quả nhất hiện nay là đầu tư xây dựng Vành đai 4, đây có thể coi là xương sống của hệ thống giao thông Vùng Thủ đô”. Vành đai 4 được xác định là tuyến cao tốc vành đai, kết nối với tất cả 7 tuyến cao tốc hướng vào Hà Nội, giúp phân luồng giao thông từ xa theo các hướng; tăng cường khả năng kết nối giao thông giữa 4 hành lang kinh tế; giảm tải và hạn chế UTGT cho Vành đai 3.

Mặt khác, Vành đai 4 còn tạo điều kiện kết nối Cảng hàng không quốc tế Nội Bài với các tỉnh, TP trong Vùng Thủ đô. Chuỗi đô thị trong khu vực giữa Vành đai 3 và Vành đai 4, bao gồm cả các đô thị vệ tinh của Hà Nội cùng một số đô thị chức năng theo quy hoạch Vùng Thủ đô cũng sẽ có một tuyến đường kết nối chặt chẽ, thuận tiện, là động lực cho sự phát triển bền vững.

Vào giữa tháng 8/2021, UBND TP Hà Nội đã có tờ trình gửi Chính phủ về việc trình thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng tuyến Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội theo phương thức PPP. Theo đó, Dự án đầu tư xây dựng tuyến Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội có điểm đầu tại Km3+695 trên đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai (địa phận xã Thanh Xuân, Sóc Sơn, Hà Nội); điểm cuối trên đường cao tốc Nội Bài – Hạ Long (địa phận huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh). Tổng chiều dài dự án đầu tư xây dựng là 111,2km, trong đó đoạn đi qua TP Hà Nội dài 58,2km. Đoạn qua tỉnh Bắc Ninh dài 24,2km; đoạn qua tỉnh Hưng Yên dài 20,3km.

Tuyến đường được xây dựng theo quy mô 6 làn xe cao tốc, có đường song hành hai bên và các hành lang cây xanh, công trình hạ tầng kỹ thuật và dự trữ mở rộng với mặt cắt ngang bình quân dao động từ 120 - 135m. Trong giai đoạn 1, dự án sẽ thực hiện GPMB một lần theo quy mô quy hoạch và phân kỳ đầu tư tuyến cao tốc 4 làn xe, bề rộng nền đường 17m. Tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ dự án là 94.127 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách T.Ư 31.904 tỷ đồng (35% tổng mức đầu tư); ngân sách địa phương 33.538 tỷ đồng (37%); vốn nhà đầu tư 26.965 tỷ đồng; lãi vay 2.584 tỷ đồng.

Thạc sĩ quản lý đô thị Phan Trường Thành nhận định: “Với quy mô và tổng mức đầu tư rất lớn, dự án Vành đai 4 Vùng Thủ đô cần có một hành lang cơ chế đặc thù, đặc biệt, coi như một khoản “đầu tư chính sách” mới có thể đảm bảo tính khả thi, tiến độ cũng như hiệu quả”.

Cho phép chỉ định thầu

Thạc sĩ Phan Trường Thành cho rằng, Quốc hội có thể xem xét, cho phép tách dự án thành các dự án thành phần độc lập, tương ứng với những loại nguồn vốn, hình thức đầu tư, tính đặc thù để đảm bảo việc triển khai thực hiện các dự án được thuận lợi, hiệu quả.

Cụ thể, nên tách thành 3 dự án thành phần chính gồm: Thứ nhất, giải phóng mặt bằng (GPMB), do các địa phương triển khai thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách T.Ư và địa phương. Thứ hai, xây dựng hệ thống đường đô thị, đường song hành, cũng giao cho các địa phương thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách địa phương. Thứ ba, đầu tư hệ thống đường cao tốc toàn tuyến và tuyến nối đi trùng đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long, thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP). Riêng đối với dự án thành phần thứ ba nên giao cho UBND TP Hà Nội làm cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tổ chức triển khai thực hiện toàn tuyến.

Để tránh tối đa mọi vướng mắc trong khâu GPMB, Quốc hội cũng nên nghiên cứu, cho phép áp dụng chi linh hoạt giữa vốn ngân sách T.Ư và địa phương cho công tác GPMB. Thủ tướng Chính phủ chủ động quyết định việc phân cấp cho UBND cấp tỉnh của địa phương có đủ năng lực, kinh nghiệm quản lý và có đề xuất làm cơ quan chủ quản thực hiện các đoạn tuyến đường đô thị song hành với Vành đai 4 cũng như khâu GPMB.

Cùng với đó, tạo điều kiện cho các nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục xin cấp phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Nhà thầu thi công có trách nhiệm đánh giá tác động môi trường, quản lý, giám sát việc khai thác, sử dụng mỏ khoáng sản; nộp thuế, phí và thực hiện các nghĩa vụ bảo vệ, cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định của pháp luật.

Về phía các địa phương, UBND TP Hà Nội, tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh có thể được áp dụng cơ chế chỉ định thầu đối với các gói thầu sử dụng nguồn vốn đầu tư công. Đặc biệt, Quốc hội và Chính phủ có thể cho phép thực hiện các giải pháp triển khai đồng thời nhiều loại thủ tục để rút ngắn thời gian thẩm định, hoàn thiện hồ sơ về chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng đất; thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; thẩm tra, phê duyệt khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư; các công việc thực hiện công tác GPMB; khảo sát, lập thiết kế kỹ thuật, dự toán và lựa chọn nhà thầu; các công việc khác có liên quan để đảm bảo tiến độ triển khai dự án và các dự án thành phần.

Đặc biệt, theo thạc sĩ Phan Trường Thành, cần ban hành Nghị quyết của Chính phủ về áp dụng cơ chế đặc thù trong việc cấp phép khai thác khoáng sản đảm bảo nguồn vật liệu xây dựng phục vụ cho dự án tương tự như Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 16/6/2021 và Nghị quyết số 133/NQ-CP ngày 19/10/2021 của Chính phủ về việc áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông. “Đó là những cơ chế đặc thù rất quan trọng đối với đại dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, góp phần quyết định đến tiến độ cũng như hiệu quả đầu tư” - thạc sĩ Phan Trường Thành nói.

 

Quốc hội có thể nghiên cứu, cho phép Thủ tướng Chính phủ, người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc chỉ định thầu của dự án đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, GPMB và tái định cư, gói thầu xây lắp của các dự án thành phần.

Thạc sĩ quản lý đô thị Phan Trường Thành

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần