Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cân nhắc hiệu quả sử dụng vốn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại phiên thảo luận ở tổ về vấn đề ngân sách sáng nay (25/10), một số đại biểu Quốc hội thẳng thắn cho rằng ngay cả báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách vẫn còn "nhẹ nhàng" khi đánh giá về nợ công theo báo cáo của Chính phủ.

Bên cạnh đó, đa số ý kiến của các đại biểu đều tán thành với đề nghị của Chính phủ về sự cần thiết phải phát hành bổ sung 170.000 tỷ đồng vốn trái phiếu chính phủ (TPCP) giai đoạn 2014-2016. Các ý kiến cũng đồng tình với nhận định của Chính phủ nợ công vẫn nằm trong giới hạn cho phép (dưới 65% GDP). Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng, mặc dù nợ công chưa vượt giới hạn được Quốc hội cho phép nhưng trên thực tế khả năng huy động và trả nợ rất khó khăn, đòi hỏi Chính phủ phải có những giải pháp tích cực để xử lý.

 

Từ chuyện hụt thu dẫn đến cân đối ngân sách đứng trước thách thức hết sức lớn và hệ lụy không phải chỉ của năm nay mà cả các năm sau. Trong khi hiện nay xu thế nợ công của nước ta hàng năm đều tăng nhưng hoạt động các nguồn để thu lại giảm. Do đó, các đại biểu băn khoăn việc phân bổ nguồn ngân sách và trái phiếu sao cho hợp lý.

 

Nhiều đại biểu đồng tình với phương án phân bổ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra là trong 170.000 tỷ đồng trái phiếu, 61,68 nghìn tỷ đồng đầu tư dự án Quốc Lộ 1A và Quốc lộ 14, 20 nghìn tỷ đồng khác sẽ được sử dụng làm vốn đối ứng các dự án ODA... là những dự án cần thiết, song đề nghị "đối với các dự án đang đầu tư dở dang để thúc đẩy tiến độ thi công, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng" phải đánh giá lại.

 

Theo các đại biểu, nên ưu tiên theo tiêu chí hiệu quả kinh tế xã hội có tính chất ảnh hưởng đến khu vực, nuôi dưỡng nguồn thu, các dự án khi hoàn thành xong có thể đóng góp cho ngân sách, chứ không nên theo tiêu chí thời gian hoàn thành. (Ví dụ như có những chợ xây xong không sử dụng, những công trình hoàn thành xong lại). Ngoài ra phải giám sát chất lượng công trình, (ví dụ làm đường vài năm lại hỏng, đầu tư vào nhưng vẫn lầy lội, đường vẫn làm xong lại đào lên).

 

Về vấn đề kỷ cương điều hành ngân sách những năm qua, nhiều đại biểu đề nghị đánh giá lại hiệu quả đầu tư tránh tình trạng lãng phí trong việc sử dụng đồng tiền vay nợ, đầu tư dàn trải cho nhiều ngành, nhiều địa phương dẫn đến tình trạng phổ biến ở mọi ngành, mọi nơi là đầu tư dở dang, kéo dài, dự án đầu tư chậm đưa vào hoạt động, chi phí đầu tư ngày càng tăng. Ví dụ điển hình là nơi nào cũng có khu công nghiệp, (trong khi có khu công nghiệp phủ chưa đến 30%,) đơn vị nào cũng tham gia làm thủy điện, ngay cả nguồn vốn trong các chương trình mục tiêu quốc gia cũng nảy sinh nhiều điều bất ổn cơ chế xin - cho và chạy chọt vẫn còn rất nặng nề...