Cần một “nhạc trưởng”

Vân Hằng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ùn tắc giao thông, cứ mưa là ngập lụt, mất cân đối cung – cầu trong phát triển nhà ở, sự manh nha của các khu nhà ổ chuột... đang là những vấn đề nổi cộm của Hà Nội và nhiều đô thị khác trên cả nước.

Theo các chuyên gia, tình hình sẽ ngày càng trầm trọng hơn nếu không có những giải pháp tức thì và lâu dài.
Trong bối cảnh đó, các nhà quản lý và chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch đô thị, bất động sản cho rằng "dàn nhạc đô thị" cần tìm cho mình một "nhạc trưởng" thay vì những "nhạc công" giỏi. Lịch sử phát triển của các đô thị trên thế giới cũng từng phải đối mặt với những thách thức như chúng ta đang gặp phải. Sẽ không thể tìm ra được lời giải chung cho việc tháo dỡ và xây dựng mới nếu không xác định được các tiêu chí riêng cho từng khu vực. Bên cạnh các tiêu chí chung thì từng khu vực lại cần những tiêu chí riêng mới thu hút được các nhà đầu tư. Chẳng hạn, dự án tại trung tâm có thể phải chấp nhận cho tăng thêm chiều cao vì quỹ đất hạn chế. Còn ở những khu vực xa trung tâm thì phải giao thêm đất, tạo điều kiện cho nhà đầu tư kinh doanh có hiệu quả. Tại các khu đô thị kiểu mẫu của Hà Nội và nhiều đô thị lớn khác vẫn thiếu sự đồng bộ giữa hạ tầng kỹ thuật của các khu này với hệ thống thống chung của TP. Từ đó dẫn đến việc ngập úng, ùn tắc giao thông nghiêm trọng khi mưa. Do đó, từ bây giờ khâu phân định chức năng cần cụ thể nhiệm vụ của từng cơ quan liên quan. Tiếp đó là hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý đô thị, quản lý hạ tầng kỹ thuật, trước khi đi vào các bước kỹ thuật hơn như lập quy hoạch đô thị, kế hoạch đầu tư, phát triển hạ tầng kỹ thuật.
Theo các chuyên gia, để phát triển đô thị xanh, bền vững, cần phải đổi mới tư duy quy hoạch đô thị từ tư duy chinh phục thiên nhiên sang xu thế thích ứng với thiên nhiên. Có thể giảm nhu cầu sử dụng năng lượng đô thị nhờ các giải pháp hình thành và tạo lập khung cấu trúc cảnh quan tổng thể dựa trên các yếu tố đặc trưng của khu vực đó như địa hình, khí hậu, thủy văn. Khung cấu trúc cảnh quan này sẽ là giới hạn cho việc phát triển các công trình xây dựng và là nền tảng để đề xuất giải pháp hạ tầng kỹ thuật xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Việc áp dụng các giải pháp hạ tầng như công viên ướt, hồ điều hòa, làm sạch nước bằng quá trình sinh học, mở rộng không gian chứa nước… sẽ góp phần tạo ra nhiều không gian xanh cho đô thị.
Về lời giải cho các khu nhà tạm bợ, cần quan tâm đến đời sống của người dân tại đó. Cân bằng lại thị trường bất động sản bằng những sản phẩm nhà ở phù hợp với thu nhập của đại đa số người lao động cũng là một giải pháp cần được thực thi ngay. Vì lẽ đó, trong các quy hoạch đô thị phải tính đến các loại nhà ở dạng này. Huy động các bên liên quan tham gia quá trình tái thiết, đảm bảo về mặt pháp lý cho người dân ở đó là yếu tố then chốt để có được sự hợp tác của người dân. Cuối cùng, bất cứ kế hoạch nào cho phát triển văn minh đô thị cũng phải được tiến hành cùng với người dân, chứ không phải theo ý chủ quan của nhà chức trách. Bởi như Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trăn trở: “Không thể có văn minh đô thị nếu khu “ổ chuột" nằm cạnh những ngôi nhà cao chọc trời”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần