Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cân nhắc tăng giá bán điện

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - EVN dự báo năm 2022 lỗ hơn 31.000 tỷ đồng do chi phí sản xuất điện và mua điện tăng cao.

Trả lời báo chí mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, hiện chi phí đầu vào cho sản xuất điện trên thế giới, khu vực và Việt Nam đều tăng khá cao, ảnh hưởng tới giá thành sản xuất điện. Bộ Công Thương đang cùng các bộ, ngành rà soát theo đề xuất của EVN, thực hiện theo đúng Quyết định 24, chỉ đạo của Thủ tướng và các cấp có thẩm quyền.

Nhân viên EVN hướng dẫn khách hàng sử dụng công nghệ trong thanh toán tiền điện. Ảnh: Hải Linh
Nhân viên EVN hướng dẫn khách hàng sử dụng công nghệ trong thanh toán tiền điện. Ảnh: Hải Linh

Mối lo giữ giá lâu sẽ phải... gánh thêm lỗ

Diễn biến giá nhiên liệu các tháng đầu năm 2022 và nếu căn cứ kế hoạch vận hành hệ thống điện đã được Bộ Công Thương phê duyệt, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2022 của EVN có thể lỗ lên tới 64.805 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo tính toán, tổng các khoản EVN đã cố gắng để giảm lỗ trong việc triển khai thực hiện kế hoạch vận hành đạt khoảng 33.445 tỷ đồng, giúp giảm chi phí sản xuất của EVN.

Ngoài ra, chi phí khâu truyền tải, phân phối, phụ trợ năm 2022 và chỉ bằng 92,8% so với năm 2021. Tuy nhiên, kết quả sản xuất kinh doanh 10 tháng năm 2022 của Công ty Mẹ EVN lỗ khoảng 15.758 tỷ đồng, dự kiến ước tính cả năm 2022 có thể lỗ ở mức khoảng 31.360 tỷ đồng.

 

EVN là đơn vị đang sản xuất, kinh doanh điện nên nếu giao quyền tự quyết giá điện cho doanh nghiệp dễ nảy sinh tình trạng "vừa đá bóng vừa thổi còi". Nhà nước vẫn phải định giá hoặc quy định giá trần nhưng theo cơ chế thị trường.

PGS.TS Ngô Trí Long

Điều này sẽ dẫn tới nguy cơ có rất nhiều khó khăn trong năm 2022 và các năm tiếp theo trong một số vấn đề. Trước hết, khó khăn trong việc không cân đối được dòng tiền để thanh toán chi phí mua điện cho các đơn vị phát điện, ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục của các nhà máy điện và đảm bảo cung cấp điện.

Thứ hai, gần đây, chi phí sửa chữa lớn đã phải cắt giảm chi phí theo định mức từ 10 - 30% và việc sửa chữa tài sản tiếp tục bị cắt giảm sẽ ảnh hưởng lớn đến an toàn vận hành hệ thống điện các năm tới. Thứ ba, khó khăn trong việc huy động vốn, cân đối nguồn vốn để đầu tư các dự án điện, sửa chữa bảo dưỡng các công trình điện để đảm bảo cung ứng điện.

Từ thực tế 3 năm liên tiếp giá bán điện bình quân chưa được tăng theo biến động đầu vào (kể từ tháng 3/2019), nhiều chuyên gia cho rằng, những đề xuất của Bộ Công Thương và EVN cũng rất đáng quan tâm. Thời gian tới, về chính sách, cần có những quy định, hướng điều chỉnh kịp thời, hợp lý để đảm bảo vận hành trơn tru hệ thống điện, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia...

Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) Hoàng Tiến Dũng cho biết, hiện Việt Nam đang là nước nhập khẩu ròng năng lượng với mức nhập khẩu đáng kể than, dầu và tương lai gần sẽ là khí tự nhiên hóa lỏng (LNG)… Khi giá bán lẻ điện bình quân tăng từ 1% đến dưới 5% so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành và trong khung giá, được điều chỉnh tăng.

Đây là điểm khác so với cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện tại Quyết định 24, khi quy định thông số đầu vào tăng 3% thì giá điện mới tăng. Dự thảo quyết định cũng nêu rõ thẩm quyền quyết định giá điện cho EVN và Bộ Công Thương. Song thực tế, trước đây dù Quyết định 24 vẫn cho EVN, Bộ Công Thương thẩm quyền điều chỉnh giá khi có biến động thông số đầu vào, nhưng chưa bao giờ EVN tự quyết việc tăng giá điện mà đều phải báo cáo cấp có thẩm quyền.

Công nhân EVNHANOI kiểm tra kỹ thuật đảm bảo điện thông suốt. Ảnh: Hải Linh  
Công nhân EVNHANOI kiểm tra kỹ thuật đảm bảo điện thông suốt. Ảnh: Hải Linh  

Cân nhắc việc tăng giá

Liên quan đến đề xuất tăng giá điện, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và Tăng trưởng xanh Hà Đăng Sơn chỉ ra, vấn đề đặt ra bây giờ là có nên tiếp tục giữ cho giá điện cố định khi tất cả chi phí đầu vào đang tăng mạnh. Nhiều dự báo cũng chỉ ra, khả năng giá nhiên liệu thế giới năm 2023 chưa có xu hướng giảm xuống ở mức bình quân năm 2021, do đó dự kiến năm 2023 EVN vẫn tiếp tục gặp rất nhiều khó khăn về sản xuất kinh doanh và cân bằng tài chính.

 

Năm 2022, tình hình thế giới có nhiều biến động lớn, đặc biệt giá nhiên liêu tăng cao dẫn đến nhiều nước trên thế giới gặp khó khăn về năng lượng. Mặc dù bị ảnh hưởng rất lớn, nhưng EVN thực tốt nhiệm vụ được giao đã đảm bảo cung cấp điện ổn định, an toàn cho sản xuất kinh doanh, sinh hoạt của Nhân dân với nhu cầu điện tăng trưởng cao và đóng góp chung vào tăng trưởng kinh tế cả nước.

Để giải bài toán về thu hút đầu tư cho ngành điện thời gian tới, phía nhà đầu tư muốn thấy Nhà nước phải cam kết một mức giá nào đó để yên tâm đầu tư. Việc EVN liên tục phải bù lỗ, làm sao có được giá điện mới cho các nguồn năng lượng tái tạo. “Muốn hút tư nhân đầu tư, cần phải có những tính toán để điều chỉnh giá điện ở mức chấp nhận được. Tuy nhiên, điều chắc chắn là không thể tăng giá điện quá nhiều vì sẽ tác động ngược lại với nền kinh tế, nhưng cũng phải đủ để cho EVN, các nhà đầu tư tư nhân… tồn tại”- vị này nhấn mạnh.

Bên lề họp báo Chính phủ chiều 1/12. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết: “Giá đầu vào sản xuất điện tăng nên cần điều chỉnh giá bán lẻ, nhưng tăng ở mức nào phải rà soát, sau đó đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Hiện, mức tăng giá bán lẻ điện bình quân hiện nay đã vượt thẩm quyền của EVN theo Quyết định 24, tức là đã tăng trên 5%” - Thứ trưởng nói.

Ở góc độ khác, trao đổi về vấn đề trên, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Chuyên gia kinh tế cho rằng, câu chuyện giá điện luôn nhận được quan tâm đặc biệt của dư luận, bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân và hoạt động kinh doanh của DN. Ngoài ra, trong bối cảnh Nhà nước đang nỗ lực để kiềm chế lạm phát, thì những vấn đề liên quan đến giá điện lại càng phải lưu ý.

Theo vị chuyên gia này, tạm gác lại câu chuyện "trao quyền quyết định" cho EVN, điều mà ông quan tâm chính là việc phải có thị trường điện cạnh tranh. Thay vì Nhà nước điều tiết giá bán lẻ như hiện nay, đơn vị bán lẻ và khách hàng thỏa thuận theo hợp đồng, không có sự can thiệp của Nhà nước.

"Khi có thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, EVN sẽ không còn nắm giữ thế độc quyền ở khâu bán lẻ điện. Điều đó đồng nghĩa với việc, người dân sẽ có nhiều sự lựa chọn, được quyền quyết định xem mua điện từ nhà cung cấp nào, với giá thành ra sao. Khi ấy, các nhà bán lẻ điện cũng sẽ phải tự cân đối, cạnh tranh về giá, chất lượng phục vụ có lợi nhất để thu hút khách hàng", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh phân tích.

Ở một góc nhìn khác, chia sẻ với báo chí, PGS.TS Ngô Trí Long (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá cả - Bộ Tài chính) cho rằng, dự thảo cho phép EVN được chủ động quyết định tăng giá bán điện bình quân nếu thông số đầu vào tăng từ 1% đến dưới 5% là sự mở rộng thẩm quyền tương đối lớn và cần được cân nhắc thật kỹ lưỡng.

"Với ngành kinh doanh độc quyền như ngành điện thì tăng giá 1% cũng cần cân nhắc, tránh trường hợp liên tục điều chỉnh. Việc quyết định tăng giá điện phải có cơ quan giám sát độc lập, thỏa mãn các điều kiện theo quy định thì mới được điều chỉnh"- ông Long nói.

 

Với tình trạng nợ nần như hiện nay của EVN mà giá điện bán lẻ vẫn dưới mức giá thành thì ngành điện sẽ không thể chịu đựng được lâu dài, thậm chí EVN sẽ phá sản. Hiện Ban điều hành kinh tế vĩ mô đã đưa ra 3 phương án tăng giá điện nhưng việc quyết định như thế nào vẫn cần tính toán thêm. Theo đó, phương án điều chỉnh cần phải căn cứ vào sức chịu đựng của nền kinh tế (doanh nghiệp và người dân).

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải