Hà Nội Nỗ lực phát triển nhà ở cho công nhân
Theo Nghị quyết số 18/NQ-HĐND ngày 8/7/2022 về việc thông qua chương trình phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2030 của HĐND Thành phố và Quyết định số 1186/QĐ-UBND ngày 23/2/2023 về việc phê duyệt kế hoạch phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025 của UBND Thành phố, mục tiêu đến năm 2025 phát triển mới khoảng 1,25 triệu m2 sàn nhà ở xã hội; Chuẩn bị đầu tư 1-2 khu nhà ở xã hội độc lập (tập trung) và nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết 2-3 khu. Tỷ lệ nhà ở xã hội cho thuê đạt tối thiểu theo quy định của Trung ương, nhà ở cho thuê mua phải đạt tối thiểu 10% diện tích nhà ở xã hội tại dự án.
Mục tiêu đến năm 2030 phát triển mới khoảng 5,55 triệu m2 sàn nhà ở; Triển khai đầu tư xây dựng 1 -2 khu nhà ở xã hội độc lập (tập trung) và chuẩn bị đầu tư đối với các khu còn lại; Phấn đấu 100% các khu công nghiệp, khu chế xuất của Thành phố đều có khu nhà ở xã hội phục vụ công nhân, người lao động. Tỷ lệ nhà ở xã hội cho thuê đạt tối thiểu theo quy định của Trung ương, nhà ở cho thuê mua phải đạt tối thiểu 10% diện tích nhà ở xã hội tại dự án.
Theo Phó trưởng Ban quản lý các Khu công nghiệp và Chế xuất (KCN&CX) Hà Nội Trần Anh Tuấn, để triển khai chính sách phát triển nhà ở cho công nhân, thời gian qua Ban Quản lý đã thường xuyên tuyên truyển phổ biến nâng cao nhận thức việc xây dựng nhà ở cho công nhân lao động là của trách nhiệm của toàn xã hội, là nghĩa vụ và sự tham gia của các thành phần kinh tế. Đồng thời, huy động nguồn vốn đầu tư triển khai các Dự án nhà ở cho công nhân lao động từ các nguồn khác nhau, như: Ngân sách Thành phố, vốn vay ưu đãi, vốn của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, vốn của doanh nghiệp sử dụng lao động...
Bên cạnh đó, Ban Quản lý cũng tìm kiếm, hỗ trợ nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án phát triển nhà ở cho công nhân lao động trong các KCN, cụm công nghiệp-đặc biệt là các KCN, cụm công nghiệp chưa bố trí được quỹ đất để xây dựng nhà ở cho người lao động.
Thành phố, UBND các huyện tiếp tục rà soát, bố trí, quy hoạch, sử dụng quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại và bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở và các thiết chế văn hóa cho công nhân lao động gần các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Với các khu công nghiệp đang xây dựng hoặc còn đất trống thì cho phép điều chỉnh quy hoạch chi tiết chuyển một phần đất công nghiệp sang làm nhà ở công nhân.
Đối với KCN mới đang chuẩn bị đầu tư triển khai hạ tầng, yêu cầu phải quy hoạch và bố trí quỹ đất để triển khai Dự án nhà ở cho công nhân lao động và các thiết chế văn hóa phục vụ người lao động. Công ty xây dựng hạ tầng có trách nhiệm xây dựng hạ tầng kỹ thuật và một phần nhà ở. Các doanh nghiệp lớn được giao đất để xây dựng nhà ở cho công nhân lao động trong doanh nghiệp mình.
Đặc biệt, Thành phố ưu tiên nguồn vốn ngân sách cho xây dựng hạ tầng xã hội bao gồm các công trình phúc lợi công cộng. Phối hợp, đôn đốc các Ngân hàng giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn dễ dàng, thuận tiện.
Mặc dù có nhiều nỗ lực nhưng theo Phó trưởng Ban quản lý các KCN&CX Hà Nội, hiện Hà Nội mới có 4 KCN xây dựng nhà ở cho công nhân, đáp ứng được trên 22.400 nhà ở cho công nhân (đạt khoảng 13%). Một trong những nguyên nhân là do khó khăn về quỹ đất, nguồn vốn đầu tư và cơ chế chính sách.
Những kiến nghị về chính sách phát triển nhà ở cho công nhân
Nhằm từng bước ổn định đời sống của công nhân, người lao động và giải quyết những khó khăn vướng mắc trên, đại diện cho Ban Quản lý các KCN&CX Hà Nội, ông Trần Anh Tuấn nêu ra một số kiến nghị cụ thể. Theo đó, với quan điểm khu công nghiệp là một địa bàn trọng điểm cả về sản xuất kinh doanh và nơi sinh sống của người lao động, cần có cơ chế chính sách cụ thể, tạo điều kiện về thuế, nguồn vốn, đất và một số ưu đãi khác nhằm thu hút được các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân.
Quy hoạch khu công nghiệp phải được gắn với quy hoạch phát triển các dự án khu nhà ở cho công nhân. Quy hoạch khu nhà ở cho công nhân cần đáp ứng quy hoạch chung của đô thị, nhà ở dành cho công nhân là một bộ phận cấu thành của hệ thống nhà ở đô thị. Tại Khoản 4 điều 4 Nghị định 35/2022/NĐ-CP quy định các KCN phải dành quỹ đất tối thiểu bằng 2% tổng diện tích để xây nhà ở cho công nhân. Tuy nhiên, đối với các khu công nghiệp cũ đã được lấp đầy doanh nghiệp thứ phát rất khó khăn về việc bố trí quỹ đất. Vì vậy, việc quy hoạch xây dựng nhà ở cho công nhân, đề nghị phải gắn với các dự án nhà ở thương mại hoặc các dự án khu đô thị mới để đảm bảo tính đồng bộ về cơ sở hạ tầng xã hội về việc này.
Ban quản lý các KCN&CX đề xuất Thành phố xem xét xây dựng cơ chế cho phép việc đấu giá các khu đất có giá trị hoặc có cơ chế hoán đổi giá trị quyền sử dụng đất tạo nguồn vốn cũng như quỹ nhà ở cho công nhân.
Đa dạng hóa các hình thức đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân. Ngoài việc xây dựng nhà ở từ nguồn vốn nhà nước, cần khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng nhà ở thương mại để cho thuê, thuê mua, bán trả góp, … theo cơ chế thị trường để góp phần tăng nguồn cung nhà ở trên thị trường, đáp ứng nhu cầu của công nhân lao động trong các thành phần kinh tế.
Đồng thời, cần tăng cường tuyên truyền thu hút đầu tư, xây dựng cơ chế chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vay vốn ưu đãi; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cũng như miễn tiền thuê và sử dụng đất. Nhận thức tiền đề của đô thị là công nghiệp, dịch vụ và thương mại; công nghiệp phát triển đi đôi với sự gia tăng số lượng lao động, chủ yếu là gia tăng cơ học; đầu tư nhà ở công nhân là một nhu cầu cần thiết, cấp bách đưa lên vị trí hàng đầu trong giai đoạn hiện nay.
Hiện nay việc đầu tư xây dựng nhà ở công nhân vẫn chủ yếu dựa vào việc đầu tư xây dựng của Nhà nước, vì vậy Nhà nước cần có cơ chế huy động các nguồn vốn (như Trái phiếu Chính phủ…) tạo Quỹ đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi phục vụ nhu cầu phát triển hệ thống nhà ở cho công nhân.