Cần có quy định riêng, cơ chế giám sát phân phối bảo hiểm qua ngân hàng

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù chủ trương khuyến khích tăng thu từ phí dịch vụ, nhưng các cơ quan chức năng cũng khuyến cáo ngân hàng không được phép tăng doanh số phí bảo hiểm bằng mọi giá.

Bancassurance - “con gà đẻ trứng vàng”

Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam Ngô Trung Dũng cho biết, tỷ trọng phân phối bảo hiểm qua kênh ngân hàng (bancassurance) chiếm gần 40% doanh thu bán mới, gấp đôi sau 3 năm. Khoảng 6 - 7 năm trước, con số này chỉ dao động ở mức 6% - 10%. 3 năm gần đây, hợp đồng phân phối độc quyền giữa ngân hàng và công ty bảo hiểm ngoại liên tục được ký kết.

Ngân hàng kiếm bộn tiền từ mảng bảo hiểm. Ảnh minh họa.
Ngân hàng kiếm bộn tiền từ mảng bảo hiểm. Ảnh minh họa.

Ngân hàng ACB cho biết, mảng kinh doanh bảo hiểm trong năm 2021 đóng góp trên 1.300 tỷ đồng vào tổng lợi nhuận gần 12.000 tỷ đồng của đơn vị. Năm 2022, thu nhập phí của nhà băng này được kỳ vọng đạt 3.400 tỷ đồng trong năm 2022, tăng 27% so với năm 2021. Trong đó, doanh thu từ bancassurance và khoản phí trả trước (được phân bổ trong 15 năm, bắt đầu từ năm 2021) sẽ là động lực chính giúp thúc đẩy thu nhập phí của ngân hàng.

Một số ngân hàng khác cũng có mức thu nhập từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm đạt cao. Cụ thể, VPBank, quý I/2022, thu nhập thuần từ lãi hợp nhất đạt 9.888 tỷ đồng, tăng trưởng 8,4% so với cùng kỳ, trong khi đó thu nhập ngoài lãi đạt 8.381 tỷ đồng, cao hơn 4 lần so với cùng kỳ năm 2021 nhờ khoản phí hỗ trợ từ thỏa thuận hợp tác độc quyền phân phối bảo hiểm giữa VPBank và AIA Việt Nam.

Tại MB, quý I/2022, lãi từ hoạt động dịch vụ của MB tăng 4,8% lên 1.117 tỷ đồng. Hiện thu từ kinh doanh dịch vụ bảo hiểm đóng góp lớn nhất vào thu hoạt động dịch vụ của MB. Theo tính toán của các chuyên gia Chứng khoán SSI, bán lẻ bảo hiểm thường chiếm 20% lợi nhuận trước thuế của VIB…

Là mảng mới nở rộ trong vài năm gần đây, nhưng bancassurance đã mang lại hiệu quả rất lớn cho các ngân hàng, đặc biệt với những tổ chức tín dụng đã bắt tay ký kết hợp tác độc quyền với hãng bảo hiểm và nhận phí upfront (phí trả trước) cộng hoa hồng bảo hiểm - mang đến giá trị hợp đồng khủng hàng trăm triệu USD.

VIB bắt tay hợp tác chiến lược 15 năm với Prudential; hợp đồng 16 năm của VietinBank với Manulife vào tháng 12/2020; ACB ký với SunLife vào cuối tháng 12/2021; MBBank với MB Ageas Life; Vietcombank với FWD và HDBank với Dai-ichi Life. Techcombank, SCB, ACB, Sacombank, VPBank, TPBank… với lợi thế quy mô, mạng lưới hệ thống, công nghệ, data khách hàng… cũng có tên trong cuộc cạnh tranh top APE phát hành (Annual premium equivalent) - phí bảo hiểm hàng năm.

Trong khi đó, với ngành bảo hiểm còn nhiều tiềm năng phát triển, không ít công ty bảo hiểm cả nước ngoài và trong nước đang muốn tham gia thị trường. Các sản phẩm bảo hiểm hiện nay rất đa dạng, vừa bảo hiểm, vừa đầu tư sinh lời, bán kèm sản phẩm tiền gửi...

Nhanh chóng bảo vệ quyền lợi người mua

Tuy vậy, còn có nhiều vấn đề nảy sinh mà nổi cộm nhất là tình trạng các ngân hàng chạy đua theo chỉ tiêu, dẫn đến nhân viên ép khách hàng vay vốn phải mua bảo hiểm mới được giải ngân, hay bằng mọi giá “chèo kéo” khách hàng gửi tiết kiệm mua bảo hiểm.

Mới đây nhất, trong cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), có ý kiến cổ đông than phiền về việc khi đến giao dịch tại ACB, dù không có nhu cầu nhưng nhân viên vẫn tư vấn và thậm chí là "ép" khách hàng mua các loại bảo hiểm. Trả lời cổ đông, lãnh đạo ACB nói nhân viên ngân hàng chỉ giới thiệu dịch vụ.

Đây không phải lần đầu những trường hợp ngân hàng "bán bia kèm lạc" bị phản ánh. Bà B. ở quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội phản ánh, hồi đầu năm 2021, bà vay ngân hàng 400 triệu để mua xe ô tô. Sau khi được cấp biển số, đại lý tạm giữ xe chờ ngân hàng chuyển khoản 400 triệu đồng mà bà B. vay thì mới được đưa xe về nhà. Thế nhưng, oái ăm là khi ký hợp đồng tín dụng, nhân viên ngân hàng yêu cầu bà B. phải mua bảo hiểm tại một công ty bảo hiểm nhân thọ thì mới giải ngân vốn. Xe đã ra biển và đã thanh toán 60% giá trị, chẳng lẽ trả lại xe cho đại lý, nên bà B. đành chấp nhận yêu cầu từ phía ngân hàng. Và ngay lập tức, một nhân viên tư vấn bảo hiểm “cắm” sẵn tại ngân hàng này làm hợp đồng bảo hiểm cho bà B.

Chưa kể, có hiện tượng, khách hàng mua bảo hiểm qua kênh ngân hàng, khi xảy ra tranh chấp thì ngân hàng gần như... không liên quan. Khách hàng mua bảo hiểm qua ngân hàng được vài năm bỗng ngân hàng dừng hợp tác với công ty bảo hiểm, khiến khách hàng hoang mang không biết hồ sơ của mình được giải quyết ra sao. Những tình huống nêu trên phổ biến đến mức dư luận có ác cảm với bancassurance.

Tại kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa XV đang diễn ra, Quốc hội tiếp tục lấy ý kiến về dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Trong năm 2022, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng có hoạt động đại lý bảo hiểm phải chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm; tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ đối với hoạt động đại lý bảo hiểm trên toàn hệ thống. Xử lý nghiêm những trường hợp yêu cầu khách hàng phải mua các loại bảo hiểm khi cấp tín dụng cho khách hàng. Bộ Tài chính cũng yêu cầu các DN bảo hiểm tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm với tổ chức tín dụng, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật, nâng cao chất lượng đào tạo nhân viên của tổ chức tín dụng tham gia bán bảo hiểm, có các biện pháp chấn chỉnh, xử lý kịp thời trường hợp vi phạm.

Dù vậy nội dung được các đại biểu Quốc hội thảo luận sôi nổi và thu hút sự chú ý của đông đảo dư luận là tăng cường quy định, chế tài đối với đại lý bảo hiểm là tổ chức tín dụng, tránh tình trạng ép khách hàng mua bảo hiểm kết hợp với giải ngân vốn vay. Rủi ro chính của bancassurance hiện nay là nhân viên ngân hàng còn thiếu kinh nghiệm và kiến thức về các sản phẩm bảo hiểm, có thể dẫn đến chất lượng tư vấn sản phẩm không cao, đôi khi có thể gây cảm giác không thoải mái cho khách hàng. Để bancassurance phát triển lành mạnh, hệ thống pháp luật về kinh doanh bảo hiểm cần có quy định riêng đối với kênh phân phối này.