Được biết, ông Hưng là con trai trưởng của cụ Công Thị Lự sinh năm 1926 (nay đã mất) đồng thời là người đại diện hợp pháp của cụ Công Thị Lự. Trong đơn ông Hưng cho biết: Cụ Công Thị Lự được thừa hưởng 3 mảnh ruộng do bố mẹ để lại, tên chủ sử dụng: Công Thị Lự. Từ năm 1992 cụ cùng con trai trưởng là ông Hoàng Việt Hưng đóng thuế đầy đủ cho Nhà nước. Đến năm 2002, khi Nhà nước miễn thuế nông nghiệp, lúc đó gia đình nhà ông không phải đóng nữa và dựng 3 nhà tạm từ năm 2001 cho mẹ ông trông nom vườn (có xác nhận của một số hộ dân gần đó). Trong biên bản điều tra ngày 14/12/2012 của tổ công tác phường Yên Hoà cũng ghi việc dựng 3 nhà tạm này nhưng không cụ thể được xây dựng vào ngày tháng năm nào. Tại văn bản số 86/NV – GPMB quận Cầu Giấy ghi: Theo văn bản số 125/ĐC-DA của Chủ tịch UBND phường Yên Hòa, ông Hưng làm nhà sau 1/7/2004 và sau khi công khai đóng cọc mốc quy hoạch chỉ giới mở đường và sau khi có quyết định thu hồi phần diện tích đất này. Và đặc biệt, có một điều hết sức lạ ở đây là gia đình ông chưa bao giờ bán mảnh ruộng của mình cho bất kỳ ai. Chính vì thế, gia đình ông không hiểu tại sao lại có tên người khác trên phần diện tích đất trên? (theo xác nhận loại đất nguồn gốc thời điểm bắt đầu sử dụng đất số 125/ĐC-DA ngày 15/11/2013 của ông Nguyễn Minh Hiếu, Chủ tịch UBND phường Yên Hòa). Gia đình ông Hưng cũng cung cấp văn bản xác nhận ngày 7/3/2003 số 29/ĐC-DA của ông Nguyễn Minh Hiếu -Chủ tịch UBND phường Yên Hòa, theo đó tổng diện tích đất nông nghiệp của nhà ông là 1.246,7m2. Ban GPMB quận Cầu Giấy lên phương án bồi thường hỗ trợ về đất, công trình cây cối hoa màu cho gia đình nhà ông cụ thể như sau: Diện tích sử dụng đất nông nghiệp 248,7m2 x 252.000đ = 62.672.400đ; Tiền hỗ trợ đất nông nghiệp theo khoản 3 điều 13 Quyết định của UBND TP ngày 29/9/2009: 98,6 m2 x 3.716.000đ = 366.397.000đ; Trừ đi 291,4 m2 nhận đền bù tại dự án đường vành đai 2,5; Trừ 60m2 bán cho người khác (Quyết định ngày 9/12/2013 của UBND quận Cầu Giấy số 5348/QĐ- UBND) Song thực tế theo quyết định 51/QĐ-UBND TP Hà Nội về việc ban hành các bảng giá đất trên địa bàn TP Hà Nội 2012 không còn đất nông nghiệp. Do vậy, ông Hưng yêu cầu cơ quan chức năng cần phải áp dụng đúng bảng giá đất trên địa bàn thành phố cũng như quận Cầu Giấy nói riêng năm 2013; Quyết định số 63/QĐ – UBND ngày 25/12/2013 của UBND thành phố về việc ban hành bảng giá đất khu vực Cầu Giấy chỉ có 2 loại đất: Đất ở và đất phục vụ mục đích kinh doanh phi nông nghiệp. Dự án lấy ở thời điểm nào đền bù đúng thời điểm đó. Ngoài ra, trong đơn ông Hưng còn phản ánh một số nội dung khác. Báo Kinh tế & Đô thị kính chuyển các nội dung phản ánh trên của ông Hoàng Việt Hưng đến các cơ quan chức năng. Trong thời gian tới Báo Kinh tế & Đô thị sẽ làm rõ hơn vụ việc này.