Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi:

Cần hài hòa lợi ích để phát triển thị trường

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi vừa được Bộ Tài chính công bố có nhiều đề xuất mới nhằm bảo vệ nhà đầu tư, chặn các hành vi thao túng và bổ sung thêm quy định minh bạch thị trường.

Tuy nhiên, một số đề xuất, theo các chuyên gia là đang “siết” thị trường, chưa phù hợp và có thể tạo ra những “ổ gà”, “ổ vịt” trong phát triển các thị trường vốn.

Ba nhóm sửa đổi quan trọng

Để hạn chế những bất cập, tại dự thảo này, cơ quan soạn thảo tập trung vào 3 nhóm chính sách, trong đó có nhóm chính sách nhằm nâng cao tính minh bạch, hiệu quả trong hoạt động phát hành, chào bán chứng khoán.

Theo đó, Bộ Tài chính đưa ra khái niệm nhà đầu tư chuyên nghiệp tại Điều 11 như sau: đối với công ty có vốn điều lệ đã góp trên 100 tỷ đồng, yêu cầu thời gian hoạt động tối thiểu 2 năm. Đối với cá nhân, bổ sung 2 tiêu chí gồm tham gia đầu tư tối thiểu 2 năm, có tần suất giao dịch tối thiểu 10 lần/quý trong 4 quý gần nhất và có thu nhập tối thiểu 1 tỷ đồng/năm trong 2 năm gần nhất.

Nhà đầu tư tham khảo thị trường tại một công ty chứng khoán ở Hà Nội. Ảnh: Khánh Linh
Nhà đầu tư tham khảo thị trường tại một công ty chứng khoán ở Hà Nội. Ảnh: Khánh Linh

Dự thảo cũng bổ sung quy định rằng nhà đầu tư chuyên nghiệp tham gia mua, giao dịch, chuyển nhượng trái phiếu DN riêng lẻ phải là tổ chức theo quy định tại Khoản 1, Điều 11 Luật Chứng khoán.

Thay đổi quan trọng nữa là hành vi thao túng chứng khoán sẽ được luật hóa thông qua sửa đổi quy định về hành vi thao túng thị trường chứng khoán từ Nghị định 156/2020/NĐ-CP. Các hành vi cụ thể bao gồm: mua hoặc bán chứng khoán với khối lượng chi phối vào thời điểm mở cửa hoặc đóng cửa thị trường nhằm tạo ra mức giá mới; đặt lệnh mua và bán cùng loại chứng khoán trong cùng ngày giao dịch; hoặc thông đồng mua bán chứng khoán mà không dẫn đến chuyển nhượng thực sự.

Tại Dự thảo, việc phát hành trái phiếu DN sẽ được thực hiện thông qua sửa đổi, bổ sung Khoản 3, Điều 15, Luật Chứng khoán. DN chào bán trái phiếu phải có tài sản bảo đảm hoặc được bảo lãnh ngân hàng, ngoại trừ các tổ chức tín dụng chào bán trái phiếu là nợ thứ cấp và đủ điều kiện để được tính vào vốn cấp 2, cùng với đại diện người sở hữu trái phiếu theo quy định của Chính phủ.

 

Trái phiếu là một kênh quan trọng của DN, do đó việc sửa đổi quy định liên quan tới phát hành trái phiếu cần thận trọng, bảo đảm tính ổn định; tránh tình trạng thắt chặt trái phiếu riêng lẻ, gây ra đứt gãy nguồn vốn cho DN.

Ông Phạm Văn Hùng - Ban Pháp chế - Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

Việc sửa đổi, bổ sung một số điều tại Luật Chứng khoán được đánh giá là cần thiết để bảo đảm cho thị trường chứng khoán (TTCK) hoạt động minh bạch, hiệu quả hơn, bảo đảm quyền lợi cho nhà đầu tư, ngăn chặn hành vi gian lận, tạo điều kiện cho TTCK phát triển.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia và các thành viên thị trường cho biết, một số đề xuất của Bộ Tài chính tại dự thảo nhiều chỗ vẫn chưa phù hợp, cần hài hòa hơn nữa giữa mục tiêu bảo vệ nhà đầu tư, tăng minh bạch thị trường nhưng không tạo ra các “ổ gà’, “ổ vịt” trên hành trình phát triển các thị trường vốn.

Hài hòa giữa bảo vệ nhà đầu tư và phát triển thị trường

Một trong những sửa đổi quan trọng của dự thảo là bổ sung các quy định giao dịch trái phiếu DN riêng lẻ. Cụ thể, khoản 2 điều 1 dự thảo luật sửa đổi quy định, nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp không được đầu tư trái phiếu phát hành riêng lẻ nếu không đáp ứng được các điều kiện gồm: tham gia đầu tư chứng khoán tối thiểu 2 năm, giao dịch tối thiểu 10 lần/quý trong 4 quý gần nhất; thu nhập tối thiểu 1 tỷ đồng/năm trong 2 năm gần nhất. Một số chuyên gia cho rằng, quy định này đang “siết” quá mức các đối tượng nhà đầu tư tham gia thị trường.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh đề xuất, nên giữ nguyên các tiêu chí xác định nhà đầu tư chuyên nghiệp là cá nhân như quy định hiện hành. Ông Thịnh cho rằng không nhất thiết phải quy định thêm điều kiện giao dịch chứng khoán tối thiểu 10 lần/quý trong 4 quý gần nhất hay như thu nhập tối thiểu 1 tỷ đồng/năm trong 2 năm gần nhất. Vì quy định như vậy sẽ hạn chế một lượng lớn các nhà đầu tư tham gia vào thị trường trái phiếu DN, làm mất đi một nguồn vốn lớn.

Theo tính toán, nhà đầu tư cá nhân đang nắm gần 27% khối lượng trái phiếu, chỉ sau ngân hàng thương mại. Việc siết điều kiện nhà đầu tư cá nhân được tham gia thị trường trái phiếu DN sẽ hạn chế lực lượng vốn đang nắm giữ 1/4 khối lượng trái phiếu phát hành này tham gia thị trường trái phiếu. Theo mục tiêu của Chính phủ đến năm 2025 và 2030, mỗi năm cần trên 800.000 tỷ đồng trái phiếu DN mới, việc thiếu nhà đầu tư cá nhân có thể dẫn đến sẽ không đủ người mua.

Cũng liên quan đến trái phiếu, dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi còn yêu cầu tổ chức phát hành trái phiếu ra công chúng phải có tài sản bảo đảm hoặc bảo lãnh của ngân hàng khi xin cấp phép phát hành, ngoại trừ trường hợp tổ chức tín dụng chào bán trái phiếu là nợ thứ cấp thỏa mãn các điều kiện để được tính vào vốn cấp 2 và có đại diện người sở hữu trái phiếu theo quy định.

Góp ý về nội dung này, đại diện Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam cho biết, thực tế các DN có hoạt động kinh doanh hiệu quả, tình hình tài chính tốt có thể thực hiện các khoản vay nợ tín chấp, phát hành trái phiếu không có bảo đảm. Việc có hoặc không có bảo đảm thuộc về cấu trúc của trái phiếu và đều được phản ánh vào giá phát hành, được thị trường tự cân đối dựa trên cung - cầu.

Việc quy định bắt buộc trái phiếu phát hành ra công chúng phải có tài sản bảo đảm, bảo lãnh của ngân hàng sẽ không xử lý được vấn đề cốt lõi của việc lựa chọn, sàng lọc các tổ chức phát hành có chất lượng để phát hành trái phiếu DN, đồng thời tạo rào cản lớn, trực tiếp làm giảm nguồn cung trái phiếu DN ra công chứng, bao gồm cả trái phiếu của DN đầu ngành, có thể huy động vốn tín chấp, không có bảo đảm.

Vì vậy, đại diện Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo lược bỏ quy định về điều kiện trái phiếu phát hành ra công chúng phải có tài sản bảo đảm hoặc bảo lãnh thanh toán; cùng với đó bổ sung quy định, hướng dẫn về tổ chức được đóng vai trò là đại lý nhận, quản lý tài sản bảo đảm cho trái phiếu có tài sản bảo đảm và quy định cho phép các tổ chức tài chính quốc tế được tham gia bảo lãnh thanh toán.

Về các quy định để hạn chế các hành vi thao túng thị trường chứng khoán, Phó tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán kiến thiết Việt Nam (CSI) Đỗ Bảo Ngọc nhận định, các hành vi thao túng trên TTCK theo quy định của Luật Chứng khoán 2019 còn khá chung chung. Do đó, khó có thể phân biệt giao dịch của nhà đầu tư trên thị trường và các giao dịch thao túng của một nhóm nhà đầu tư dựa theo quy định cũ.

Theo Phó tổng Giám đốc CSI, chính sách mới cần cụ thể hơn ở những góc độ như: hành vi thao túng dựa trên việc mua đi bán lại những cổ phiếu trong cùng một khoảng thời gian, xuất hiện các giao dịch chéo. Ngoài ra, bổ sung thêm các quy định liên quan đến việc các nhà đầu tư chứng khoán bắt buộc phải xác định định danh điện tử thông qua căn cước công dân gắn chip.

“Đây là yếu tố để chúng ta xác thực được từng tài khoản chứng khoán được lập ra bởi những nhà đầu tư thực tế, chứ không phải là những nhà đầu tư ảo để một nhóm nhà đầu tư khác sử dụng thao túng thị trường” - ông Đỗ Bảo Ngọc nhấn mạnh.

 

Việc siết chặt các quy định về nhà đầu tư cá nhân có thể khiến thị trường trái phiếu DN bị thu hẹp. Điều này sẽ làm giảm cơ hội huy động vốn của các DN. Thay vì tăng cường các quy định, chúng ta nên tập trung vào việc nâng cao nhận thức của nhà đầu tư và tăng cường công tác giám sát để hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật.

Luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật ANVI