Cần hiểu đúng tinh thần “Sống chung với dịch”

An Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khi không thể theo đuổi tận diệt virus hay ZeroCovid thì chúng ta phải chuyển sang quan điểm “Sống chung với dịch” theo xu hướng chung của thế giới.

Trung tâm thương mại mở cửa trở lại đón khách hàng đến mua sắm tại Hà Nội sáng 28/9. Ảnh: Duy Khánh
Dự thảo hướng dẫn “Thích ứng an toàn với dịch Covid-19” do Bộ Y tế mới đưa ra được người dân, DN, các cấp chính quyền rất quan tâm. Đơn giản là cái văn bản này sẽ thay thế cho Chỉ thị 15, 16 và Chỉ thị 19; Quyết định số 2686 – các văn bản vốn được thiết kế theo tinh thần ZeroCovid. Tuy nhiên, chỉ vài giờ sau khi dự thảo của Bộ Y tế ra đời, đã có những phản ứng trái chiều khi cho rằng 5 chỉ tiêu để đánh giá thì chỉ có thể “Sống riêng với dịch”.
Dự thảo hướng dẫn “Thích ứng an toàn với dịch Covid-19” được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, cơ quan soạn thảo thừa nhận: “Đây là văn bản quan trọng điều chỉnh toàn bộ chiến lược, phương thức để ứng phó với dịch Covid-19 trong thời gian tới”. Theo dự thảo, Bộ Y tế đưa ra mức đánh giá nguy cơ và 4 cấp độ được áp dụng tương ứng: Cấp xã/phường và có thể ở qui mô nhỏ hơn (tổ/đội, khu dân cư, khóm/ấp, thôn/xóm…), một tiến bộ theo đúng xu thế các nước trên thế giới. Điểm thay đổi quan trọng nhất là trao quyền cho người dân tự chịu trách nhiệm với bản thân và gia đình trước dịch Covid–19, điều mà lâu nay họ không được phép. Nghĩa là hễ ai F0, F1 thì được quyền tự lấy mẫu xét nghiệm; điều trị tại nhà. Nhưng có vẻ như những người chấp bút vẫn còn ám ảnh ZeroCovid nên vẫn yêu cầu thực hiện “truy vết và cách ly y tế”...

Nhưng chỉ vài giờ sau khi dự thảo ra đời, trên mạng xã hội đã có những phản ứng rầm rộ và với 5 chỉ tiêu để đánh giá thì chỉ có thể “Sống riêng với dịch”. Dự thảo đã không đánh giá đúng vai trò của vaccine, quy định thắt chặt quá mức các vùng dịch, xét nghiệm nhiều kể cả khi đã tiêm đủ vaccine, dẫn đến lãng phí không cần thiết. Việc hạn chế đi lại với những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine hoặc F0 đã khỏi bệnh không quốc gia nào làm; với quy định hạn chế các hoạt động kinh tế, giao thông công cộng thì còn lâu mới khôi phục được kinh tế vốn đã ốm yếu sau 2 năm chống dịch. Thậm chí có người còn cho rằng, chẳng có TP nào ở Mỹ, châu Âu có thể áp dụng đúng quy định này, dù tiêm vaccine phòng Covid-19 tốt đến đâu. Ngay sau khi dự thảo ban hành, TP Hồ Chí Minh đã đề nghị được áp dụng quy định riêng, thay đổi chỉ số ca mắc mới tại cộng đồng, không cách ly tập trung F1.

Để được áp dụng cấp 1 như dự thảo của Bộ Y tế thì số ca F0 mới không được vượt ngưỡng 20 ca/100.000 dân/tuần. Đối với Hà Nội 10 triệu dân, tương đương không để vượt quá ngưỡng 285 ca mắc mới/ngày. Đợt dịch lần thứ tư, Hà Nội có khoảng 50 - 70 ca mắc mới/ngày đã phải mất gần 2 tháng phong tỏa theo Chỉ thị 16 (từ 24/7 đến 21/9) mới cơ bản khống chế được dịch, đưa số ca nhiễm trong ngày xuống dưới 20. Như vậy có thể thấy biên độ mà Bộ Y tế đưa ra đang là quá lỏng và nếu muộn áp dụng phong tỏa thì nguy cơ dịch bùng phát dịch là điều khó tránh khỏi. Theo kinh nghiệm của Thái Lan và một số nước khu vực, trước khi mở cửa hoàn toàn để sống chung với dịch khi đã tiêm đủ vaccine, chính quyền địa phương cần quán triệt “lửa nhỏ, khoanh nhỏ, lửa to khoanh to” không phong tỏa diện rộng.

Mặc dù 3 mục tiêu của dự thảo có đề cập đến tiêu chí giảm được tử vong nhưng văn bản lại đang thiếu quy định tỷ lệ lấp đầy giường bệnh và giường ICU cho các ca cần điều trị tích cực (thở oxy hoặc các biện pháp cao hơn). Tỷ lệ lấp đầy giường bệnh và giường ICU nên được đưa thành một chỉ số quan trọng để đánh giá tình hình dịch bệnh theo đúng như các quốc gia khác trên thế giới đã thực hiện.

Thực tế, trong thời gian ngắn nữa khi người dân đã tiêm đủ liều vaccine, thì đếm số ca nhiễm là không cần thiết, mà chỉ cần quan tâm đến tỷ lệ lấp đầy giường bệnh (chỉ tính cho các ca cần thở oxy hoặc các biện pháp cao hơn) và giường ICU. Ngoài ra, cần phải để F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ điều trị tại nhà.