Đáp ứng nhu cầu thực tế
Ban Quản lý dự án đường sắt đã đề xuất Bộ GTVT xem xét, xin ý kiến các bộ, ngành về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
Dự án có điểm đầu tại khu vực nối ray giữa ga Lào Cai (Việt Nam) và ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc); điểm cuối tại cảng Lạch Huyện (Hải Phòng). Tuyến đường sắt này dài 388km, gồm 30 ga với 3 ga lập tàu, 19 ga hỗn hợp và 8 ga kỹ thuật, đi qua 9 tỉnh, TP gồm: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng.
Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 211.030 tỷ đồng, xây dựng đường sắt khổ tiêu chuẩn 1.435mm, điện khí hóa, tốc độ thiết kế từ 80 - 160km/h, phân kỳ đầu tư thành hai giai đoạn.
Giai đoạn 1 từ nay đến năm 2030 sẽ xây dựng toàn tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng theo quy mô đường đơn, giải phóng mặt bằng quy mô hoàn chỉnh; Giai đoạn sau năm 2050 sẽ hoàn thành xây dựng toàn tuyến theo quy mô đường đôi và xây dựng đoạn tuyến nhánh Nam Hải Phòng - Nam Đình Vũ.
Theo các chuyên gia, cùng với Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam, Dự án xây dựng tuyến đường sắt điện khí hóa Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng là một bước ngoặt lớn trong sự phát triển của ngành Đường sắt Việt Nam.
![Tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng dự kiến khởi công cuối năm 2025, cơ bản hoàn thành năm 2030.](https://static.kinhtedothi.vn/w960/images/upload/2025/02/09/duong-sat20231029222550-juip.jpg)
Chuyên gia giao thông Vũ Hoàng Chung cho rằng, việc xây dựng tuyến đường sắt điện khí hoá Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng sẽ cải thiện đáng kể hiệu quả vận tải hành khách nhờ nâng cao tốc độ và chất lượng dịch vụ. Với vận tải hàng hóa, dự án sẽ tạo ra tuyến đường chiến lược nối các khu vực có nhu cầu vận chuyển lớn, giảm bớt sức ép lên các tuyến đường bộ hiện tại. Qua đó, giúp vận chuyển hàng hóa nhanh chóng, tiết kiệm chi phí, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông, nhất là trong bối cảnh giao thông đường bộ đang ngày càng quá tải.
Hơn nữa, việc xây dựng tuyến đường sắt điện khí hoá thân thiện với môi trường cũng sẽ đưa đường sắt Việt Nam lên tầm cao mới về công nghệ và tính bền vững, tạo ra một mạng lưới giao thông ít ô nhiễm hơn. Đồng thời, các tuyến đường sắt điện khí hoá được trang bị các công nghệ tiên tiến về tín hiệu, điều khiển và an toàn, tạo ra môi trường vận hành hiệu quả và đáng tin cậy hơn so với các tuyến đường sắt hiện hữu.
Dự án này cũng cần các nhà ga, trạm dừng, bến bãi hiện đại, giúp thúc đẩy các ngành công nghiệp như: sản xuất vật liệu xây dựng, chế tạo tàu, công nghệ thông tin phát triển và là cơ hội để phát triển thêm hạ tầng phụ trợ, dịch vụ vận tải, nông nghiệp, du lịch, dịch vụ…
Đặc biệt, khi tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng thành công sẽ là mô hình mẫu để triển khai các tuyến đường sắt điện khí hóa khác trong cả nước, tạo ra một mạng lưới giao thông đường sắt hiện đại, bền vững và hiệu quả hơn. Qua đó, cải thiện chất lượng cuộc sống và thói quen di chuyển của người dân, giảm bớt việc sử dụng xe cá nhân.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho biết, trên tuyến Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng đang có 3 phương thức vận tải: đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa. Tuy nhiên, theo dự báo, dù khai thác hết công suất thì đến năm 2040 vẫn không đáp ứng được nhu cầu vận tải, nhất là vận tải hàng hoá. Do vậy, cần thiết xây dựng phương thức vận tải mới an toàn hơn, chi phí rẻ hơn, diện tích chiếm dụng đất ít hơn và thân thiện môi trường.
"Đường sắt khổ 1.435mm, điện khí hóa là phương thức vận tải bền vững, hiện đại, thân thiện, góp phần giảm tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh" - Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy nhấn mạnh.
17 nhóm chính sách
Xác định Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng là dự án giao thông lớn, có ý nghĩa quan trọng, công nghệ kỹ thuật mới, lần đầu tiên được triển khai ở Việt Nam, do đó cần chính sách đặc thù để thúc đẩy dự án triển khai, đảm bảo tiến độ kế hoạch, nhất là có thể khởi công vào cuối năm 2025, cơ bản hoàn thành năm 2030.
Tại Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Bộ GTVT đã đề xuất 17 nhóm chính sách thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
Trong đó, 13/19 chính sách tại Nghị quyết số 172/2024/QH15 của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam được đề xuất áp dụng tương tự cho dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
Các chính sách gồm: Cơ cấu nguồn vốn cho dự án; Phát triển, khai thác quỹ đất và giá trị tăng thêm từ đất vùng phụ cận ga đường sắt; Khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; Bãi đổ chất thải rắn xây dựng và tầng đất mặt của đất chuyên trồng lúa nước.
Cùng đó là các chính sách về: Phát triển khoa học, công nghệ và tuyển dụng đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực; phát triển công nghiệp và chuyển giao công nghệ; thẩm quyền quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án; thi tuyển phương án kiến trúc nhà ga và cầu; công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giao địa phương thực hiện các thủ tục chuyển đổi và giải phóng mặt bằng; lập tổng mức đầu tư, dự toán gói thầu...
Bộ GTVT cũng đề xuất bổ sung 4 nhóm chính sách thuộc thẩm quyền Quốc hội. Trong đó, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, cho phép không phải thực hiện thủ tục điều chỉnh quy hoạch trong trường hợp việc triển khai dự án khác với các quy hoạch có liên quan đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Các nội dung điều chỉnh theo dự án sẽ được cập nhật vào quy hoạch trong quá trình rà soát triển khai theo định kỳ.
Đảm bảo tiến độ triển khai, đề xuất cơ chế cho phép chủ đầu tư được triển khai đồng thời lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật, hồ sơ mời thầu... trong trường hợp cần thiết.
Bộ GTVT kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, cho phép chủ đầu tư được chỉ định thầu các nhà thầu quốc tế có kinh nghiệm phối hợp với đơn vị tư vấn trong nước thực hiện lập báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế sau thiết kế cơ sở, giám sát, nhà thầu thi công, nhà thầu cung cấp thiết bị...
Đối với cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Bộ GTVT đề xuất 6 chính sách. Trong đó, Bộ đề xuất Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam được nhận chuyển giao công nghệ sản xuất phương tiện, thiết bị cho dự án; cho phép tăng vốn điều lệ của tổng công ty từ nguồn ngân sách để thực hiện việc chuyển giao công nghệ và sản xuất phương tiện cho dự án.
Chủ đầu tư của các dự án đầu tư hệ thống đường sắt quốc gia có tốc độ dưới 200km/h, đường sắt đô thị phải đặt hàng Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đối với toàn bộ phương tiện sử dụng cho dự án (trừ các dự án có cam kết quốc tế).
Như vậy, sau khoảng 10 năm mong đợi, dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng đã đạt được bước tiến tích cực. Tuy nhiên, để thực hiện Dự án vẫn còn rất nhiều thách thức, cần sự thống nhất nhận thức và sự vào cuộc quyết liệt của Nhà nước, các bộ, ngành, đặc biệt là các địa phương có đường sắt đi qua.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh cũng chỉ đạo các đơn vị làm rõ những nội dung liên quan đến công tác đầu tư dự án này, làm cơ sở lãnh đạo Bộ GTVT làm việc với đối tác, thúc đẩy tiến trình triển khai dự án.