Tuy nhiên, thực tế hiện nay có rất nhiều câu hỏi đặt ra, Chính phủ đã quyết tâm nhưng liệu rằng các bộ, ngành có làm thật hay không? Dư luận cũng băn khoăn liệu bộ ngành có chạy theo thành tích, "bình mới rượu cũ" hay không?
Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã tỏ rõ quyết tâm trong đổi mới, xây dựng Chính phủ kiến tạo, phục vụ người dân, DN. Điều này càng thể hiện rõ khi nhiều năm liên tiếp Chính phủ ban hành hàng loạt Nghị quyết về những nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia như Nghị quyết 19, Nghị quyết 01, Nghị quyết 35 hỗ trợ DN, các nghị quyết về chủ động đề xuất bãi bỏ, cắt giảm các điều kiện kinh doanh không cần thiết, cải cách hành chính với hàng loạt giải pháp cụ thể. Điều này khiến DN đặt rất kỳ vọng, Tuy nhiên, nói là đơn giản hóa, cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh, nhưng trong số đó cắt giảm được bao nhiêu, sửa đổi được bao nhiêu, phải tách biệt rõ ràng, không thể chỉ thay đổi diễn đạt thôi cũng được coi là đơn giản hoá. Thực tế, có trường hợp “gom 2 thành 1” hoặc “cắt cái nọ mọc cái kia”, vẫn chưa có sự “đều tay” trong quá trình cắt giảm điều kiện kinh doanh, vẫn còn những quy định mà theo cộng đồng DN là “nói mãi không sửa". “Rừng” văn bản pháp luật, quy định, thủ tục hiện nay còn dày đặc, chồng chéo, nhưng cũng đầy kẽ hở, vừa làm khó DN, vừa tạo ra đất sống cho tiêu cực. Từ đây sẽ dẫn tới nguy cơ chi phí không chính thức tăng lên, hệ quả là hoạt động kinh doanh bị cản trở, bị can thiệp quá mức, việc gia nhập thị trường và cạnh tranh trên thị trường bị bóp méo.Vấn đề đặt ra là phải thay đổi cách thức và tư duy cắt bỏ các điều kiện kinh doanh. Cắt giảm không phải “làm cho xong” mà yêu cầu phải minh bạch, rõ ràng, thực chất, mang lại lợi ích thiết thực cho DN. Cải cách phải nhất quán, liên tục. Cần mở rộng điều kiện kinh doanh với hội nhập, với nền kinh tế số. Coi DN là đối tác cùng phát triển, và là đối tượng được phục vụ. Phải có quá trình rà soát để cắt giảm các thủ tục kinh doanh, các cơ quan quản lý Nhà nước kiểm soát lẫn nhau, nhiều hiệp hội cùng giám sát việc thực thi, tạo sức ép thì mới hy vọng có chuyển biến. Nhưng quan trọng là cần một áp lực mạnh mẽ hơn nữa từ phía những người đứng đầu, quy trách nhiệm hơn nữa cho người đứng đầu. Các bộ, ngành, địa phương phải cùng nỗ lực chung sức cho cải cách môi trường kinh doanh, tạo ra động lực tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa cho giai đoạn 2019 – 2020 và cơ sở cho những năm tiếp theo.