Cần cú hích về cơ chế, chính sách để phát triển nông nghiệp bền vững

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong hơn 30 năm đổi mới, nông dân luôn được xem là chủ thể trong quá trình phát triển, nông nghiệp luôn giữ vai trò trụ đỡ của nền kinh tế. Điều này tiếp tục có ý nghĩa quan trọng trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.

Cái khó của người nông dân

Tại TP Hà Nội, Hợp tác xã Chăn nuôi Hoà Mỹ (huyện Ứng Hoà) là một trong những đơn vị tiên phong chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng tập trung. Giám đốc Hợp tác xã Nguyễn Văn Thanh cho biết, đơn vị hiện duy trì chăn nuôi khoảng 3.000 lợn nái và 1.700 lợn thương phẩm. Doanh thu mỗi năm đạt khoảng 10 tỷ đồng.

Mặc dù vậy, giá cả vật tư nông nghiệp tăng cao khiến Hợp tác xã Chăn nuôi Hoà Mỹ gặp nhiều khó khăn trong 2 năm gần đây. Việc thiếu chính sách trợ giá đối với các loại vật tư khiến không chỉ Hợp tác xã Chăn nuôi Hoà Mỹ, mà nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh nông nghiệp khác gặp khó trong giai đoạn dịch Covid-19 tác động mạnh.

Trang trại chăn nuôi lợn công nghệ cao tại xã Phú Cường, huyện Sóc Sơn (TP Hà Nội). Ảnh: Lâm Nguyễn.
Trang trại chăn nuôi lợn công nghệ cao tại xã Phú Cường, huyện Sóc Sơn (TP Hà Nội). Ảnh: Lâm Nguyễn.

Nguồn vốn phát triển nông nghiệp cũng là trăn trở của nhiều nông dân. Trên diện tích 7,5ha, anh Vì Văn Tùng - Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Đông Sang (huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) đang phát triển mô hình sản xuất đa canh. 100% diện tích gieo trồng bắp cải, cà chua, su hào, cải thảo, dâu tây… của hợp tác xã đang áp dụng công nghệ tưới phun mưa, nhỏ giọt theo tiêu chuẩn VietGAP.

Theo anh Vì Văn Tùng, hiện nay riêng với trái dâu tây, sản phẩm làm ra bao nhiêu cũng hết. Tuy nhiên để tiếp tục mở rộng sản xuất, hợp tác xã đang gặp khó khăn về vốn. “Hiện nay Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ, tuy nhiên, việc tiếp cận vẫn còn khó khăn. Cùng với tiếp cận đồng vốn dễ dàng hơn, chúng tôi cũng mong muốn được vay nhiều vốn hơn với lãi suất ưu đãi. Có như vậy, nông dân chúng tôi mới mạnh dạn đầu tư công nghệ để phát triển sản xuất…” - anh Vì Văn Tùng chia sẻ.

Làm ra sản phẩm rồi, việc tiêu thụ ra sao cũng là vấn đề lớn được nhiều nông dân quan tâm. Thực tế những năm gần đây, việc mở cửa thị trường đã được đẩy mạnh, tuy nhiên tiêu thụ nông sản vẫn tập trung vào một số quốc gia trọng điểm, đặc biệt là Trung Quốc. Trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 tác động mạnh, nông sản thường xuyên bị ùn ứ tại các cửa khẩu.

Cùng với 3 khía cạnh: Giá cả vật tư nông nghiệp, nguồn vốn và tiêu thụ, phát triển nông nghiệp cũng còn nhiều vấn đề được đặt ra trong giai đoạn hiện nay. Có thể kể đến là liên kết giữa Nhà nước, doanh nghiệp, người nông dân còn lỏng lẻo; chuyển đổi số trong nông nghiệp còn hạn chế; khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo chưa trở thành phong trào rộng khắp, hay việc làm ở khu vực nông thôn còn nhiều bất cập… Đây là những cái khó, kìm hãm nông dân trong quá trình phát triển.

Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ

Những năm qua, vấn đề nông nghiệp, nông dân luôn được Đảng, Nhà nước và Chính phủ quan tâm. Nhiều nghị quyết đã được ban hành nhằm đổi mới cơ chế quản lý nông nghiệp. Có thể kể tới như: Chỉ thị 100 của Ban Bí thư (1981), Nghị quyết số 10 của Bộ Chính trị (1988), Luật Đất đai 1993 (sau sửa đổi năm 2013)… Đặc biệt là Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành T.Ư Đảng khoá X. Chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã tạo động lực cho phát triển nông nghiệp, giải phóng sức lao động của người nông dân. 

 

“Hội nghị Trung ương 5 khoá XIII đã thảo luận, cho ý kiến và thống nhất ban hành nhiều chủ trương, chính sách mới, trong đó có nghị quyết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn 2045; nghị quyết tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý đất đai và phát triển kinh tế tập thể trong giai đoạn mới. Tôi đề nghị các bộ ngành, địa phương quán triệt nghiêm túc và triển khai có hiệu quả các nghị quyết của Đảng khi được ban hành…”

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Từ những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, các bộ ngành đã cụ thể hoá bằng nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ sát sườn cho nông dân. Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, từ năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1956/QĐ-TTg. Việc triển khai quyết định trên đã giúp hàng triệu nông dân trên cả nước có cơ hội được đào tạo nghề, giải quyết việc làm; góp phần chuyển dịch hiệu quả cơ cấu lao động ở khu vực nông thôn.

“Hiện nay, Chính phủ đang tiếp tục giao Bộ LĐ,TB&XH chủ trì, xây dựng Đề án ''Đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn''. Trong đó tập trung vào các giải pháp đột phá, nhất là những cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, và nâng cao hiệu quả, chất lượng trong phân bổ nguồn lực…” - ông Đào Ngọc Dung thông tin thêm.

Việc tháo gỡ các vướng mắc về thể chế, pháp luật trong lĩnh vực tín dụng nông nghiệp cũng được quan tâm những năm gần đây. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú, cho biết vào năm 2018, đơn vị đã ban hành Nghị định số 116 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55 và các thông tư hướng dẫn về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nội dung được quan tâm nhiều nhất là nâng mức cho vay đối với chủ thể không có tài sản thế chấp lên gấp đôi (từ tối đa 100 triệu đồng lên 200 triệu đồng).

Cùng với vai trò quan trọng của người nông dân, các doanh nghiệp cũng có ý nghĩa nòng cốt trong xây dựng chuỗi giá trị, bao gồm cả khía cạnh liên kết các nhà trong phát triển kinh tế nông thôn. Theo đó, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

“Hiện, Bộ KH&ĐT đang trình Chính phủ dự thảo nghị định thay thế cho Nghị định số 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, trình tự thủ tục hỗ trợ sẽ được rà soát, chỉnh sửa rõ ràng, minh bạch và đồng bộ với các quy định luật, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận…” - Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông cho biết.

Để nông dân “ly nông mà không ly hương”

Nhấn mạnh phát triển nông nghiệp không thể tách rời người nông dân, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn cho rằng, Chính phủ, các bộ ngành cần quan tâm nhiều hơn nữa đến các cơ chế, chính sách để con em nông dân khi trưởng thành có cơ hội phát triển kinh tế nông thôn, ly nông mà không ly hương. Điều này đã được đề cập tới trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đó là thúc đẩy mạnh đô thị hoá ở nông thôn, để người dân nông thôn có mức hưởng thụ gần hơn với khu vực đô thị.

Mô hình trồng bưởi mang lại giá trị kinh tế cao tại huyện Mỹ Đức (TP Hà Nội).
Mô hình trồng bưởi mang lại giá trị kinh tế cao tại huyện Mỹ Đức (TP Hà Nội).

Ông Lương Quốc Đoàn cũng cho rằng, chính sách đất đai cần có sự thay đổi để thúc đẩy tích tụ ruộng đất cho phát triển nông nghiệp. “Nghị quyết số 26 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng ban hành năm 2008 có nêu chủ trương định hướng nông dân cổ phần hoá bằng đất, nhưng đến nay vẫn chưa trở thành một xu hướng hợp tác lớn như kỳ vọng của nông dân lẫn doanh nghiệp. Chính vì vậy, rất cần có định giá đất sát với thị trường, đảm bảo sinh kế, việc làm cho người nông dân khi bị thu hồi đất…” - Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam bày tỏ quan điểm.

Tại hội nghị đối thoại với nông dân Việt Nam tổ chức mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của nông nghiệp, vị thế mới của người nông dân trong giai đoạn phát triển hiện nay. Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh: Phát triển nông nghiệp, nâng cao đời sống cho nông dân là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị.

Thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các bộ ngành, địa phương, đặc biệt là Hội Nông dân các cấp tiếp tục lắng nghe, tìm hiểu, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân; kịp thời có hỗ trợ, định hướng và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nông dân trong tổ chức sản xuất, chế biến, tiêu thụ, góp phần nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế trong nông nghiệp.

Tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, cải cách hành chính trong lĩnh vực nông nghiệp. Chú trọng nâng cao hiệu quả, quản lý và sử dụng đất. Tăng nguồn lực đầu tư của Nhà nước cho phát triển nông nghiệp. Đồng thời, nghiên cứu các hình thức ưu đãi tín dụng hỗ trợ chủ thể sản xuất, kinh doanh (nhất là người nông dân). 

 

Quyết liệt ngăn chặn tín dụng đen trong nông nghiệp

“Trong lĩnh vực vay vốn hộ nông dân, một số loại tội phạm đã lợi dụng hình thành đường dây, ổ nhóm cho vay nặng lãi mà chúng ta thường gọi là tín dụng đen. Trước tình hình đó, Bộ Công an đã tham mưu Chính phủ ban hành Chỉ thị số 12/CT-TTg nhằm tăng cường phòng ngừa, đấu tranh. Hiện, Bộ Công an đang trình Quốc hội sửa đổi một số điều luật để tăng cường xử lý tội phạm tín dụng đen, bảo vệ người nông dân trong tiếp cận vốn vay…”

Trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an.