Cần có chế độ chăm sóc sức khỏe cho người lao động

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước thực trạng đáng báo động về sự thiếu hiểu biết, thờ ơ của chính người lao động đối với sức khỏe bản thân, vấn đề đặt ra là làm sao để nâng cao nhận thức của họ?

Mới đây, Sở Y tế Hà Nội đã phối hợp với nhiều tổ chức, công đoàn cơ sở các công ty tổ chức những cuộc hội thảo tuyên truyền, khám sức khỏe miễn phí cho công nhân.

Ngại khám vì… ngượng

Chị Phạm Thu Hương - công nhân tại khu công nghiệp Sài Đồng (Long Biên, Hà Nội)  tâm sự: "Làm việc trong môi trường công nghiệp, thường xuyên tiếp xúc với thiết bị điện tử, dù có trang phục bảo hộ lao động nhưng tôi cũng không khỏi lo lắng cho sức khỏe bản thân, đặc biệt là SKSS. Tuy nhiên ở công ty tôi, phòng y tế nhỏ chỉ giải quyết những chuyện... đứt tay, chảy máu". Đây cũng là thực trạng chung của nhiều công ty, phòng y tế sơ sài, chỉ xử lý sự cố khi công nhân bị ngất xỉu do làm việc quá sức. Còn công đoàn cơ sở chưa tổ chức được những buổi truyền thông cho công nhân về vấn đề chăm sóc SKSS. Trong khi đó, công nhân lại rất mong mỏi có được sự hỗ trợ, tư vấn chăm sóc sức khỏe.

 
Tuyên truyền về kiến thức sức khỏe sinh sản cho công nhân là rất cần thiết.
Tuyên truyền về kiến thức sức khỏe sinh sản cho công nhân là rất cần thiết.
Theo Bộ luật lao động, việc khám sức khỏe định kỳ cho người lao động phải được thực hiện ít nhất một lần/năm, và sáu tháng/lần đối với những người làm công việc nặng nhọc, độc hại. Nhưng đa phần đối tượng lao động trẻ còn rất "thờ ơ" với việc khám sức khỏe định kì của bản thân. Chị Phạm Thị Kiều Trang – công nhân khu công nghiệp Bắc Thăng Long cho biết: “Tôi làm việc tại Công ty TNHH TOTO Việt Nam, năm nào công đoàn công ty cũng mời các bác sĩ, các chuyên gia tư vấn đến nói chuyện chuyên đề, tuyên truyền về SKSS vào giờ tan ca hoặc những ngày nghỉ nhưng chị chưa tham gia buổi nào. Ba năm nay, tôi chưa đi khám sức khỏe và cũng ít tham gia hoạt động này vì… ngượng. Giữa chỗ đông người, nếu cứ hỏi về vấn đề cách dùng bao cao su, thuốc tránh thai khi chưa có gia đình sẽ dễ bị đánh giá, nên dù có thắc mắc tôi cũng chẳng dám hỏi”.

Sự vào cuộc của công đoàn

Hiện nay, đa phần các công ty mới chỉ chăm lo đến an toàn lao động, việc chăm sóc SKSS là quyền lợi chính đáng của công nhân nhưng đang bị bỏ qua, không được đề cập rõ ràng trong quy định ban đầu nên công nhân rất khó đòi quyền lợi cho mình. Do đó, để nâng cao kiến thức chăm sóc sức khỏe cho công nhân, các ngành đoàn thể, đặc biệt là tổ chức công đoàn cần tích cực vào cuộc. Sở Y tế Hà Nội phối hợp với nhiều công đoàn công ty đã có nhiều hoạt động đưa kiến thức SKSS đến từng khu nhà trọ thông qua việc thiết lập các góc thông tin thân thiện. Cung cấp các  đầu sách, tài liệu về giới, quyền, tình dục, tâm lý, tình yêu, luật, chính sách để công nhân tìm hiểu và tham khảo.

Cùng với đó, các công ty cũng tổ chức những buổi truyền thông, tọa đàm về SKSS và kiến thức giới cho người lao động tại các doanh nghiệp.  Nhiều công đoàn đã tổ chức khám sức khỏe định kỳ, hỗ trợ kinh phí điều trị bệnh phụ khoa cho lao động nữ sau khi khám sức khỏe tại doanh nghiệp; phát bao cao su, tờ gấp tuyên truyền, sân khấu hoá về truyền thông, về kiến thức chăm sóc SKSS trong các buổi sinh hoạt tổ công đoàn, sinh nhật của công nhân hay các dịp kỷ niệm 8/3, 20/10, 28/6.

Tuy nhiên, trên thực tế, những khó khăn trong quá trình thực hiện hoạt động tư vấn, chăm sóc SKSS cho công nhân tại các doanh nghiệp khiến hoạt động này chỉ như “muối bỏ bể”.  Bà Trần Thị Thắm (cán bộ công đoàn Công ty TNHH Hà Việt) cho biết: "Công đoàn công ty chăm lo đời sống, đặc biệt là chăm sóc sức khỏe cho người lao động bằng việc tổ chức hoạt động khám chữa bệnh định kì, đóng BHYT để đảm bảo quyền lợi cho họ. Tuy nhiên, việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức về SKSS còn gặp nhiều khó khăn".

Theo bà Thắm, khó khăn lớn nhất là doanh nghiệp không có cán bộ y tế chuyên trách về việc tư vấn SKSS, kế hoạch hóa gia đình. Thêm nữa, công nhân đều làm ca, kíp nên công ty gặp khó khăn trong việc tổ chức hoạt động tư vấn nếu muốn mời chuyên gia đến tư vấn cho người lao động. Bên cạnh khó khăn từ phía doanh nghiệp, tâm lí e ngại nói lên những điều thầm kín cũng là rào cản khiến người lao động mù mờ trong việc tiếp cận thông tin về SKSS.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần