Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cân nhắc việc nới room tín dụng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lạm phát ở mức thấp nhưng lãi suất sẽ không giảm, tốc độ tăng trưởng tín dụng cao đặt ra khả năng nới room tín dụng tăng thêm vốn cho nền kinh tế.

Đây là những vấn đề được đặt ra tại hội thảo "Cơ chế và giải pháp hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp" do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức sáng 22/9.

Lãi suất khó giảm

Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, lạm phát 8 tháng đầu năm chưa đầy 1% và có thể không cao hơn 2% nếu tính cả năm 2015. Với mức lạm phát này, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, mức lãi suất hiện nay các DN phải chịu tương đối cao. Ông dẫn chứng con số cho thấy, 60% DN kinh doanh không có lãi khi lạm phát thấp, lãi suất cao. "Điều này cho thấy DN vẫn rất khó khăn. Việc giảm nhẹ lãi suất ở mức phù hợp, tương thích với lạm phát là điều cần thiết" - ông Lộc đề nghị.
Hoạt động nghiệp vụ tại chi nhánh Techcombank. 	Ảnh: Trần Việt
Hoạt động nghiệp vụ tại chi nhánh Techcombank. Ảnh: Trần Việt
Tuy nhiên, TS Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư cho rằng, lãi suất sẽ không thể giảm thêm và giữ nguyên được như hiện tại cũng thành công khi đồng USD không ngừng mạnh lên và huy động trái phiếu ảm đạm.

Ông Thành lý giải, lãi suất VND hiện nay phụ thuộc vào tỷ giá và lãi suất đồng USD, trong khi đồng USD tiếp tục mạnh lên. Chưa kể nếu giảm lãi suất sẽ khiến trái phiếu Chính phủ trở nên kém hấp dẫn. “8 tháng đầu năm huy động TP mới chỉ đạt một nửa kế hoạch. Muốn huy động thêm vốn cho ngân sách, Kho bạc Nhà nước sẽ phải tính sớm tăng lãi suất trúng thầu trong thời gian tới”. Ông Thành cho rằng, lãi suất cả ngắn hạn lẫn trung và dài hạn đều khó giảm thêm trong vài tháng tới.

Thực tế cũng cho thấy, lãi suất huy động VND đã có xu hướng tăng nhẹ trong thời gian gần đây khi nhiều ngân hàng tăng lãi suất các kỳ hạn ngắn thêm 0,1 - 0,2%/năm.

Nắn dòng vốn đúng chỗ

Bên cạnh mong muốn giảm lãi suất cho DN, tại hội thảo, nhiều ý kiến đề xuất NHNN có kế hoạch nới room tín dụng cho một số NH cổ phần hiện nay khi tăng trưởng tín dụng 9 tháng đã ở mức khả quan 10,23% , nhiều nhà băng đã không có khả năng cho vay tiếp trong khi nguồn vốn vẫn dồi dào do hết "room" được cấp. Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, nhiều khả năng tăng trưởng tín dụng sẽ sớm đạt chỉ tiêu và mức độ 15 - 17% của năm 2015 gấp 2,5 lần so với tăng trưởng GDP đặt ra 6,5% là hợp lý. Tuy nhiên, NHNN sẽ xem xét nới chỉ tiêu tín dụng cho từng NH tùy thuộc vào sự lành mạnh tài chính và khả năng cấp tín dụng kiểm soát rủi ro của mỗi đơn vị. Theo Phó Thống đốc, NHNN sẽ kiểm soát tăng trưởng tín dụng, tập trung nắn tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên để tín dụng một mặt tăng trưởng cao nhưng phải thực chất hơn, hiệu quả hơn.

Đồng tình với quan điểm của NHNN thời gian tới phát triển thị trường vốn cân bằng hơn và minh bạch hơn, TS Cấn Văn Lực cho rằng phải đa dạng hóa thị trường vốn vì hiện nay vốn DN vẫn chủ yếu dựa vào hệ thống NH đến 75%. Trong khi các nước hiện nay, thị trường chứng khoán, bảo hiểm, trái phiếu... rất phát triển. Ông Lực kiến nghị tái cơ cấu nền tài chính Việt Nam phải theo hướng các nguồn vốn hợp lý hơn, đồng thời, DN cần phải làm ăn minh bạch hơn, chuẩn hóa hơn để tự mình phát hành trái phiếu huy động vốn hiệu quả hơn.
Vốn vào BĐS không quá lo
Tỷ trọng cho vay BĐS trên tổng dư nợ toàn hệ thống chỉ chiếm gần 9%, không quá lớn so với cùng kỳ năm ngoái (7,89%). Hiện, NHNN đang rà soát lại làm sao tín dụng BĐS cũng cần có sự phục hồi cho thị trường này. BĐS liên quan đến nhiều ngành trong nền kinh tế, đồng thời tháo gỡ cho BĐS cũng là cách để cho các NH giải quyết nợ xấu. Tuy nhiên, tín dụng liều lượng thế nào đang nghiên cứu để đảm bảo cho hoạt động tín dụng trong lĩnh vực này đi vào nhu cầu thật sự tránh đầu cơ tạo tăng trưởng nóng tác động tới nền kinh tế.
TS Nguyễn Tiến Đông
Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế – NHNN