Cần chính sách dân số phù hợp

Vũ Duy Thông
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong nhiều thập kỷ, chúng ta quyết liệt không tăng, đúng hơn là giảm dân số theo chủ trương kế hoạch hóa gia đình.

Để thực hiện mục tiêu dân số, nhiều nơi đã loại ra khỏi biên chế, khai trừ khỏi Đảng… những người không chấp hành quy định này. Nhờ đó, từ một nước có dân số tăng nhanh chúng ta đã chủ động giữ nhịp để làm cơ sở cho những kế hoạch khác.

Song phải nói rằng, thành tích của giai đoạn này chưa hẳn là ưu điểm của giai đoạn khác. Với nhiều biến đổi như hết chiến tranh, điều kiện về y tế, chăm sóc sức khỏe được cải thiện; chi phí nuôi dạy một người từ khi sinh ra đến khi trưởng thành cao hơn; số gia đình có 1 con, phụ nữ đơn thân, số người nạo phá thai tăng lên… thì chủ trương về dân số phải khác. Trên thế giới hiện nay, lý tưởng là dân số phù hợp với phát triển. Mong ước của mọi quốc gia là dân số trong độ tuổi lao động, được giáo dục, đào tạo kỹ lưỡng cả về văn hóa và tay nghề, thể chất chiếm ưu thế.

 Tư vấn kế hoạch hóa gia đình tại Hà Nội. Ảnh: Nhật Uyên

Không phủ nhận mặt tích cực của dân số kế hoạch hóa gia đình, nhưng cũng không chối bỏ những nguy cơ sau ít năm nữa. Thế nên, Hội nghị T.Ư 6 khóa XII đã dành nhiều thời gian để bàn về dân số, từ thành tựu khống chế tốc độ gia tăng dân số, đạt và duy trì mức sinh thay thế, tiến tới giải quyết toàn diện các vấn đề về qui mô, cơ cấu, chất lượng, phân bố dân số… hài hòa với phát triển kinh tế, xã hội. Điều đó phản ánh tầm nhìn xa của T.Ư Đảng. Để một chủ trương về dân số phát huy hiệu quả, phải ít nhất từ 1,5 đến 2 thập kỷ. Nước ta từ năm 2007 đã bước vào thời kỳ dân số vàng, đến năm 2020 đã vào giai đoạn dân số già, nên bàn là vừa!

Việt Nam là 1 trong 5 nước có tỷ lệ già hóa dân số nhanh nhất thế giới, chỉ có gần 2 thập kỷ. Ngay trong thời gian dân số vàng, qui mô dân số vẫn không hợp lý, phân bố dân số theo vùng mất cân đối; cơ cấu dân số mất cân đối (nam chỉ chiếm 46,2 triệu người, nữ chiếm 49,3 triệu người, tỷ lệ giới tính trong khi sinh vẫn là 112,4 bé trai/100 bé gái), chất lượng dân số thấp.

Trước thực trạng đó, để chủ động về dân số đáp ứng yêu cầu nhân lực lao động chất lượng cao trong thời kỳ đang phát triển, chúng ta phải có giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện và xu thế phát triển. Một là, tiếp tục chủ trương cũ nhưng linh hoạt hơn, bớt ngặt nghèo hơn, đồng thời, bổ khuyết những mặt yếu còn tồn tại như nơi sinh ít sẽ khuyến khích sinh nhiều hơn, giảm tỷ lệ chết, suy dinh dưỡng sau sinh, đẩy mạnh đào tạo nghề, điều tiết tỷ lệ giới tính khi sinh, phát triển kinh tế cân đối ở các vùng miền. Hai là, giữ nguyên như cũ, tức là giảm mức sinh, kiểm soát tăng dân số, đồng thời làm tốt những việc chưa làm được để nâng cao chất lượng dân số. Thứ ba là xóa bỏ tất cả các chính sách về dân số gia đình đã làm, giáo dục người dân và cán bộ có việc làm mới, chủ trương mới do hoàn cảnh đã thay đổi. Nếu áp dụng phương án ba, dân số Việt Nam sẽ tăng rất nhanh, cả người già và người trẻ, con đường phát triển sẽ hưởng rất nhiều thuận lợi từ thời kỳ dân số vàng lẫn những khó khăn trở ngại của thời kỳ dân số già.

Mỗi phương án đều có thuận lợi và khó khăn, nhưng hình như không phương án nào hoàn chỉnh. Vấn đề là mỗi người dân, trước vấn đề rất lớn của dân tộc cần phát huy tinh thần trách nhiệm của mình thế nào để cùng đóng góp vào việc nâng cao chất lượng dân số, kéo dài thời kỳ dân số vàng tạo cơ hội phát triển nhanh, bền vững của đất trước.