Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cần gỡ khó cho doanh nghiệp chuyển đổi xanh

Lê Mai
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 29/10, Tiếp thị & Gia đình phối hợp với Công ty CP Acecook Việt Nam tổ chức chương trình tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Chuyển đổi xanh: Doanh nghiệp hành động, cộng đồng hưởng lợi’", với sự tham gia của các chuyên gia kinh tế, môi trường và doanh nghiệp,...

Tại tọa đàm, các chuyên gia, doanh nghiệp (DN) đã cùng thảo luận sôi nổi về các vấn dề như: Xu hướng chuyển đổi xanh trong kinh doanh hiện nay; Những hành động thiết thực của DN nhằm bảo vệ môi trường; Vai trò và lợi ích của cộng đồng từ các chiến lược xanh; Đề xuất giải pháp cho sự phát triển bền vững.

Tọa đàm góp phần nâng cao nhận thức trong cộng đồng về tiêu dùng xanh, đồng thời kêu gọi sự chung tay vượt khó của DN trong lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng, góp phần bảo vệ môi trường.
Tọa đàm góp phần nâng cao nhận thức trong cộng đồng về tiêu dùng xanh, đồng thời kêu gọi sự chung tay vượt khó của DN trong lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng, góp phần bảo vệ môi trường.

Theo Bộ Công Thương, nhu cầu tiêu dùng sản phẩm xanh tại Việt Nam đã tăng trưởng trung bình 15% mỗi năm trong giai đoạn 2021 - 2023. Đặc biệt, 72% người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm thân thiện với môi trường, cho thấy sự quan tâm ngày càng tăng về bảo vệ môi trường. 

Trao đổi về vấn đề này, TS Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) nhìn nhận, sự chuyển dịch từ các sản phẩm nhựa sang vật liệu thân thiện với môi trường như túi giấy hay ống hút tre không chỉ phản ánh ý thức bảo vệ môi trường của người tiêu dùng mà còn là tín hiệu tích cực cho nền kinh tế xanh.

“Việc thay đổi một thói quen lâu năm không phải là điều dễ dàng, nhưng chúng ta đang chứng kiến những kết quả khả quan ban đầu. Để đạt được điều này, trước hết, phải ghi nhận trách nhiệm xã hội của DN. Tuy nhiên, tôi cho rằng, các DN cần chủ động tích cực trong việc phát triển và cung cấp sản phẩm thân thiện với môi trường; phải đầu tư vào nghiên cứu và phát triển các sản phẩm bền vững, đồng thời cải thiện quy trình sản xuất để giảm thiểu tác động xấu đến môi trường” -  TS Trần Thị Hồng Minh nói và cho rằng, DN nên tạo ra các chiến dịch truyền thông hiệu quả nhằm nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về lợi ích của việc sử dụng sản phẩm xanh. Không chỉ là trách nhiệm với môi trường, việc này còn giúp xây dựng thương hiệu và tăng cường lòng tin của khách hàng.

Là một trong những DN đang nỗ lực chuyển đổi xanh, ông Phạm Trung Thành - đại diện Công ty CP Acecook Việt Nam, Trưởng ban đối ngoại cho biết, mục tiêu phát triển bền vững không chỉ là của riêng Acecook Việt Nam mà còn là định hướng của cả công ty tại Nhật Bản. Hiện, DN đang nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp, cải tiến quy trình để phục vụ việc chuyển đổi xanh trong sản xuất. Có thể kể đến một số hoạt động nổi bật như:

Tăng cường sử dụng nguồn năng lượng tái tạo: Acecook Việt Nam lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời áp mái trên tòa nhà văn phòng Công ty và nhà máy tại TP Hồ Chí Minh, sắp tới đây, khi xây nhà máy mới tại Vĩnh Long thì cũng được lắp đặt sẵn hệ thống pin năng lượng mặt trời áp mái này.

Với đặc thù sản phẩm của mình, DN cũng hướng tới mục tiêu giảm nhựa: thông qua hoạt động chuyển đổi bao bì mì cốc từ cốc nhựa sang cốc giấy, ở các dòng sản phẩm như mì cốc Modern - chiếm hơn 50% tổng sản lượng mì  cốc bán ra của công ty, mì cốc Handy Hảo Hảo, mì cốc Caykay,… giúp giảm thiểu đáng kể lượng rác thải nhựa ra môi trường.

Một trong những hoạt động khác không kém phần quan trọng trong mục tiêu hướng đến phát triển bền vững, nhằm giúp giảm phát thải, chính là việc chuyển đổi từ lò hơi đốt than sang lò hơi biomass. Mới đây, để thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), DN đã ký kết hợp tác với 1 đơn vị thứ ba uy tín, để cùng nhau thực hiện thu gom, tái chế bao bì giấy.

Hiện, DN vẫn đang nỗ lực tìm kiếm những giải pháp khác để tiếp tục thực hiện, nhằm cải tiến hơn nữa về sản phẩm, về quy trình sản xuất và cả cách vận hành DN, để hướng đến mục tiêu chuyển đổi xanh của cả tập đoàn.

“Chuyển đổi xanh, tôi tin rằng không chỉ Acecook Việt Nam mà các DN khác cũng gặp nhiều khó khăn. Khó khăn lớn nhất chính là chi phí đầu tư. Để có thể thực hiện một số hoạt động như đã kể trên thì chi phí đầu tư cơ sở vật chất, đầu tư chuyển đổi bao bì không hề nhỏ. Đây là một bài toán khó cho DN trong sản xuất, khi vừa phải đạt được mục tiêu phát triển bền vững, vừa cung cấp sản phẩm chất lượng mà giá thành phải hợp lý.

Khó khăn tiếp theo chính là nguồn cung ứng bền vững. Hiện nay, các đơn vị cung cấp dịch vụ, hay nguyên vật liệu bền vững trên thị trường còn ít, dẫn đến giá thành cho các dịch vụ và nguyên liệu khá cao, gây nhiều khó khăn dù DN rất muốn thực hiện chuyển đổi xanh.

Ông Thành cũng hy vọng, trong tương lai sẽ có nhiều hơn nữa những đơn vị cung cấp các giải pháp bền vững, để DN sẽ dễ dàng tiếp cận và chuyển đổi với chi phí hợp lý.

Đại diện Tiếp thị & Gia đình tặng hoa cho khách mời tham gia tọa đàm.
Đại diện Tiếp thị & Gia đình tặng hoa cho khách mời tham gia tọa đàm.

Chia sẻ với khó khăn của DN trong chuyển đổi xanh, PGS.TS Bùi Thị An - Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng khẳng định, trong bối cảnh toàn cầu đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng về môi trường và phát triển bền vững, việc chuyển đổi xanh đã trở thành xu hướng tất yếu. PGS.TS Bùi Thị An cho rằng, bước đầu chuyển đổi sẽ khó khăn, vì chi phí cho chuyển đổi xanh là không nhỏ, trong khi DN mục tiêu kinh doanh là phải có lợi nhuận, dù ít.

“Chúng ta cũng đã có những sách thúc đẩy chuyển đổi xanh nhưng chưa mạnh mẽ.  đang thiếu các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ cho phát triển xanh, và những chính sách hiện có chưa thực sự đồng bộ, dẫn đến việc chưa tạo được động lực đủ lớn cho các DN. Vậy nên, rất cần sự hỗ trợ hơn nữa từ phía Nhà nước trong cơ chế chính sách giúp các DN chuyển đổi thành công”- PGS.TS Bùi Thị An phân tích.

Về vấn đề này, TS Trần Thị Hồng Minh cũng đã đề xuất, cần có các chính sách liên quan đến thuế, tín dụng, tài chính, nguồn nhân lực,...để hỗ trợ cho những DN thực hiện đổi mới sáng tạo và phát triển sản phẩm thân thiện với môi trường. Ngoài ra, cần có một khung pháp lý rõ ràng hơn để DN dễ dàng tiếp cận và thực hiện các cam kết bền vững. Mặt khác, các chương trình đào tạo, hội thảo nâng cao nhận thức về tiêu dùng xanh cho DN và người tiêu dùng cũng rất quan trọng.

“Các chính sách của Nhà nước không chỉ giúp tạo ra động lực cho DN mà còn thúc đẩy sự chuyển mình mạnh mẽ trong thói quen tiêu dùng của người dân, hướng tới một tương lai bền vững hơn” - TS Trần Thị Hồng Minh  nhận định.