Cần cơ chế để giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp vượt bão Covid-19

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các ngân hàng đang khó có thể đặt mục tiêu giảm lãi suất huy động để giảm lãi suất cho vay. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có chủ trương giảm lãi suất, giãn thời gian trả nợ… nhằm hỗ trợ DN khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng vẫn cần thêm cơ chế để thực hiện.

Lãi suất huy động tăng, giảm trái chiều
Tiền nhàn rỗi vào ngân hàng tăng chậm lại, nhưng trước áp lực giảm lãi vay, không ít ngân hàng tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất huy động trong thời gian gần đây.

Tại Eximbank, NCB, Nam A Bank giảm lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 tháng còn 5,1%/năm, 12 tháng còn 5,7%/năm, trên 12 tháng còn 6%/năm kể từ ngày 6/10. Lãi suất tiết kiệm tại NCB giảm nhẹ từ 0,05 - 0,2% ở hầu hết kỳ hạn cuối tháng 9/2021. Kỳ hạn 3 tháng giảm 3,9%/năm xuống 3,8%/năm; 6 tháng xuống 6,1%/năm, còn kỳ hạn 12 tháng giảm còn 6,35%/năm.

Trong khi đó, một số ngân hàng lại tăng nhẹ lãi suất. Giữa tháng 10/2021, lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại MB ghi nhận tăng nhẹ 0,05% tại một vài kỳ hạn theo cả 2 biểu lãi suất dành cho khách hàng cá nhân và khách hàng tổ chức kinh tế. Lãi suất tiết kiệm tại MB hiện dao động từ 2,5 - 6,9%/năm, tương ứng với tiền gửi có kỳ hạn 1 - 60 tháng. Cụ thể, tại kỳ hạn 1 - 5 tháng lãi suất 2,5 - 3,3%năm; 6 - 11 tháng lãi suất 4,3 - 4,7%/năm; 12 - 36 tháng là 4,9 - 6,2%/năm.
 Khách hàng giao dịch tại Vietcombank, chi nhánh Hà Nội. Ảnh: Tần Việt
Từ ngày 19/10, lãi suất tiền gửi một số kỳ hạn dài của Sacombank tăng thêm 0,4 - 0,6%/năm, đạt mức cao nhất 6%/năm cho kỳ hạn 24 tháng. Tính đến giữa tháng 10/2021, ngoại trừ SCB áp dụng mức lãi suất 6,8%/năm cho số tiền gửi từ 500 tỷ đồng trở lên kỳ hạn 12 tháng, VietABank, Bac A Bank, Kienlongbank có lãi suất tiền gửi cao nhất là 6,5%/năm, kế đến là NCB với mức 6,35%/năm.

Một số ngân hàng khác cũng đang có lãi suất tiết kiệm cao, khách hàng có thể tham khảo như: LienVietPostBank với 6,99%/năm; MBBank với 6,9%/năm; VietABank với 6,9%/năm; HDBank với 6,85%/năm... Tuy nhiên, các ngân hàng này đều có những tiêu chuẩn riêng để đạt được mức lãi suất như trên, chứ không cào bằng cho mọi khoản tiền gửi.

Tại 4 ngân hàng quốc doanh là Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank gần như không có thay đổi lãi suất tiết kiệm. Một phần, do lãi suất tiết kiệm của 4 ngân hàng có vốn nhà nước vốn dĩ đã giảm xuống mức thấp. Theo đó, kỳ hạn 1 tháng tại các ngân hàng này vẫn đồng nhất là 3,1%/năm, các kỳ hạn 3 - 6 tháng dao động 3,4 - 4%/năm.

Lãi suất đối mặt áp lực tăng

Kể từ tháng 3 đến nay, tiền gửi của dân cư tăng trưởng thấp, thậm chí có những tháng tăng trưởng âm. Số liệu từ NHNN cho thấy, trong tháng 8/2021, người dân đã rút ròng 986 tỷ đồng khỏi hệ thống ngân hàng. Trước đó, ở tháng 7/2021, người dân cũng chỉ gửi ròng vỏn vẹn 1.250 tỷ đồng. Như vậy, trong hai tháng 7 và 8 vừa qua, gần như người dân không gửi thêm tiền vào hệ thống ngân hàng.

Luỹ kế đến cuối tháng 8/2021, tiền gửi của người dân vào hệ thống ngân hàng chỉ tăng 2,95% so với đầu năm. Con số này thấp hơn đáng kể mức tăng cùng kỳ năm ngoái là 5,46% và cũng thấp hơn nhiều cùng kỳ các năm trước đó.

Theo lãnh đạo NHNN, trong thời gian qua khi mặt bằng lãi suất tiết kiệm giảm thì các kênh đầu tư khác (chứng khoán, bất động sản...) tăng và không loại trừ sự dịch chuyển dòng vốn. Số liệu của FiinGroup cho thấy, số dư tiền mặt của nhà đầu tư tại các công ty chứng khoán cuối tháng 8/2021 ước đạt 80.000 tỷ đồng.

Theo các chuyên gia, ít nhất trong tháng 9 và tháng 10 tới, tín dụng vẫn sẽ duy trì trạng thái nhích tăng. Cụ thể, các tháng cuối năm thường là thời điểm ghi nhận tốc độ tăng trưởng tín dụng cao hơn kéo theo việc chuẩn bị thanh khoản đáp ứng các nhu cầu cuối năm của khách hàng đòi hỏi sự chuẩn bị nguồn lực nhất định.

Bên cạnh đó, Chính phủ đang tiếp tục cho thấy sự quyết liệt trong giải ngân đầu tư công tạo nên kỳ vọng lượng tiền gửi được Kho bạc gửi tại hệ thống ngân hàng sẽ không còn dồi dào. Do nhu cầu vốn tăng cao, lãi suất trái phiếu Chính phủ và lãi suất ngân hàng được dự báo chịu áp lực tăng nhất định, đặc biệt vào thời điểm cuối năm.

Trong khi đó, một nhà phân tích tài chính cho rằng, gánh nặng nợ xấu sẽ hạn chế động lực giảm thêm lãi suất cho vay của hệ thống ngân hàng. Nguy cơ nợ xấu tăng từ các khoản vay tái cơ cấu mà ảnh hưởng của dịch bệnh chưa biết sẽ còn kéo dài đến đâu buộc ngân hàng phải cho vay với lãi suất cao để có lợi nhuận nhằm tăng trích lập dự phòng rủi ro.

Kìm cương lãi suất: Thêm đòn bẩy chính sách

Đánh giá về xu hướng biến động lợi suất trong phần còn lại của năm 2021, các chuyên gia của VCBS cho rằng, xu hướng giảm sẽ chững lại, các nhịp tăng nhẹ nếu có thì có thể xuất hiện vào cuối năm.

Hiện mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm khoảng 0,55%/năm tính đến cuối tháng 9 năm nay và giảm tổng cộng 1,55%/năm so với thời điểm trước dịch. NHNN được dự báo sẽ không cắt giảm lãi suất điều hành trong năm nay, nhưng các biện pháp hỗ trợ khác, trong đó bao gồm tăng hạn mức tín dụng sẽ tạo điều kiện giúp các NHTM có thể giảm thêm mặt bằng lãi suất cho vay.

TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia tài chính đánh giá, diễn biến lãi suất thời gian tới sẽ phụ thuộc rất nhiều vào định hướng chính sách tiền tệ của NHNN. Trong bối cảnh DN và người dân chịu tác động tiêu cực bởi dịch bệnh, cơ quan này có thể sẽ áp dụng chính sách tiền tệ nới lỏng đi cùng các gói hỗ trợ kích cầu tín dụng.

Theo thông tin từ NHNN, thời gian tới nhà điều hành sẽ tiếp tục xem xét điều chỉnh tăng hạn mức tín dụng cho các NHTM để kích thích cho nền kinh tế. Ngoài ra, ngành ngân hàng cũng đang phối hợp với các bộ, ban, ngành xem xét về việc đưa gói cấp bù lãi suất 3.000 tỷ đồng tương đương quy mô dư nợ hơn 100.000 tỷ đồng (lãi suất 3 - 4%/năm) ra nền kinh tế để hỗ trợ người dân và DN.

Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, mặt bằng lãi suất huy động của các ngân hàng đã xuống rất thấp, không thể đặt mục tiêu giảm lãi suất đầu vào. Dù vậy, định hướng điều hành chính sách tiền tệ của NHNN từ nay tới cuối năm là tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất cho vay như hiện tại và sẽ theo dõi sát diễn biến dịch bệnh. NHNN sẽ chỉ đạo quyết liệt các tổ chức tín dụng chủ động cân đối khả năng tài chính để áp dụng lãi suất cho vay hợp lý, tiết giảm chi phí hoạt động để tập trung nguồn lực giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới, góp phần hỗ trợ và đồng hành cùng DN vượt qua khó khăn. Với lãi suất huy động, NHNN không đặt vấn đề hạ lãi suất đầu vào thời điểm hiện nay, nhằm bảo đảm thanh khoản của hệ thống cũng như quyền lợi người gửi tiền..

"Một chuyên gia tài chính - ngân hàng chia sẻ, đúng là có một số ngân hàng đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động, nhưng số này không nhiều, mức tăng cũng không lớn và cũng chỉ ở một số kỳ hạn, chủ yếu là để cơ cấu lại nguồn vốn. Việc điều chỉnh lãi suất huy động tăng, giảm ở một số ngân hàng là diễn biến bình thường khi nhu cầu huy động vốn của từng ngân hàng là khác nhau. Công ty Chứng khoán VNDirect cũng nhận định, lãi suất tiền gửi sẽ chỉ tăng nhẹ 0,25 - 0,3 điểm phần trăm trong nửa cuối năm nay do nhu cầu tín dụng tăng nhờ sự phục hồi của nền kinh tế; áp lực lạm phát cao..

Giai đoạn này, NHNN tiếp tục nhất quán trong việc kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào hoạt động đầu cơ bất động sản, chứng khoán, tập trung hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh... NHNN cần tiếp tục điều hành linh hoạt nghiệp vụ thị trường mở, điều tiết thanh khoản hợp lý để ổn định thị trường; đồng thời, xem xét giảm các lãi suất điều hành như lãi suất tái cấp vốn, lãi suất chiết khấu... nhằm tạo điều kiện cho các NHTM tiếp cận được nguồn vốn với lãi suất huy động giảm hơn, từ đó giảm lãi suất cho vay." - TS Nguyễn Trí Hiếu

Khách hàng giao dịch tại Vietcombank, chi nhánh Hà Nội. Ảnh: Tần Việt

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần