Điều 93. Tội giết người 1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình: …… c) Giết trẻ em; Điều 247. Tội hành nghề mê tín, dị đoan 1. Người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. 2. Phạm tội làm chết người hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm. 3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng. |
Cần làm rõ hành vi của “thầy bói” vụ bé gái 20 ngày tuổi bị sát hại
Kinhtedothi - Liên quan đến vụ bé gái 20 ngày tuổi bị sát hại ở Thanh Hóa, quan điểm của luật sư cho rằng, cơ quan chức năng cần làm rõ hành vi của "thầy bói" trong vụ việc là đồng phạm về tội “Giết người” hay “Hành nghề mê tín dị đoan”.
Nghi phạm sát hại cháu bé đã có tiền sự trộm cắp
Ngày 29/11, thông tin đến báo chí, Đại tá Lê Trung Hiếu - Trưởng phòng Tham mưu, kiêm người phát ngôn Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, căn cứ tài liệu, chứng cứ thu thập được, Công an Thanh Hóa khẳng định, không có vụ bắt cóc bé gái.
Bước đầu, CQĐT xác định, nghi phạm khiến cháu bé hơn 20 ngày tuổi tử vong là bà Phạm Thị Xuân (bà nội cháu bé). Hiện cơ quan công an đang tiếp tục điều tra làm rõ nguyên nhân, động cơ đối tượng gây ra vụ án để xử lý nghiêm theo pháp luật… Về nguyên nhân khiến bà Xuân sát hại cháu gái là do nghe lời thầy bói nói rằng cô bé là nghiệp chướng của gia đình. Được biết, bà Xuân có tiền sự về hành vi trộm cắp và từng bị xử phạt vi phạm hành chính.
Theo tìm hiểu, bà Phạm Thị Xuân (SN 1952, có HKTT tại xã Vũ Lăng, huyện Tiền Hải, Thái Bình). Bà Xuân không sống thường xuyên ở Thanh Hóa, chỉ khi gia đình con cái có việc bà mới đến thăm nom. Kể từ con dâu sinh cháu gái, bà mới từ Thái Bình vào Thanh Hóa để giúp vợ chồng con chăm cháu.
Trao đổi về vụ việc, ông Võ Văn Hiếu - Chủ tịch UBND phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn (Thanh Hóa) cho hay: "Về thông tin bà Xuân có tiền sự trộm cắp thì chúng tôi cũng có nghe nói. Tuy nhiên, do bà Xuân không phải là người địa phương, nên thông tin cá nhân của bà chúng tôi không được nắm rõ…"
Cần làm rõ hành vi của “thầy bói”
Ngày 29/11, trao đổi với phóng viên, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng văn phòng Luật sư Nguyễn Anh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhận định: Xét theo tình tiết của vụ án thì đây là một vụ án đặc biệt nghiêm trọng và hành vi của hung thủ là quá dã man, phi nhân tính.
Luật sư Thơm cho hay: "Trẻ em là những đối tượng đặc biệt được pháp luật Việt Nam và Công ước quốc tế về quyền trẻ em bảo hộ. Mọi hành vi xâm hại đến tính mạng, sức khỏe của trẻ em đều được xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật"… Nghi phạm được xác định là bà nội, chỉ vì tin lời mê tín dị đoan đã sát hại cháu nội mình mới hơn 20 ngày tuổi rồi đem vứt ra bãi rác xa nhà tránh sự phát hiện. Để che dấu hành vi phạm tội, đối tượng đã dàn dựng màn kịch bị 2 đối tượng đi xe máy đến nhà dùng vũ lực bắt cóc cháu bé đưa đi.
Phân tích về hành vi của nghi phạm, luật sư Thơm cho rằng: "Hành vi phạm tội của đối tượng rất xảo quyệt, vô đạo đức đang tâm sát hại cháu nội mới hơn 20 ngày tuổi đã đi ngược lại với truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam và những giá trị đạo đức xã hội. Hơn tất cả đó là hành vi trái pháp luật nghiêm trọng đã tước đi quyền được sống của một con người, một công dân nước CHXHCN Việt Nam, là tương lai của đất nước”.
Theo quan điểm của luật sư, dù với bất cứ động cơ mục đích gì đưa ra để biện minh cho việc vứt cháu bé hơn 20 ngày tuổi gây tử vong đều không thể chấp nhận được với tư cách là một con người bình thường trong Nhà nước pháp quyền. Hành vi sát hại cháu bé rồi mang vứt cháu bé vào bãi rác thì đối tượng phải chịu trách nhiệm về tội “Giết người”. Tội phạm và hình phạt được quy định tại điểm c khoản 1 Điều 93 Bộ Luật hình sự.
Liên quan đến hành vi của “thầy bói”, luật sư Thơm cho rằng: “Đối với hành vi của đối tượng thầy bói cần thiết làm rõ có việc hành nghề mê tín dị đoan và xúi giục bà nội giết cháu bé hay không. Trường hợp, nếu có đủ căn cứ chứng minh đối tượng thầy bói hành nghề mê tín dị đoan đã có hành vi xúi giục bà nội sát hại cháu nội mới sinh ra thì đối tượng phải chịu trách nhiệm đồng phạm về tội “Giết người” với vai trò người xúi giục kích động, thúc đẩy người khác thực hiện hành vi phạm tội.
Trường hợp, nếu có đủ căn cứ chứng minh đối tượng thầy bói trong quá trình hành nghề mê tín dị đoan chỉ nói chung chung với bà nội và không có hành vi cụ thể xúi giục sát hại cháu bé như chỉ nói: Cháu bé sinh ra là nghiệp chướng, ảnh hưởng đến tính mạng của mình hay gia đình,…
Sau đó, từ việc mê tín dị đoạn này mà bà nội đã sát hại cháu bé thì đối tượng thầy bói sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội "Hành nghề mê tín dị đoan". Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 247 Bộ luật hình sự.