Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Cân nhắc đề xuất cán bộ công chức thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp

Kinhtedothi – Cán bộ công chức khi rời khỏi hệ thống thì luôn có chính sách hỗ trợ. Vì thế chuyên gia bảo hiểm xã hội cho rằng đề xuất cán bộ công chức thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp là chưa cần thiết.

Đề xuất cán bộ, công chức được tham gia bảo hiểm thất nghiệp

Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) quy định, bảo hiểm thất nghiệp là loại hình bảo hiểm bắt buộc do Nhà nước tổ chức mà người lao động, người sử dụng lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp phải tham gia để hỗ trợ duy trì việc làm, đào tạo, tư vấn, giới thiệu việc làm và bù đắp một phần thu nhập cho người lao động khi bị mất việc làm trên cơ sở đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Người lao động đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội thực hiện thủ tục hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Ảnh: Trần Oanh.

Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng đã đóng bảo hiểm thất nghiệp gần nhất trước khi chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc chấm dứt làm việc. Và, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng tối đa không quá 5 lần mức lương tối thiểu tháng theo vùng do Chính phủ công bố được áp dụng tại tháng cuối cùng đóng bảo hiểm thất nghiệp.

Như vậy đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp là những người lao động, khi mất việc làm được trợ cấp thất nghiệp với mức hưởng 60% bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp. Khi người lao động thất nghiệp, khi đáp ứng đủ các quy định thì được trợ cấp thất nghiệp và tư vấn, giới thiệu việc làm; hỗ trợ tham gia đào tạo, nâng cao trình độ kỹ năng nghề. Hiện nay, cán bộ, công chức không thuộc đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp nên không được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi nghỉ việc.

Mới đây, góp ý cho dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) có một số đại biểu Quốc hội đề xuất mở rộng đối tượng là cán bộ, công chức được tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Lý do được các đại biểu Quốc hội đưa ra là hiện nay Nhà nước đang thực hiện cuộc cách mạng về sắp xếp tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị từ trung ương tới địa phương. Trong thời gian tới, sẽ xem xét bỏ quy định biên chế suốt đời dẫn đến nhiều cán bộ, công chức, viên chức có khả năng mất việc nếu không hoàn thành nhiệm vụ được giao. Để mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp cũng như góp phần bảo đảm công bằng trong tiếp cận an sinh, đại biểu Quốc hội Nguyễn Hoàng Bảo Trân (đoàn tỉnh Binh Dương) đề nghị xem xét bổ sung đối tượng được tham gia bảo hiểm thất nghiệp là cán bộ, công chức...

Chưa cần thiết mở rộng cán bộ công chức tham gia bảo hiểm thất nghiệp

Trao đổi về kiến nghị cán bộ, công chức thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp để khi dời khỏi hệ thống nếu đủ điều kiện sẽ được trợ cấp thất nghiệp, ông Phạm Minh Huân - nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH (nay là Bộ Nội vụ) cho rằng: Nếu Nhà nước bỏ quy định biên chế suốt đời và công chức chuyển sang chế độ hợp đồng lao động thì thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Còn hiện nay, theo quy định của pháp luật công chức không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Theo quy định của Luật Việc làm, người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp khi mất việc được trợ cấp thất nghiệp và được hỗ trợ đào tạo, tư vấn, giới thiệu việc làm. Ảnh: Trần Oanh.

Còn theo TS. Phạm Đình Thành - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách kinh tế - tài chính – Bộ Tài chính: với ý kiến đề xuất về việc xem xét bỏ quy định biên chế suốt đời đối với cán bộ, công chức, nếu được thông qua sẽ tạo tâm lý tích cực cho mọi cán bộ, công chức luôn phải làm việc tích cực hơn, phấn đấu hoàn thành tốt công việc được giao, xóa bỏ tình trạng cán bộ, công chức “sáng cắp ô đi, tôi cắp ô về”. Khi đó, mọi cán bộ, công chức cũng phải lo lắng đến khả năng bị loại bỏ khỏi guồng máy nhà nước, mất việc làm để có động lực phấn đấu làm việc thật tốt, giữ chỗ làm việc. Trên cơ sở đó, nhà nước có thể chủ động cho thôi việc những cán bộ công chức không đáp ứng được vị trí việc làm mà không bị ràng buộc về quy định biên chế suốt đời. Đặc biệt, quy định xóa bỏ biên chế suốt đời có tác động mạnh đến nhóm cán bộ, công chức có thái độ làm việc cầm chừng, không tận tâm, tận tụy với công việc.

Với các ý kiến đề xuất cán bộ, công chức thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp, TS Phạm Đình Thành cho rằng, cần cân nhắc vì khả năng thất nghiệp của nhóm đối tượng này không nhiều, không phổ biến. Hơn nữa, theo quy định phải đóng bảo hiểm thất nghiệp đủ 12 tháng trong vòng 24 tháng thì mới được hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp, chứ họ không được hưởng ngay nếu tinh giản biên chế. Mặt khác, nhóm đối tượng cán bộ, công chức rời khỏi hệ thống khi tinh giản biên chế thì luôn có các chính sách hỗ trợ cho họ.

Vì vậy, việc đề xuất cán bộ công chức thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp là chưa cần thiết trong lúc này. Đồng thời, cũng không vì việc tinh giản biên chế do cải cách tổ chức hiện nay mà phải nghĩ ngay đến việc đóng và hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho đội ngũ cán bộ, công chức; chỉ nên nghĩ đây là giai đoạn giao thời, giải quyết mang tính tình thế.

Còn về lâu dài, khi đã ổn định tổ chức và đội ngũ cán bộ công chức nhà nước, với cơ chế tuyển dụng và quản lý sử dụng cán bộ công chức chặt chẽ và hiệu quả hơn, lúc đó không nên đặt ra vấn đề bảo hiểm thất nghiệp cho cán bộ công chức. Ở nhiều quốc gia phát triển, đội ngũ cán bộ công chức nhà nước luôn được bao cấp, mặc dù mức lương có thể thấp hơn so với những ngành nghề tương ứng ở các DN bên ngoài, nhưng họ được biên chế suốt đời.

Đại biểu Quốc hội: công chức cần được tham gia bảo hiểm thất nghiệp khi bỏ “biên chế suốt đời”

Đại biểu Quốc hội: công chức cần được tham gia bảo hiểm thất nghiệp khi bỏ “biên chế suốt đời”

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ