Cần làm nhiều hơn

Vũ Duy Thông
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tết Trung thu năm nay, có nhiều niềm vui. Vui nhất là đi quanh Bờ Hồ, phố Lương Ngọc Quyến, Hàng Mã, thấy đồ chơi Trung thu Trung Quốc giảm hẳn.

Hàng hóa nhiều hay ít tùy người mua, có nói mãi mà dân vẫn mua nhiều thì cấm cũng không được. Điều này chứng tỏ sau rất nhiều bài vở, tin tức về văn hóa, về truyền thống, về sự độc hại của đồ chơi với tâm hồn trẻ con, người dân đã nghe ra. Nhiều người không còn muốn mua cho con em mình những dao găm súng lục, những đồ nhựa xanh xanh, đỏ đỏ nữa, việc buôn lậu, chở hàng qua biên giới về Hà Nội ít đi.  Hãy cứ thế, từ từ từng chút một...
 Ảnh minh họa
Đồ chơi ngoại ít đi có nghĩa là hàng nội nở rộ. Người ta đã nhắc nhiều hơn  đến những người thợ làm đèn Trung thu, nặn tò he, gấp hạc giấy và những thứ đồ chơi khác. Ngặt một điều, các thứ đồ chơi của ta còn đơn giản, nghèo nàn quá. Thời bây giờ, bám vào truyền thống nhưng phải làm truyền thống được nâng cao hơn, phong phú hơn mới được. Đi chơi games suốt ngày, đến tối  rước đèn ông sao, ăm mâm cỗ hoa quả nhạt nhẽo, người lớn cũng thấy là không được huống chi trẻ em đừng thỏa mãn, hãy nghĩ nhiều nữa.   
Nhưng dù sao, niềm vui cũng ít hơn nỗi buồn. Nỗi buồn rõ nhất là bánh Trung thu. Mọi năm nhiều hãng bánh kẹo lúc này là cửa hàng, quầy hàng, đại lý đỏ rực, vàng chóe khắp phố phường, năm nay lẻ tẻ vài quầy nhìn mãi mới thấy. Năm ngoái có những hãng bánh kẹo lớn dự kiến dành cho Tết Trung thu 50 tấn, 100 tấn, ngỡ như dồn kế hoạch sản xuất một năm, lời lãi một năm vào vụ bánh này. Năm nay thấy các vị cũng chịu, bởi sau Trung thu năm ngoái, bánh bán mãi không hết. Cứ đà này, cuộc sống đang cải thiện dần, sẽ đến lúc người ta không muốn ăn bánh Trung thu nữa, dù là bánh truyền thống mứt bí, hạt dưa, trứng gà, xúc xích. Chưa kể bánh ngọt quá, nhiều mỡ quá, nhiều đạm quá, trong khi nhiều người phải kiêng những thứ này.
Lạ hơn, xu hướng bánh Trung thu không còn của trẻ em mà đã thành quà biếu để hối lộ, sôi nổi được vài năm rồi cũng tắt ngấm; một số cửa hàng, xưởng bánh gia đình năm ngoái ồn ào thế, tưởng xã hội đã quay về với “gu” những năm tháng kham khổ, từ chối những thương hiệu lớn nhưng không hiểu gì về văn hóa, phong tục của Việt Nam, nhưng năm nay cũng im hơi lặng tiếng, không báo nào nhắc đến.
Nhưng lo nhất là xu hướng tẩy chay bánh Trung thu, nếu xu hướng này có thật.
Bánh Trung thu là thức ăn chín, mua thế nào là ăn thế ấy, không được lựa chọn, chế biến. Lấy gì bảo đảm thịt trong bánh không là thịt lợn chết, trứng muối trong ấy không là trứng gà ung, và các loại mỡ, mứt, bột trong ấy không được sản xuất cẩu thả, kém vệ sinh. Có thể lấy một vài thí dụ báo chí đã đăng: Khi đoàn thanh tra của Bộ Y tế đến một xưởng bánh Trung thu trên phố Huế (Hà Nội), tận mắt chứng kiến vỏ bánh và nhân làm bánh đều được nhân viên nhào, nặn bằng tay trần. Chưa kể, bột bánh vương vãi khắp nơi trên nền gạch ẩm ướt trộn lẫn cùng đất cát từ giày dép khiến sàn nhà vốn đã nhớp nháp lại càng trở nên nhầy nhụa. Các thùng đựng nguyên liệu cũng “vô tình” được bày ngổn ngang trên sàn nhà.
Chưa hết, chủ cửa hàng còn tiết lộ sự thật: “Cửa hàng bánh thu nổi tiếng trên phố Thụy Khuê (Hà Nội) mà dân tình hay xếp hàng mua thực chất toàn nhập hàng dưới này để mang lên bán. Xe chở hàng thường hoạt động vào ban đêm nên ít người biết là phải”. “Nhiều khi họ chỉ nhập bánh loại rẻ khoảng 20.000 đồng/chiếc rồi bán khống lên tới 50.000 - 60.000 đồng/chiếc, chẳng qua là chỗ làm ăn anh em nên chúng tôi mới đồng ý bán giá đó”.
Như vậy, sau hàng loạt sai phạm bị các cơ quan chức năng “sờ gáy” trong thời gian qua, các cơ sở sản xuất bánh Trung thu tại Hà Nội vẫn “đủng đỉnh” như chưa hề có gì xảy ra. Chưa kể, hàng tấn nguyên liệu “bẩn” vẫn đang được bày bán trôi nổi trên thị trường, ngay chính các con phố trung tâm mà không hề có sự kiểm định của cơ quan ATVSTP.
Nhiều người dân “mất lòng tin” vào bánh Trung thu bày bán tại các cửa hàng đã quyết định tự mua nguyên liệu về nhà làm bánh. Những ngày này, theo khảo sát tại phố Hàng Buồm (Hoàn Kiếm, Hà Nội) - nơi nổi tiếng chuyên bán các loại hóa chất, phụ gia thực phẩm - luôn tấp nập “người mua kẻ bán”.
Theo nhiều chủ cửa hàng, các nguyên phụ liệu làm bánh Trung thu như bột làm bánh, các loại nhân như mứt bí, hạt sen, hạt dưa, lạp sườn, trứng muối, đậu xanh… và hương liệu như nước đường bánh dẻo, nước đường bánh nướng, nước hoa bưởi… được rất nhiều người hỏi mua và bày bán la liệt công khai ngay trên vỉa hè.
Tại đây, các túi bột và mứt được buộc chun, ghi “nguệch ngoạc” vài chữ sơ sài trên vỏ bao. Bên cạnh đó, các can nhựa đựng hương liệu được ghi bút dạ ngoài vỏ can để “phân biệt” chủng loại. Hầu hết các nguyên liệu được đóng gói sơ sài, không có nhãn mác, không ghi hạn sử dụng trên vỏ bao khiến người tiêu dùng hoang mang về nguồn gốc xuất xứ. Thế thì còn biết tin vào đâu nữa.
Trung thu năm nay có vui, có buồn mà buồn nhiều hơn vui. Qua bài báo này, tác giả chỉ muốn nhắn gửi những người có trách nhiệm là tuy những biểu hiện tích cực đã lóe lên, nhưng chúng ta còn phải làm rất nhiều cho một Trung thu an toàn, giữ được nét truyền thống dân tộc đến với các em và cho mỗi người chúng ta. 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần