Cần có thêm những quy định tạo điều kiện để người thân của các nhà đầu tư được sống, làm việc, học tập với những điều kiện tốt nhất ở Thủ đô. Điều này giúp cho Thủ đô trở thành nơi đặt trụ sở của các tập đoàn lớn ở trong nước, các tập đoàn đa quốc gia.
Góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), PGS.TS Bùi Anh Tuấn, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng trường Đại học (ĐH) Ngoại thươngcho biết, Luật Thủ đô được Quốc hội khóa XIII ban hành năm 2012 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2013.
Qua 10 năm thực hiện, Luật Thủ đô và các văn bản quy định chi tiết đã góp phần tạo chuyển biến trong nhận thức của chính quyền các cấp và nhân dân về vị trí, vai trò, nhiệm vụ xây dựng, phát triển Thủ đô; các chính sách, cơ chế quy định trong Luật đã góp phần giúp thành phố đạt được một số kết quả trên nhiều lĩnh vực.
Tuy nhiên, qua quá trình thực hiện Luật Thủ đô năm 2012, các tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô chưa được khai thác hiệu quả. Mặt khác, quá trình thực hiện cũng đã bộc lộ một số tồn tại. Do đó việc sửa đổi Luật Thủ đô nhằm tháo gỡ vướng mắc, điểm nghẽn về thể chế, tạo khuôn khổ pháp lý phù hợp và những đột phá giúp Thủ đô phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh, sử dụng có hiệu quả cao nhất các nguồn lực để phát triển, xứng đáng với vị trí, vai trò Thủ đô là việc hết sức cần thiết.
PGS.TS Bùi Anh Tuấn cho biết thêm, Hà Nội cần xác định Luật Thủ đô được xây dựng dựa trên các quy phạm pháp luật mang tính đặc thù, những vấn đề mà các quy định hiện hành đang áp dụng chung cho cả nước thì không cần đưa vào trong Luật. Đồng thời, để Luật Thủ đô có thể đi vào cuộc sống thì cần hạn chế những quy định mang tính chung chung, vấn đề nào có thể quy định rõ thì cần đưa vào cụ thể vào Luật, cũng như việc phân thẩm quyền của các cấp, đơn vị cũng phải rõ ràng, cụ thể, hạn chế việc không áp dụng trực tiếp từ Luật. Chúng ta có thể nhận thấy rõ rất nhiều quy định trong Dự thảo hiện nay để ngỏ dành cho Chính phủ hay giao cho HĐND của Thành phố quyết định hoặc còn dựa vào các nghị định.
Đối với Hà Nội, cần tập trung vào các ngành công nghệ cao, công nghệ số. Hà Nội có tiềm năng phát triển các ngành công nghệ cao như phần mềm, trò chơi điện tử, điện tử, viễn thông... Việc đầu tư vào các ngành này sẽ giúp tăng trưởng kinh tế và thu hút đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, cần tăng cường các hoạt động đổi mới sáng tạo và đưa các hoạt động đổi mới sáng tạo vào giảng dạy, nghiên cứu và triển khai, thực hành trên phạm vi rộng do Hà Nội có nhiều trường đại học và viện nghiên cứu, cũng như một cộng đồng khởi nghiệp phát triển nhanh chóng.
Việc tăng cường đổi mới sáng tạo sẽ giúp tạo ra nhiều cơ hội mới và thúc đẩy sự phát triển kinh tế. Hà Nội cũng cần nâng cao chất lượng đô thị, tập trung phát triển nền kinh tế xanh. Hà Nội cần có giải pháp đầu tư tăng cường giao thông công cộng, phát triển không gian xanh, quản lý chất lượng nước, phát triển đô thị thông minh và tăng cường quản lý chất lượng xây dựng. Có các giải pháp để tránh một số mặt trái khác của sự phát triển như ô nhiễm môi trường, gia tăng khoảng cách giàu nghèo, phát triển thiếu bền vững.
PGS.TS Bùi Anh Tuấn cho rằng, theo kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới, các thành phố sẽ thu hút được nhiều và hiệu quả các nguồn vốn đầu tư hơn nếu có sự chuẩn bị về cơ sở vật chất và khẳng định được mục tiêu phát triển bền vững của địa phương. Việt Nam đặt mục tiêu đạt net-zero vào năm 2050, vì vậy, để có thể thu hút được vốn đầu tư hiệu quả, trúng đích, cần bổ sung mục thu hút vốn xã hội cho các chương trình, dự án hướng đến carbon thấp trong Luật Thủ đô.
Bên cạnh đó, về thu hút nhà đầu tư chiến lược trong đó có nhiều điều kiện ràng buộc ví dụ như: Chứng minh được năng lực về tài chính, năng lực quản trị, công nghệ và kinh nghiệm thực hiện thành công ít nhất một dự án tương tự…: nên mở rộng và tăng cơ hội đối với các nhà đầu tư chiến lược là các tập đoàn lớn trong nước, các tập đoàn đa quốc gia lớn trên thế giới, đặc biệt là đối với những dự án mới, chưa từng có tiền lệ mà không cần yêu cầu ràng buộc nêu trên.
Cần có thêm những quy định tạo điều kiện để người thân của các nhà đầu tư được sống, làm việc, học tập với những điều kiện tốt nhất ở Thủ đô. Điều này giúp cho Thủ đô trở thành nơi đặt trụ sở của các tập đoàn lớn ở trong nước, các tập đoàn đa quốc gia lớn từ nước ngoài để thu hút các nguồn lực mới, tạo hiệu ứng lan tỏa, trở thành đầu tàu kinh tế cho sự phát triển chung của vùng.