Cần làm rõ tác động tăng thuế - thuốc lá lậu - thu ngân sách

Phúc Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tăng thuế đối với thuốc lá nhằm giảm tỉ lệ hút thuốc và tăng thu ngân sách. Tuy nhiên, các mô hình đánh giá tác động cho thấy các kỳ vọng này có thể không đạt được khi thuế tăng quá cao và đột ngột.

Trong khi hậu quả nhìn thấy trước là thuốc lá lậu sẽ tăng theo và đe dọa các mục tiêu kinh tế - xã hội.

Những lo ngại khi tăng thuế mạnh và đột ngột

Đề cập đến mối quan hệ giữa việc tăng thuế và thuốc lá lậu tại Việt Nam, phát biểu tại Hội thảo “Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm thuốc lá” được tổ chức tại Hà Nội trong tháng 7/2024 vừa qua, Vụ trưởng Vụ Chính sách - Pháp chế, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) Kiều Dương cho biết, khi thuế đối với sản phẩm thuốc lá hợp pháp tăng đột ngột, giá bán của sản phẩm thuốc lá hợp pháp cũng tăng cao, từ đó đẩy người tiêu dùng đến thuốc lá lậu.

Vụ trưởng Vụ Chính sách - Pháp chế, Tổng cục Quản lý Thị trường  (Bộ Công Thương) Kiều Dương, đưa ra dẫn chứng về thực trạng thuốc lá lậu.
Vụ trưởng Vụ Chính sách - Pháp chế, Tổng cục Quản lý Thị trường  (Bộ Công Thương) Kiều Dương, đưa ra dẫn chứng về thực trạng thuốc lá lậu.

Người bán thuốc lá lậu tại chỗ và trên mạng sẽ hoạt động càng mạnh mẽ hơn do thuốc lá lậu không bị ảnh hưởng bởi thuế, dẫn đến mặt trận chống thuốc lá lậu vốn đã phức tạp trở nên nhiều thử thách hơn và ngân sách Nhà nước sẽ tiếp tục thất thoát. Điều này đòi hỏi chính sách thuế đối với thuốc lá hợp pháp cần được nghiên cứu, điều chỉnh một cách khoa học, hợp lý để hạn chế buôn lậu, khuyến khích các doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm nhưng vẫn bảo đảm mục tiêu chung là phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Theo Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam (VTA), phương án đề xuất của Bộ Tài chính về mức thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) tuyệt đối cho mặt hàng thuốc lá điếu tăng một cách đột biến và lớn sẽ tác động sâu rộng đến ngành thuốc lá.

Về giá bán, cả 2 phương án của Bộ Tài chính đều đẩy mức tăng giá bán xuất xưởng và giá bán lẻ theo cách đột ngột đột biến và lớn trong năm 2026 từ 24,6% đến 62%. Đến năm 2029 và 2030 giá bán lẻ các sản phẩm chiếm 85% tổng sản lượng của VTA đều đạt từ 20.014 - 22.214 đồng/bao tương đương với 2 sản phẩm nhập lậu chính là JET, HERO (không bị tác động tỷ lệ tăng giá từ chính sách thuế TTĐB); đồng thời cao hơn rất nhiều so với các sản phẩm nhập lậu giá rẻ khác có giá bán lẻ dưới 10.000 đồng/bao hay từ 12.000 - 15.000 đồng/bao.

Về sản lượng, đối với ngành hàng tiêu dùng nhanh như thuốc lá thì giá bán sẽ tác động trực tiếp đến gói chi tiêu của người tiêu dùng. Trên cơ sở số liệu phân tích về tỷ lệ tăng giá bán như trên, VTA đã áp dụng mô hình dự báo phân tích dãy số thời gian với dữ liệu quá khứ cùng các biến số về mức và lộ trình tăng thuế, hệ số co giãn của cầu theo giá và các nhiễu ngẫu nhiên để phân tích và kết quả dự báo cho ra như sau: Giai đoạn 2026 - 2030, sản lượng tiêu thụ thuốc lá nội địa hợp pháp có mức tăng trưởng kép âm với hai con số (lần lượt là là -18,3%/năm và -17,5%/năm), đến 2030 chỉ còn khoảng 1,5 tỷ bao và đây là con số rất quan ngại cho toàn bộ ngành thuốc lá Việt Nam.

Hiệp hội với 18 đơn vị sản xuất thuốc lá điếu sẽ phải thực hiện hoạt động cơ cấu lại, phá bỏ hoặc “đắp chiếu” nhiều hệ thống dây chuyền sản xuất thuốc lá điếu để phù hợp với sản lượng tiêu thụ hợp pháp giảm mạnh, điều này chắc chắn sẽ tác động sâu rộng đến vốn và tài sản của Nhà nước, an sinh xã hội, việc làm và thu nhập của người lao động tại các địa phương đặt cơ sở sản xuất (dự kiến hàng nghìn lao động trong các đơn vị sản xuất và hàng trăm nghìn người lao động dịch vụ trong ngành, nông dân trồng thuốc lá và tham gia phân phối thuốc lá mất việc làm).

Về thu ngân sách Nhà nước, khi thực hiện chính sách tăng thuế TTĐB tuyệt đối một cách đột biến và lớn như vậy thì số thuế TTĐB sẽ ở mức cao (tiệm cận với tính toán của Bộ Tài chính). Tuy nhiên, với tốc độ sụt giảm sản lượng như trên thì số thuế TTĐB nộp ngân sách Nhà nước có sự sụt giảm dần sau khi tăng mạnh vào 2028 (khoảng 31.000 tỷ đồng) sau đó giảm từ năm 2029 trở đi và ngày càng nhiều hơn (từ 2030 trở đi là dưới 29.000 tỷ đồng) khi sản lượng thuốc lá nội địa hợp pháp liên tục giảm trong bối cảnh giá thuốc lá hợp pháp tăng liên tục (không có điểm dừng) khiến người tiêu dùng chuyển sang sử dụng thuốc lá lậu và các loại thuốc lá bất hợp pháp khác.

Lợi nhuận từ thuốc lá lậu quá cao, lên đến 400% do không phải chịu thuế và các loại phí khác nên tình trạng buôn lậu vẫn diễn ra phức tạp.
Lợi nhuận từ thuốc lá lậu quá cao, lên đến 400% do không phải chịu thuế và các loại phí khác nên tình trạng buôn lậu vẫn diễn ra phức tạp.
 

Ngoài thuế TTĐB, ngành thuốc lá phải chịu thêm thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, đồng thời phải thực hiện các nghĩa vụ đóng góp bắt buộc, bao gồm 2% doanh thu vào “Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá”, đóng góp cho “Quỹ phòng, chống buôn lậu thuốc lá điếu và chống sản xuất, buôn bán thuốc lá giả”, đóng phí xử lý chất thải 60 đồng/20 điếu và phí tem điện tử thuốc lá…

Đây là các khoản đóng góp theo nghĩa vụ của doanh nghiệp sản xuất thuốc lá đối với Nhà nước. Tuy nhiên trong cách tính thuế TTĐB hiện tại thì các khoản này vẫn làm trong giá tính thuế TTĐB nên gây nên tình trạng thuế chồng thuế, trong khi những người kinh doanh thuốc lá lậu không hề chịu những khoản chi phí này khiến cho cuộc cạnh tranh càng không cân sức.

Điều đáng nói là thuốc lá lậu tăng cũng gây thêm áp lực đóng phí cho các doanh nghiệp hợp pháp khi mức đóng góp vào nguồn kinh phí hỗ trợ công tác phòng, chống buôn lậu thuốc lá và chống sản xuất, buôn bán thuốc lá giả theo hướng dẫn của Bộ Tài chính sẽ tăng lên khi số lượng thuốc lá nhập lậu bắt giữ sẽ nhiều hơn. Ví dụ năm 2023 bắt giữ 9.116 vụ, tịch thu 4,8 triệu bao, tiêu hủy 3,3 triệu bao, các đơn vị trong ngành đóng góp kinh phí hỗ trợ các lực lượng chức năng là 14,9 tỷ đồng, tương đương mức 4.500 đồng/bao; năm 2022 là 25,5 tỷ đồng, theo Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Đặc biệt, ngân sách Nhà nước có thể thất thu nhiều hơn từ thuốc lá nhập lậu khi tỷ lệ thuế TTĐB/giá bán lẻ tăng cao. Giả định của VTA trong giai đoạn 2026 - 2030, số lượng thuốc lá nhập lậu này không đổi thì thuế TTĐB thất thu bình quân là gần 7.400 tỷ đồng/năm, trong đó năm 2030 là 9.000 tỷ đồng. Trên thực tế lượng thuốc lá nhập lậu chắc chắn tăng khi giá bán thuốc lá nội địa hợp pháp tăng sốc và lớn thì số thuế TTĐB thất thu có thể lên tới 11.000 tỷ đồng/năm và đến 2030 là gần 16.000 tỷ đồng.

Thấy gì qua những lần tăng thuế?

Nhìn lại lịch sử tăng thuế cũng sẽ thấy có mối liên hệ rõ ràng giữa việc tăng thuế và tăng thuốc lá lậu. Năm 2016, Việt Nam tăng thuế từ 65% lên 70% và cũng trong năm này, số lượng thuốc lá lậu bị tiêu hủy tăng từ 6,8 triệu bao năm 2016 lên gần 7,5 triệu bao năm 2017.

Năm 2019, khi tăng thuế từ 70% lên 75%, số lượng thuốc lá lậu bị tiêu hủy tăng từ gần 1,4 triệu bao năm 2019 lên hơn 5.1 triệu bao năm 2020 và lên gần 6,6 triệu bao năm 2021.

Thống kê của VTA cũng cho thấy, trong giai đoạn 5 năm 2019-2023, các lực lượng chức năng đã bắt giữ được 59.637 vụ, đưa ra truy tố, xét xử nhiều tổ chức, cá nhân, tịch thu nhiều phương tiện vận chuyển. Tổng số thuốc lá nhập lậu bị bắt giữ là 37,5 triệu bao, số lượng bị tiêu hủy là 22,1 triệu bao.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng tăng thuế thuốc lá không làm tăng buôn lậu vì số lượng thuốc lá nhập lậu bị tiêu hủy giảm từ khoảng 6,4 triệu bao (năm 2018) xuống gần 1,4 triệu bao (năm 2019); con số này tăng trở lại năm 2020 (5,1 triệu bao) và năm 2021 (gần 6,6 triệu bao) mặc dù những năm sau này không có sự tăng thuế. 

Việc chuyển đổi phương thức sản xuất, kinh doanh tạo sinh kế cho người dân còn nhiều khó khăn nên việc kiểm soát thuốc lá lậu vẫn chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng.
Việc chuyển đổi phương thức sản xuất, kinh doanh tạo sinh kế cho người dân còn nhiều khó khăn nên việc kiểm soát thuốc lá lậu vẫn chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng.

Giải thích về con số này, các chuyên gia cho biết do thời điểm giữa năm 2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành thí điểm bán đấu giá thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu để xuất khẩu theo Quyết định 20/2018/QĐ-TTg thực hiện tiêu hủy thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu là thuốc lá giả nên số lượng thuốc lá lậu bị tiêu hủy giai đoạn 2018 đến 2019 bị giảm xuống, không phải là tình hình buôn thuốc lá lậu giảm trong giai đoạn này (đến giữa năm 2020 khi dừng việc thí điểm này thì cuối năm 2020 số lượng thuốc lá lậu bị tiêu hủy tăng lại lên 5,1 triệu bao).

Các chuyên gia cũng khẳng định rằng, tăng thuế chỉ là một trong số những yếu tố tăng thuốc lá lậu mà không phải là yếu tố duy nhất. Nếu tăng thuế theo lộ trình phù hợp sẽ giảm đi một yếu tố quan trọng gây ra việc tăng thuốc lá lậu.

Từ những phân tích ở trên, Tổng thư ký VTA Nguyễn Chí Nhân đề xuất nên có lộ trình tăng thuế phù hợp và khoa học, với mức thuế tuyệt đối 1.000 đồng/bao 20 điếu vào năm 2026 và tăng 500 đồng/năm, hoặc 1.000 đồng/bao mỗi 2 năm vào những năm tiếp theo và đến năm 2030 là 3.000 đồng/bao. 

Phương án đề xuất này tạo ra mức tăng thuế hợp lý, hỗ trợ doanh nghiệp thuốc lá hợp pháp có thời gian thích nghi và ổn định sản xuất, từ đó giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực việc làm của người lao động, đảm bảo an sinh xã hội.

 

Cuộc cạnh tranh không cân sức

Dẫn chứng nguyên nhân chính gây ra buôn lậu thuốc lá, cũng có ý kiến cho rằng thuốc lá ngoại được buôn lậu vào Việt Nam để tránh thuế nhập khẩu. Vì vậy, dù cho thuế TTĐB có tăng hay giảm thì buôn lậu vẫn xảy ra vì mục đích chính là nhằm trốn thuế nhập khẩu. 

Các chuyên gia cho rằng tranh luận này không chính xác vì thuốc lá lậu trốn cả 2 loại thuế là thuế nhập khẩu và thuế TTĐB, với lưu ý thêm rằng thuốc lá hợp pháp tại Việt Nam sản xuất cũng không chịu thuế nhập khẩu nên khi thuế TTĐB tăng sẽ tác động trực tiếp lên thuốc lá hợp pháp, dẫn đến việc giảm sản lượng và tạo khe hở để thuốc lá lậu chen vào.