Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cân nhắc bán nợ xấu cho nhà đầu tư ngoại

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - T.S Lê Xuân Nghĩa - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh doanh cho biết, hiện, nhiều tổ chức tài chính nước ngoài đã đánh tiếng muốn mua nợ xấu của Việt Nam. Vấn đề là chúng ta sẽ phải làm gì để không tạo ra những cú sốc khi bán nợ xấu cho nhà đầu tư ngoại.

Theo ông, Việt Nam cần phải làm gì để vừa không giảm sức hấp dẫn của nợ xấu, vừa không tạo ra những cú sốc khi nhà đầu tư nước ngoài được phép mua nợ xấu?

- Hiện, nhiều tổ chức tài chính nước ngoài đã đánh tiếng muốn mua nợ xấu của Việt Nam. Vấn đề bây giờ là bên cạnh việc tạo ra hàng hóa lớn Việt Nam cũng cần phải tạo ra sức đề kháng cho những cú sốc. Hàng hóa lớn, người mua cũng lớn, người bán cũng lớn thì mới ổn định được. Tuy nhiên, cũng cần phải tính đến sự gia tăng sức ép của nhà đầu tư nước ngoài bởi họ luôn muốn mua được ngay và mua với số lượng lớn. 

Vậy theo ông, Công ty mua bán tài sản quốc gia (VAMC) bán nợ xấu cho nhà đầu tư nước ngoài ngay thời điểm này sẽ có lợi hơn hay là chờ 1 - 2 năm nữa?

- Mục tiêu đặt ra đối với VAMC là làm sạch bảng cân đối của các ngân hàng thương mại càng nhanh càng tốt. Tuy nhiên, VAMC mua lại nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt và trái phiếu đặc biệt có ảnh hưởng nhất định đến chính sách tiền tệ. Chính vì thế, VAMC sẽ phải cân nhắc và phối hợp với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) để vừa thỏa mãn được nhu cầu rất lớn của khách hàng mua, đặc biệt là khách hàng quốc tế, lại vừa không gây ra những hiệu ứng về lạm phát. Đấy là một bài toán tối ưu mà NHNN và VAMC cần phải cân nhắc. Ví dụ nếu bây giờ cho bán thoải mái, thì có thể từ nay đến cuối năm, số nợ xấu bán ra không phải 30 - 40.000 tỷ đồng mà con số phải gấp đôi, gấp ba lần. Tuy nhiên kéo theo đó, hiệu ứng của nó đối với lạm phát có thể sẽ phức tạp hơn! Đó là bài toán buộc VAMC phải cân nhắc và chịu sự chỉ đạo chặt chẽ từ phía NHNN. 

Trước đây, Thái Lan đã phải nới một số điều kiện về tài sản đảm bảo bằng bất động sản của món nợ xấu để bán cho các nhà đầu tư nước ngoài. Việt Nam có nên rút kinh nghiệm từ việc này?

- Những quy định hiện hành đang tương đối phù hợp. Các công ty nước ngoài cũng không muốn sở hữu bất động sản theo như kiểu mà người Việt Nam quan niệm. Với người nước ngoài, không cần sở hữu, ngay thuê dài hạn họ cũng chấp nhận. Bởi họ đi đầu tư và không phải mua để giữ 50 - 100 năm sau mới bán mà có thể sẽ bán ngay sau một vài năm nếu có lợi nhuận. Chính vì thế chuyện được sang tên, sở hữu đối với nhà đầu tư nước ngoài là không cần thiết. Quan trọng nhất là thủ tục mua bán phải nhanh, nếu không sẽ mất cơ hội! Chính vì vậy, thủ tục hành chính để sang tên cho họ và sau này thủ tục hành chính sang tên cho người khác càng nhanh càng tốt.

Xin cảm ơn ông!