Cân nhắc về sự cần thiết của giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo
Chưa rõ mục đích của giấy chứng nhận
Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến tham vấn từ các cơ quan chuyên môn, chuyên gia, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục… để xây dựng dự án Luật Nhà giáo. Trong nhiều nội dung được đưa ra bàn thảo có quy định “nhà giáo phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp”.

Ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục nhà giáo (Bộ GD&ĐT) nhấn mạnh, giấy chứng nhận nghề nghiệp thể hiện năng lực của đội ngũ nhà giáo; đồng thời sẽ thay thế cho hai giấy tờ quan trọng: Quyết định công nhận hết thời gian tập sự của giáo viên và giấy chứng nhận hoàn thành bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.
“Giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo không phải là một giấy phép con. Việc cấp giấy chứng nhận này đảm bảo nguyên tắc đơn giản, miễn phí và sử dụng suốt đời”, ông Vũ Minh Đức thông tin.
Là giáo viên gắn bó với bục giảng ngót hai chục năm, cô giáo Vũ Thị Hoài Thu, giáo viên công tác tại một trường tiểu học thuộc huyện Chương Mỹ đặt câu hỏi: “Tôi tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, sau học lên đại học sư phạm; đã đứng lớp gần 20 năm. Với giáo viên có thâm niên như tôi, giấy này dùng để làm gì?”.
Cô Thu cho rằng, Bằng tốt nghiệp đại học sư phạm, thực tế giảng dạy với hàng trăm học sinh mỗi năm là minh chứng rõ ràng nhất để chứng nhận cho năng lực nghiệp vụ nhà giáo. “Khối lượng công việc hàng ngày của giáo viên rất nhiều, giờ lại phải đi học, đi thi để được cấp giấy chứng nhận cho công việc mình làm đã ngót hai chục năm. Điều này làm mất thời gian và chắc chắn còn gây lãng phí cho xã hội”, cô Hoài Thu nói.
Bày tỏ quan điểm về giấy chứng nhận này, TS Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng thẳng thắn cho rằng, Bộ GD&ĐT chưa làm rõ mục đích của giấy chứng nhận nghề nghiệp cho nhà giáo. Nếu chứng nhận này giống như một thủ tục hành chính thì nên bỏ, không cần thiết.

Tuy nhiên, nếu Bộ hướng đến một việc quan trọng là nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo; tức là những người làm nghề giáo phải được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao tay nghề và được thẩm định trước khi hành nghề thì nên xem xét.
“Trong các trường sư phạm hiện nay, vấn đề bồi dưỡng tay nghề, nghiệp vụ sư phạm cho giáo viên còn rất yếu, phần lớn mới tập trung thời gian vào đào tạo khoa học cơ bản. Trong trường hợp các trường sư phạm quan tâm, làm tốt việc bồi dưỡng đào tạo về tay nghề cho sinh viên thì cũng cần có bộ phận đánh giá độc lập, khách quan để khẳng định chất lượng đào tạo và trình độ tay nghề giáo viên. Do vậy, nếu cấp chứng nhận nghề nghiệp giáo viên với mục đích nâng cao, đảm bảo chất lượng giảng dạy của đội ngũ nhà giáo thì nên thực hiện”, TS Nguyễn Tùng Lâm cho biết.
Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, không cần quy định bắt buộc tất cả nhà giáo phải có chứng chỉ hành nghề vì đây là vấn đề có tính lịch sử. Những giáo viên đã dạy lâu năm, có tay nghề, được học sinh, đồng nghiệp tín nhiệm thì không phải thi chứng chỉ hành nghề.
Thay vào đó, cần có quy định về mốc thời gian cụ thể, trình độ năng lực của giáo viên để cấp chứng chỉ hành nghề. Những ai chưa đạt được mốc thời gian công tác hoặc chưa đạt chuẩn năng lực theo yêu cầu thì mới bắt buộc thi chứng chỉ hành nghề. Điều này đồng nghĩa, những thầy cô đã công tác vài chục năm trong ngành giáo dục sẽ không cần thiết có loại chứng chỉ này. Riêng những người hành nghề dạy thêm, cần bắt buộc phải có chứng chỉ hành nghề.
Cần nghiên cứu dài hơi
PGS.TS Chu Cẩm Thơ - Trưởng ban nghiên cứu đánh giá giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam bày tỏ: Về mặt lý thuyết, việc cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo có nhiều ưu điểm. Bởi theo thông lệ, các quốc gia yêu cầu chứng chỉ hành nghề (ở đây có thể coi chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo như chứng chỉ hành nghề) với ngành nghề đặc thù, yêu cầu về trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp như kinh doanh dịch vụ pháp lý, khám chữa bệnh...
Như vậy, giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo góp phần chuyên nghiệp hóa, giúp hoạt động giáo dục được quản lý hiện đại, theo hướng tiếp cận dịch vụ nhiều hơn. Mục đích của việc sử dụng giấy này để đảm bảo giáo viên có đủ năng lực chuyên môn và đạo đức để giảng dạy. Giấy chứng nhận này thường cấp cho giáo viên sau khi hoàn thành các yêu cầu về đào tạo, kinh nghiệm và chứng chỉ. Các yêu cầu có thể khác nhau giữa quốc gia và khu vực.

Ngoài ra, với việc sử dụng giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo có thể tăng cường hội nhập quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà giáo Việt Nam tham gia thị trường giáo dục giữa các quốc gia công nhận chứng nhận nghề nghiệp lẫn nhau. Giấy chứng nhận này có thể tạo vị thế bình đẳng giữa nhà giáo công tác ở các mô hình trường khác nhau. Nếu hợp nhất chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm, tập sự, bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp sẽ giúp giảm bớt sự cồng kềnh.
“Giấy chứng nhận nghề giáo góp phần quy chuẩn các điều kiện để hành nghề, giúp giáo viên đảm bảo trình độ chuẩn nhất định. Khi có giấy chứng nhận này, các cơ sở giáo dục công lập hay ngoài công lập sẽ có sự yên tâm khi nhận hoặc luân chuyển giáo viên đủ điều kiện để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Qua đây cũng thúc đẩy quá trình bồi dưỡng, học tập suốt đời của giáo viên để nâng cao kiến thức, kỹ năng”, nhà giáo Nguyễn Cao Cường - Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh (quận Đống Đa) nêu ý kiến.
Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh cho hay, đa số giáo viên mong muốn giảm bớt chứng chỉ, văn bằng để yên tâm công tác. Tuy nhiên, hiện có khá nhiều thông tư, quy phạm pháp luật khác yêu cầu về trình độ đào tạo, kiến thức kỹ năng giáo viên. Do đó, cần sự đồng bộ và quy chuẩn lại mọi thứ. Bộ GD&ĐT cần nghiên cứu dài hơi để đảm bảo giấy chứng nhận nghề nghiệp phù hợp với quy định pháp luật. Từ đó giúp nhà giáo có thời gian nghiên cứu và lộ trình phấn đấu rõ ràng.
Nhiều giáo viên cho rằng, mỗi sinh viên sau khi học 4 năm ở cơ sở giáo dục đại học đào tạo ngành Sư phạm được cấp bằng tốt nghiệp đại học đủ chứng minh năng lực chuyên môn nhà giáo. Nếu thêm giấy chứng nhận nghề nghiệp sẽ tạo ra cho giáo viên một loại “giấy phép con”.
Giấy chứng nhận nghề nghiệp nếu triển khai chỉ phù hợp với sinh viên sư phạm vừa tốt nghiệp ra trường. Đối với thầy, cô đã có nhiều năm giảng dạy mà yêu cầu đi học bổ sung để cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp sẽ bất hợp lý, thậm chí còn gây cho họ áp lực.
Theo những giáo viên này, điều quan trọng nhất hiện nay là ngành Giáo dục cần cải cách chế độ tiền lương cho đội ngũ giáo viên cả nước để nhà giáo sống được bằng lương. Nếu được tăng lương đúng với tính chất công việc, thầy cô sẽ có thêm động lực để yêu và gắn bó với nghề.

Cả nước có gần 378.400 giáo viên mầm non
Kinhtedothi - 10 năm qua, giáo dục mầm non ở nước ta đã có những bước phát triển về quy mô; chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ về cơ bản đã hoàn thành các mục tiêu đối với giáo dục mầm non (GDMN), đặc biệt là mục tiêu hoàn thành phổ cập cho trẻ 5 tuổi.

Nhà giáo nhân ái, truyền cảm hứng sống đẹp đến nhiều thế hệ học trò
Kinhtedothi - Gần 30 năm qua, dù ở vị trí giáo viên trực tiếp đứng lớp hay cán bộ quản lý giảng dạy, nhà giáo Nguyễn Thị Thu Huyền - Hiệu trưởng trường Mầm non Xuân Đỉnh B, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội luôn dành hết tâm huyết, trí tuệ và sức sáng tạo cho sự nghiệp trồng người.

Hà Nội: Năng lực nghiên cứu khoa học của giáo viên, học sinh được nâng cao
Kinhtedothi – Sau hơn 10 năm triển khai Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học, các dự án khoa học kỹ thuật của học sinh Hà Nội tăng cả về số lượng, chất lượng. Cùng với đó, năng lực hướng dẫn và nghiên cứu khoa học của giáo viên Hà Nội cũng được nâng cao.