Đại biểu Quốc hội đề xuất giải pháp ứng phó kịp thời để nhanh chóng phục hồi sản xuất

Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 21/10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; báo cáo về công tác phòng, chống dịch Covid-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.

Các đại biểu cũng thảo luận ở tổ về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2022-2024 (trong đó có việc bổ sung dự toán thu, chi vốn viện trợ nước ngoài năm 2021 của tỉnh Quảng Nam; lùi thời điểm cải cách chính sách tiền lương).
 Các đại biểu thảo luận tại tổ Hà Nội
Tri ân lực lực tuyến đầu, đồng bào cử tri cả nước chung tay đồng lòng phòng chống dịch
Thảo luận ở tổ Hà Nội về công tác phòng, chống dịch Covid-19, đại biểu Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cho rằng, đại dịch Covid-19 đã tác động, ảnh hướng lớn đến kinh tế xã hội nước ta. Từ đó, đó đòi hỏi chúng ta cần có giải pháp ứng phó kịp thời để nhanh chóng phục hồi sản xuất, ổn định nền kinh tế.
Đại biểu nêu ví dụ, vấn đề dễ thấy nhất như vấn đề công nhân về quê, khi nhà máy hoạt động lại thì làm sao có nhân lực ngay? Hoặc vừa qua, tại Hà Nội, lãnh đạo TP chủ trương tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giải đáp thắc mắc ngay vấn đề doanh nghiệp băn khoăn, tháo gỡ ngay, thực chất, hiệu quả vấn đề doanh nghiệp vướng mắc.
“Hà Nội tiếp tục thực hiện các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt để phát triển kinh tế-xã hội và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, đại biểu Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành ủy Hà Nội bày tỏ.
Về công tác phòng chống dịch, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đề xuất Quốc hội tri ân lực lực tuyến đầu, đồng bào cử tri cả nước chung tay đồng lòng, chung sức với chính quyền các cấp phòng chống dịch.
Đại biểu Đinh Tiến Dũng dẫn chứng từ việc chống dịch của TP Hà Nội, trong đó, thành công lớn nhất của thành phố trong công tác phòng, chống dịch thời gian qua chính là việc huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc thực chất, huy động sức dân, ý thức trách nhiệm của mỗi người dân cùng vào cuộc trong việc tham gia phòng chống dịch.
 Đại biểu Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội
Cho biết thêm về công tác phòng chống dịch của Hà Nội, Bí thư Thành ủy cho biết thêm, với đặc thù là địa phương có nhiều nguy cơ, đa nguồn lây nên công tác phòng, chống dịch của Hà Nội cũng được triển khai một cách bài bản, khoa học nhưng hết sức linh hoạt với tình hình thực tiễn. Trong đó, mục tiêu quan trọng nhất là bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, an ninh - an toàn cho Thủ đô.
Vì thế, cả hệ thống chính trị của thành phố đã vào cuộc một cách quyết liệt, chủ động rà soát và triển khai các kịch bản phòng, chống dịch cao hơn thực tế để không bị động. Nhờ đó, tình hình dịch trên địa bàn Thủ đô đã cơ bản được kiểm soát”, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết.
Thời gian tới khi Hà Nội mở cửa trở lại các trường đại học thì lượng sinh viên ngoại tỉnh, người lao động về thành phố cao. Do đó, TP tiếp tục duy trì các biện pháp phòng, chống dịch, nghiên cứu tiếp tục việc tiêm vaccine cho các đối tượng chưa tiêm... Đồng thời, phát huy giải pháp quan trọng nhất phải là từ cơ sở, kêu gọi, tập hợp sự chung sức đồng lòng của mỗi người dân.
Cần chủ động, có chiến lược vaccine cho năm 2022 
Thảo luận tại tổ đại biểu TP Hà Nội, đề cập về công tác phòng, chống dịch Covid-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, đại biểu Trần Thị Nhị Hà khẳng định: Đại dịch Covid-19 đã tác động lớn đến sự phát triển kinh tế-xã hội và đời sống của Nhân dân.
Để kiểm soát việc phòng chống dịch bệnh, các cấp, các ngành đã vào cuộc với việc huy động tối đa lực lượng y tế, công an, quân đội và người dân tham gia. Thành phố Hà Nội đã chủ động kiểm soát dịch bệnh như cách ly F0, F1 và kiểm soát tốt F2 cũng như tăng cường hệ thống y tế dự phòng để không bị động khi phát hiện có dịch cũng như điều trị cho các ca bệnh.
 Đại biểu Trần Thị Nhị Hà đóng góp ý kiến tại Phiên thảo luận
Nhiều mô hình phòng, chống dịch được thống nhất từ các cơ quan, ban ngành. Mô hình cách ly 3 lớp, tổ Covid cộng đồng, ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm soát dịch bệnh, trạm y tế lưu động tại địa bàn phong tỏa đã được Thành phố Hà Nội triển khai hiệu quả là những mô hình hiệu quả để các địa phương có thể học hỏi trong kiểm soát, phòng chống dịch bệnh.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác phòng chống dịch bệnh, đại biểu Trần Thị Nhị Hà cũng cho rằng, dịch bệnh Covid-19 với những biến chủng khó lường nên Thành phố Hà Nội vẫn đứng trước nguy cơ lây nhiễm khi mở cửa trở lại. Làn sóng người dân từ các địa phương trở về Hà Nội để sinh sống, làm việc, học tập rất lớn. Đây là áp lực rất lớn đối với lực lượng y tế và các ngành chức năng khác.
Để phòng chống, kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, đại biểu Trần Thị Nhị Hà đề xuất Chính phủ cần chủ động có chiến lược vaccine cho năm 2022 để mở rộng tiêm chủng cho người dân, trước tiên là dành cho đối tượng học sinh, trẻ em.
Bên cạnh đó, cần tăng cường y tế dự phòng, y tế cơ sở, huy động sự đóng góp công sức của Nhân dân trong phòng chống dịch. Mặt khác, công tác tuyên truyền nâng cao ý thức phòng chống dịch cần thống nhất từ Trung ương đến địa phương, sao cho người dân tự ý thức được phòng chống dịch cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
Ngoài ra, cần có nguồn lực dự trữ quốc gia cho công tác phòng, chống dịch. Việc mua sắm, đấu thầu thiết bị y tế cũng cần thực hiện một cách khoa học, tính toán kỹ lưỡng để tránh tình trạng khi cần đến thì không có, khi không cần đến thì dư thừa.
Đồng thuận với quan điểm kiểm soát dịch bệnh không thể bị động, đại biểu Nguyễn Quốc Duyệt nêu quan điểm: Việc chung sống an toàn với dịch bệnh, cần phải có chính sách tổng thể, chứ không thể chạy theo tình huống.
Mặc dù đã đạt được những kết quả trong phòng chống dịch bệnh nhưng Thành phố Hà Nội không thể chủ quan vì vẫn còn đứng trước nguy cơ lẫy nhiễm khi đón nhận lượng người nhập cảnh qua sân bay Nội Bài còn rất lớn, người dân từ các nơi lên Hà Nội làm việc, sinh sống, học tập còn đông.
Vì thế, Thành phố cần tiếp tục đánh giá tình hình diễn biến của dịch bệnh tại các địa bàn; lấy ý kiến từ dư luận xã hội về phương án phòng chống dịch bệnh, không để khủng hoảng y tế khi có dịch. Bên cạnh đó, cần phát huy tốt công năng của các bệnh viện dã chiến; đưa lực lượng y tế, quân y đến tận xã phường. Ngoài ra, cần mở rộng tiêm chủng vaccine, đẩy nhanh việc sản xuất vaccine phòng chống Covid-19 ở trong nước.

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, để kiểm soát dịch bệnh, Chính phủ đã thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ như giãn cách, cách ly… Tuy nhiên, với việc cách ly rộng giữa tỉnh này với tỉnh khác đã làm gián đoạn việc vận chuyển, giao thương hàng hóa nên cũng đã ảnh hưởng đến việc tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa.

 Đại biểu Hoàng Văn Cường nêu quan điểm.

Để phục hồi lại nền kinh tế trước trạng thái bình thường mới, đặc biệt là khi sống chung với dịch bệnh, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, các địa phương cần linh hoạt trong việc kiểm soát dịch bệnh, tăng cường vùng xanh; linh hoạt trong ưu tiên khoanh vùng có dịch chứ không nên giãn cách diện rộng…

Dẫn chứng là trong khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp hay khi diễn ra thiên tai thì ngành Nông nghiệp lại đóng góp vai trò hết sức quan trọng cho đời sống của người dân. Vì vậy, trong thời gian tới, Chính phủ cần có những giải pháp mạnh mẽ hơn vực dậy ngành Nông nghiệp để các mặt hàng nông sản của Việt Nam có thể xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới cũng như đóng góp vào ngân sách Nhà nước.

Đồng thuận với chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới là từ 6 đến 6,5% nhưng đại biểu Hoàng Văn Cường lại cho rằng, việc phục hồi nền kinh tế trong quý IV năm 2021 không giống như năm 2020 vì tác động từ dịch bệnh Covid-19. Việc mở cửa nền kinh tế phải an toàn, chứ khống thể bứt phá ngay vì hiện nay nhiều doanh nhiệp đang gặp khó khăn về nguồn lực. Để tháo gỡ khó khăn cho họ, Chính phủ cần có sự hỗ trợ hơn nữa.

Thảo luận tại tổ, Đại biểu Hà Thị Nga, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp đánh giá cao những kết quả Chính phủ đã đạt được trong thực hiện Kế hoạch phát kinh tế - xã hội năm 2021.

Để thực hiện hiệu quả Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, đại biểu kiến nghị Chính phủ: Tiếp tục quan tâm đánh giá tác động của đại dịch covid để có giải pháp phù hợp; Đầu tư để nâng cao năng lực cho y tế tuyến cơ sở; Quan tâm hỗ trợ đối với các đối tượng là lao động nữ; trẻ em mồ côi;…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần