Đại biểu (ĐB) Đỗ Văn Đương cho biết, sự tham gia của luật sư là rất cần thiết trong quá trình xét xử, trở thành đối trọng để chống xử án oan sai, cũng như không bỏ lọt tội phạm. Tuy nhiên, hoạt động của luật sư phải có điều kiện. Thực tế, luật sư phải có chi phí cho hoạt động bào chữa của luật sư, trừ những vụ trợ giúp pháp lý hoặc luật sư chỉ định, luật sư công thì Nhà nước phải bỏ tiền ra. Cũng có luật sư không cần tiền, đứng ra bào chữa miễn phí nhưng ít.
Trong các báo cáo tại Quốc hội có nêu ra tình trạng về luật sư tham gia chạy án. Trong phiên hôm qua (27/10), có đại biểu cũng đề nghị có cơ quan điều tra sự việc này. Đại biểu Đỗ Văn Đương cho biết, hiện nay, có một số, một bộ phận luật sư đứng ra tham gia môi giới chạy án giữa cán bộ tố tụng và bị can. Luật sư tham gia chạy án, môi giới hối lộ thì phạm tội và là vấn đề tiêu cực cần phải lên án. Có những vụ đã bị xử lý và việc giám sát hoạt động của luật sư cũng đã có quy định nhưng thông thường, phát hiện vấn đề này không dễ vì luật sư là người am hiểu pháp luật.
Trả lời về việc đôi khi tiếng nói của luật sư không được coi trọng, chẳng hạn trong một số phiên tòa, thẩm phán nghe điện thoại trong khi luật sư đang trình bày, ĐB Đỗ Văn Đương cho rằng việc đó rất đáng phê phán. Bởi một trong những chức năng của luật sư là gỡ tội. Tiếng nói, chứng cứ của luật sư đưa ra trong phiên tòa thì các cơ quan tố tụng phải chú ý, lắng nghe, tiếp thu, ngay cả trong Nghị quyết của Đảng cũng nêu rõ là lấy kết quả tranh tụng là căn cứ chủ yếu để kết luận, coi trọng bằng chứng gỡ tội và buộc tội, không làm một chiều. Phải đảm bảo khách quan, trung thực, minh bạch thì người ta mới tâm phục khẩu phục. Nếu nặng về chứng cứ buộc tội mà không nghe gỡ tội thì hỏng. Thông thường một người làm thì hay bảo thủ, nói trái không nghe, ngược sai cũng không nghe. Do đó phải có cách nhìn đa chiều, phải tôn trọng ý kiến luật sư.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Đỗ Văn Đương cũng cho rằng Nhà nước nên mở rộng đối tượng được trợ giúp pháp lý, nhất là các đối tượng nghèo, cận nghèo. Đặc biệt, cần cải thiện mối quan hệ giữa công an - tòa án - viện kiểm soát trong việc xét xử bằng mối quan hệ rất độc lập, chế ước lẫn nhau. Ví dụ, viện kiểm sát chế ước cơ quan điều tra, tòa án chế ước viện kiểm sát. Nếu không có chế ước, chỉ xuôi chiều, 3 bộ đồng tình thì không được.
Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương
|