Cân nhắc thời điểm xây dựng sân bay Long Thành

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 4/11, Quốc hội thảo luận tại tổ về Chủ trương đầu tư xây dựng dự án Cảng hàng không quốc tế (CHKQT) Long Thành.

Tán thành tính cần thiết của dự án, song nhiều ĐB Quốc hội cho rằng, còn nhiều điểm trong dự án chưa sát thực tế trong bối cảnh hiện nay.

Theo nhiều ĐB, xét trong tương quan vị trí quốc tế, có thể dễ dàng thấy rằng dự án sân bay Long Thành sẽ góp phần không nhỏ trong việc thay đổi cấu trúc hàng không của châu Á, vốn hiện đang tập trung chủ yếu tại Singapore và Thái Lan. Hơn nữa, CHKQT này khi đưa vào sử dụng sẽ tạo sức bật để phát triển kinh tế, du lịch và thu hút dòng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Tuy nhiên, mức đầu tư và phân kỳ đầu tư của dự án này lại chưa hợp lý với bối cảnh đất nước hiện nay.
Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị phát biểu tại phiên họp tổ chiều 4/11. Ảnh: Quang Thiện
Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị phát biểu tại phiên họp tổ chiều 4/11. Ảnh: Quang Thiện
ĐB Trịnh Ngọc Thạch (đoàn Hà Nội) cho rằng, hiện nay chúng ta đang trong tình trạng nợ công, Ước tính mỗi người dân Việt Nam (kể cả trẻ em mới được sinh ra) gánh một khoản nợ công là 937 USD/người, tương đương gần 20 triệu/người. "Nên căn cứ vào vấn đề thực tế, nhất là nợ công để triển khai. Chủ trương này có lẽ là lâu dài, trước mắt cần tập trung vào việc làm thiết thực hơn, còn cân nhắc dự án này trong 5-10 năm tới, khi nợ vơi dần và khi chúng ta có điều kiện thì mới triển khai" - ĐB Thạch bày tỏ.

Theo ĐB Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh), đã từng có những dự án lớn đưa ra Quốc hội, trong đó có dự án đường sắt cao tốc Bắc -Nam. Làm đường sắt là cấp thiết nhưng cân nhắc mọi thứ thì Quốc hội cũng lùi lại. Hoặc dự án về nhà máy điện hạt nhân, vì còn nhiều băn khoăn nên Chính phủ cũng lùi lại. Giữa ước muốn và khả năng luôn là vấn đề. Với dự án Sân bay Long Thành, khi khởi đầu đã có nhiều tranh luận. Nhiều chuyên gia hàng không đã bác bỏ các luận chứng một cách có căn cứ. Ví dụ chuyện sân bay Tân Sơn Nhất có thể mở rộng.

Vì vậy, theo ĐB Nghĩa, với thời lượng và khối lượng thông tin về dự án, không thể quyết định vấn đề lớn trong một thời gian ngắn, vẫn còn kỳ họp sau để xem xét. Trong thời gian đó, Chính phủ cần tổ chức các hội nghị phản biện về dự án. Kỳ họp tới, Chính phủ trình lại Quốc hội để quyết định.

ĐB Phạm Quang Nghị (đoàn Hà Nội) cho rằng, dự án xây dựng CHKQT còn nhiều điểm cần phải cân nhắc lại. Thứ nhất về nguồn vốn, trong tờ trình của Chính phủ, nguồn vốn xây dựng dự án gồm vốn ngân sách, ODA, vốn huy động ngoài các nguồn khác. Tuy nhiên các nguồn này cũng chưa có gì chắc chắn. Thứ hai, có những yếu tố trong tờ trình viết hơi "lãng mạn", lạc quan như xung quanh sân bay có TP sân bay, du lịch nên chăng cần tính toán lại. Thứ ba, nên tính toán kỹ hơn các yếu tố khác như giải phóng mặt bằng, tác động môi trường, xã hội... Trong đó rút kinh nghiệm từ một số dự án, công trình lớn trước như như boxit Tây Nguyên, lọc dầu Dung Quất... sau khi triển khai hiệu quả không đạt như mong muốn ban đầu. "Chúng ta cũng cần có sân bay hiện đại nhưng cần tính toán kỹ hơn quy mô, vốn, tiến độ" - ĐB Phạm Quang Nghị chia sẻ.

Rõ ràng với nhiều ý kiến còn băn khoăn của các ĐB, Dự án đầu tư xây dựng CHKQT Long Thành cần thiết phải được xem xét, cân nhắc kỹ càng. Có như vậy mới tạo được sự đồng thuận trong Nhân dân. Dự kiến, ngày 14/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về dự án này.
Đề cập đến dự án xây dựng sân bay quốc tế Long Thành, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, khái toán tổng mức đầu tư ba giai đoạn của dự án là 18,7 tỷ USD. Trong đó, giai đoạn một khoảng 7,8 tỷ USD, giai đoạn hai hơn 3,8 tỷ USD và giai đoạn ba hơn 7 tỷ USD.  Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, sau khi cập nhật lại chi phí giải phóng mặt bằng thì vốn đầu tư từ ngân sách cho giai đoạn một là 21.849 tỷ đồng; trong đó giai đoạn 1a là hơn 11.000 tỷ đồng, giai đoạn 1b là 10.772 tỷ đồng. 
Để giảm phần vốn ngân sách, Chính phủ đề nghị cho phép Tổng công ty Cảng hàng không VN sử dụng tiền thu từ cổ phần hóa Tổng công ty và các công ty con để giải phóng mặt bằng, đền bù và tái định cư phân kỳ một với số tiền dự kiến 5.000 tỷ đồng.
Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cho biết, vốn vay ODA dự kiến cho giai đoạn một là 2,279 tỷ USD, huy động từ các tổ chức tài chính quốc tế. Tổng công ty Cảng hàng không VN sẽ vay lại Chính phủ và tự trả nợ.