Cần điều kiện gì để được vay vốn lãi suất 0% trả lương người lao động ngừng việc?

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 68 về việc hỗ trợ DN vay vốn trả lương cho người lao động bị ngừng việc, nhiều DN lúng túng không biết cần điều kiện gì để được vay vốn. Trước thắc mắc này, Phó giám đốc NHCSXH TP Hà Nội Phạm Văn Quyết đã giải đáp về điều kiện, thủ tục vay vốn cũng như điểm mới của Nghị quyết để DN tiếp cận chính sách.

 Hình minh họa
DN phải có phương án phục hồi sản xuất, không nợ xấu
Phó Giám đốc NHCSXH TP Hà Nội Phạm Văn Quyết cho biết: Theo Nghị quyết số 68 của Chính phủ quy định, người sử dụng lao động có khó khăn về tài chính do tác động của dịch Covid-19 sẽ được vay tiền từ NHCSXH để trả lương ngừng việc cho người lao động và phục hồi sản xuất. Hiện phía ngân hàng đã bắt đầu khởi động chương trình này.
Chia sẻ về đối tượng được vay vốn, ông Phạm Văn Quyết cho biết: Lần này chính sách cho vay ngừng việc được quy định có 2 dạng chính, đó là cho người sử dụng lao động (NSDLĐ) vay vốn để trả lương ngừng việc cho lao động, và cho vay để trả lương người lao động khi phục hổi sản xuất kinh doanh.
Cụ thể, trường hợp cho vay trả lương ngừng việc, NSDLĐ có người lao động làm việc theo hợp đồng đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đến tháng liền kề trước thời điểm người lao động ngừng việc, phải ngừng việc từ 15 ngày liên tục trở lên theo quy định tại khoản 3 Điều 99 Bộ Luật Lao động trong thời gian từ ngày 01/5/2021 đến hết ngày 31/3/2022; không có nợ xấu tại tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm đề nghị vay vốn.
 Cán bộ NHCSXH huyện Thạch Thất tuyên truyền tại điểm giao dịch xã
Đối với cho vay trả lương phục hồi sản xuất, NSDLĐ phải tạm dừng hoạt động do yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Coivd-19 trong thời gian từ ngày 01/5/2021 đến hết ngày 31/3/2022; có người lao động làm việc theo hợp đồng đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đến thời điểm đề nghị vay vốn; có phương án hoặc kế hoạch phục hồi sản xuất, kinh doanh; không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm đề nghị vay vốn.
Đối với NSDLĐ trong lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng: Có người lao động làm việc theo hợp đồng đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đến thời điểm đề nghị vay vốn phải có phương án hoặc kế hoạch phục hồi sản xuất, kinh doanh; không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và đã hoàn thành quyết toán thuế năm 2020 tại thời điểm đề nghị vay vốn.
Hạn mức vay bằng mức lương tối thiểu vùng
Chia sẻ về hạn mức vay vốn, ông Phạm Văn Quyết cho biết: Quy định của Chính phủ, việc vay vốn không cần đảm bảo tài sản, lãi suất 0%, thời hạn vay không quá 12 tháng, mức vay bằng mức lương tối thiểu vùng cho một lao động, mỗi lao động được vay không quá 3 tháng.
Cụ thể, NSDLĐ được vay vốn một hoặc nhiều lần để trả lương ngừng việc, trả lương cho người lao động khi phục hồi sản xuất với thời gian tối đa 03 tháng/người lao động. Trong đó, vay vốn trả lương ngừng việc, mức cho vay tối đa bằng mức lương tối thiểu vùng đối với số người lao động theo thời gian trả lương ngừng việc thực tế tối đa 3 tháng. Đối với gói vay vốn trả lương phục hồi sản xuất, mức cho vay tối đa bằng mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động đang làm việc theo hợp đồng lao động. (Mức tiền lương tối thiểu vùng căn cứ theo quy định tại Nghị định số 90/2019/NĐ-CP ngày 15/11/2019 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động). Lãi suất cho vay là 0%/năm; lãi suất nợ quá hạn là 12%/năm. Thời hạn cho vay do NHCSXH nơi cho vay và NSDLĐ thỏa thuận dưới 12 tháng, kể từ ngày giải ngân món vay đầu tiên
Về hồ sơ vay vốn gồm các giấy tờ phù hợp với loại hình hoạt động (bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu); Bản gốc/Bản chính/Bản sao có chứng thực giấy ủy quyền (nếu có).
NSDLĐ tự kê khai, lập danh sách, chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực đối với số lao động ngừng việc, số lao động làm việc theo hợp đồng đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và các thông tin, hồ sơ, tài liệu cung cấp NHCSXH nơi cho vay theo quy định tại Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg.
 NHCSXH TP Hà Nội tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai, tập huấn nghiệp vụ đến 100% cán bộ
Đưa chính sách vào cuộc sống, hỗ trợ tối đa cho DN
Ông Phạm Văn Quyết cho biết, để sớm đưa chính sách vào cuộc sống, hỗ trợ kịp thời cho DN, NHCSXH Hà Nội đã triển khai tập huấn nghiệp vụ đến 100% cán bộ; phối hợp với các sở, ngành, các cơ quan truyền thông, Mặt trận tổ quốc, Liên đoàn lao động, các hội đoàn thể, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội, Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội …tuyên truyền chính sách, đồng thời, công khai nội dung chính sách mới, quy trình thủ tục cho vay tại tất cả các điểm giao dịch của NHCSXH đặt tại UBND xã, phường, thị trấn.
Bên cạnh việc tuyên truyền, phổ biến chính sách trên các phương tiện thông tin đại chúng, NHCSXH TP đã chỉ đạo các phòng giao dịch NHCSXH cấp huyện trực thuộc coi việc triển khai cho vay hỗ trợ người sử dụng lao động là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu. Các đơn vị phải bố trí cán bộ trực tại cơ quan để tiếp nhận thông tin hoặc nắm bắt qua điện thoại, kịp thời tuyên truyền, hướng dẫn người sử dụng lao động về quy trình thủ tục cho vay, tạo điều kiện để người sử dụng lao động đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn tiếp cận nguồn vốn nhanh chóng, dễ dàng và thuận lợi nhất. Đến ngày 15/07/2021, Chi nhánh NHCSXH TP Hà Nội đã khảo sát 372 người sử dụng lao động, với 28.961 lao động trên địa bàn Hà Nội, trong đó có 5 người sử dụng lao động có nhu cầu vay vốn để trả lương ngừng việc và 41 người sử dụng lao động có nhu cầu vay vốn để trả lương phục hồi sản xuất.
Phó Giám đốc NHCSXH TP cũng đưa ra lưu ý, thời gian nhận hồ sơ đề nghị vay vốn của NSDLĐ chậm nhất đến hết ngày 25/3/2022. Địa điểm tiếp nhận hồ sơ tại Phòng giao dịch NHCSXH các quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP. NHCSXH nơi cho vay giải ngân cho NSDLĐ bằng hình thức chuyển khoản vào tài khoản của NSDLĐ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần