Đó là một trong những góp ý nổi bật tại "Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Quyết định của UBND TP về chính sách ưu đãi tiền thuê đất trong các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, môi trường, giám định tư pháp trên địa bàn TP Hà Nội" do Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội tổ chức sáng nay, 8/6.
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Nguyễn Lan Hương và Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Nguyễn Sỹ Trường chủ trì Hội nghị.
Xu hướng thành phố quản lý chung là theo khu vực không gian
Tại đây, đại diện Sở Tài chính TP Hà Nội cho biết, Quy định chính sách ưu đãi tiền thuê đất trong các lĩnh vực trên áp dụng cho các đối tượng quy định tại Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 20/5/2008 và Nghị định số 59/2014/NĐ-CP ngày 16/6/2014; đối với các dự án đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực xã hội hóa thì thực hiện theo quy định riêng của Thủ tướng Chính phủ.
Điều kiện được hưởng chính sách ưu đãi tiền thuê đất là cơ sở thực hiện xã hội hóa (XHH) phải thuộc danh mục loại hình và đáp ứng các tiêu chí quy mô, tiêu chuẩn ban hành kèm theo Quyết định số 1466/QĐ-TTg ngày 10/10/2008, Quyết định số 693/QĐ-TTg ngày 6/5/2013, Quyết định số 1470/QĐ-TTg ngày 22/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ và các quy định sửa đổi bổ sung (nếu có).
Theo đó, khu vực các huyện và thị xã Sơn Tây được miễn 100% tiền thuê đất cho cả thời gian thực hiện dự án trong thời hạn được thuê đất cho tất cả các lĩnh vực XHH quy định tại khoản 1, Điều 1 quy định này. Khu vực các quận không bao gồm 4 quận Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm được giảm 60% tiền thuê đất cho toàn bộ thời gian thực hiện dự án trong thời hạn được thuê đất cho các lĩnh vực XHH theo quy định (trừ các dự án XHH đầu tư xây dựng bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp).
Khu vực 4 quận Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm được giảm 30% tiền thuê đất cho toàn bộ thời gian thực hiện dự án trong thời hạn được thuê đất trong các lĩnh vực XHH theo quy định (trừ các dự án XHH đầu tư xây dựng bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp).
Trường hợp dự án XHH thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư thì áp dụng tỷ lệ % đơn giá thuê đất theo Quyết định 12/2021/QĐ-UBND ngày 25/8/2021 của UBND TP và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có). Trường hợp dự án XHH không thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư theo quy định nhưng thuộc đối tượng, phạm vi quy định và đáp ứng điều kiện quy định được áp dụng tỷ lệ % đơn giá thuê đất là 1%.
Góp ý về chính sách ưu đãi theo địa danh, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nêu quan điểm: Việc phân khu vực hưởng ưu đãi theo địa danh quận căn cứ theo Quyết định 11/2015/QĐ-UBND, phê duyệt năm 2015, nhưng thực tế việc phân theo quận hiện đã bộc lộ tồn tại. Xu hướng TP quản lý chung là theo khu vực không gian. Trong Quyết định 11/2015 của UBND TP và dự thảo quyết định thay thế phân theo 3 nhóm quận, huyện (nhóm 1 là các huyện, thị xã Sơn Tây; nhóm 3 là 4 quận Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm; nhóm 2 là các quận còn lại).
"Nhìn lại quá trình quản lý có bất cập chưa tiếp cận đồng bộ bình đẳng trong XHH. Lấy ví dụ địa danh nhóm 2 có các địa phương như phường Bưởi (Tây Hồ hiện nay) là mới nhập từ quận Ba Đình vào năm 1995. Phường Thụy Khuê cũng từ quận Ba Đình nhập vào quận Tây Hồ năm 1996. Do đó, để kế thừa quá trình phát triển và gắn với định hướng phát triển giai đoạn tới, cần cân nhắc xem xét lại việc phân theo địa danh quận, đề nghị phân theo: Nhóm 1 gồm các huyện, thị xã Sơn Tây; nhóm 2 gồm các quận ngoài khu nội đô lịch sử; nhóm 3 gồm khu vực nội đô lịch sử"- ông Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh.
Đối với tỷ lệ miễn, giảm tiền thuê đất, TS Đào Ngọc Nghiêm đề nghị có giải pháp thích hợp (với 2 phương án): Nếu chỉ áp dụng đến tháng 12/2025 thì phải xác định rõ thời gian áp dụng và đánh giá tác động của quy định giảm 30%, 60%, 100%. Luật đất đai mới dự kiến áp dụng từ tháng 7/2024. Còn nếu có xem xét đến những nội dung dự thảo Luật mới đã được tiếp thu trình Quốc hội thì cần xác định điều chỉnh đối tượng áp dụng.
Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ-Pháp luật Phạm Ngọc Thảo thì nhận định, việc ban hành Nghị quyết là rất cần thiết để thực hiện đảm bảo đúng quy định pháp luật, đúng thời điểm và đáp ứng yêu cầu thực tế. Tuy nhiên, ông yêu cầu bổ sung làm rõ hơn cơ sở thực tiễn làm căn cứ xây dựng và ban hành Quyết định này để có tính thuyết phục hơn.
"Cần làm rõ việc đánh giá kết quả thực hiện chính sách này ở Hà Nội từ khi có hiệu lực đến nay và tỷ lệ, diện tích đất dành cho các lĩnh vực đã đạt yêu cầu chưa. Dự thảo mới chỉ nêu nội dung thực hiện mà chưa rõ kết quả thực hiện chính sách trên các lĩnh vực cũng như chưa làm rõ nhu cầu XHH thời gian sắp tới"- ông Phạm Ngọc Thảo nói.
TS. Nguyễn Tùng Lâm, Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội cũng đề nghị, cần làm rõ số lượng đơn vị được thụ hưởng, tổng số kinh phí TP đã miễn trừ thuế, số diện tích đất các đơn vị đã thụ hưởng và đặc biệt trong quá trình chỉ đạo thụ hưởng này, các sở, ban, ngành, các quận, huyện còn vướng mắc khó khăn gì cần UBND TP tháo gỡ. Ngoài ra, ngoài khu vực các huyện và Thị xã Sơn Tây được miễn 100% tiền thuê đất trong thời gian thực hiện dự án, đề nghị dự thảo nêu rõ việc ưu tiên cho dự án phục vụ dân sinh trong các khu CN, các phường tăng dân cư đột biến hay tập trung đông người dân lao động nghèo ở các vùng ven sông Hồng, thuộc các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng cũng được hưởng miễn tiền thuê đất 100%.
“TP cần chỉ đạo tăng cường đầu tư của Nhà nước và kêu gọi XHH hỗ trợ các mô hình giáo dục, y tế chăm sóc trẻ em có khó khăn, khuyết tật do hiện nay số lượng trẻ này ngày càng phát triển nhưng chưa được quan tâm đầy đủ, nên số cơ sở giáo dục, y tế hỗ trợ đang thả nổi cho các trung tâm tư nhân đảm nhiệm”- đại biểu bày tỏ.
Chưa phù hợp ở đâu thì phải sửa luôn ở đó
Cảm ơn các ý kiến đóng góp của đại biểu, lãnh đạo Sở Tài chính đã giải trình một số nội dung được quan tâm, như trách nhiệm của các cơ quan chủ quản, chính sách đối với những dự án trên địa bàn các huyện sắp tới sẽ chuyển thành quận… Với những nội dung khác, Sở sẽ trao đổi với các cơ quan liên quan để đảm bảo hiệu quả, hiệu lực và phù hợp thực tế.
Phát biểu kết luận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Nguyễn Lan Hương cho hay, Hội nghị đã nhận được 13 ý kiến phát biểu của 11 đại biểu thể hiện tâm huyết, trách nhiệm, cụ thể đối với những nội dung cần góp ý và nhấn mạnh: Thời gian qua, TP đã có nhiều chủ trương, quyết sách thu hút đầu tư, XHH trong các lĩnh vực này. Sở Tài chính đã chuẩn bị rất kỹ nội dung Dự thảo; các đại biểu cơ bản tán thành các nội dung sửa đổi Quyết định số 11/2015/QĐ-UBND ngày 19/5/2015 của UBND TP.
"Với nguyên tắc chưa phù hợp, đồng bộ ở đâu thì phải điều chỉnh, sửa luôn ở đó chứ không chờ đợi các Luật khác, đề nghị Sở Tài chính phải cập nhật các nội dung mới mà TP đang đưa vào Luật Thủ đô sửa đổi và tiếp tục chắt lọc các nội dung phù hợp, cần thiết từ các ý kiến để tổng hợp, đảm bảo Quyết định mang tính hiệu quả, phù hợp thực tiễn"- bà Nguyễn Lan Hương nêu rõ.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP cũng đề nghị cơ quan chức năng bổ sung báo cáo đánh giá tác động, tiếp tục nghiên cứu, cập nhật đầy đủ nội dung mới theo tinh thần mới Luật thủ đô, Luật Đất đai, các văn bản của T.Ư để “kéo dài tuổi thọ” của Quyết định. Đồng thời, cân nhắc việc phân chia địa bàn theo địa giới hành chính, trong đó lưu ý những địa bàn đông dân cư, tập trung nhiều đối tượng khó khăn để người dân được tiếp cận với hệ thống an sinh, phúc lợi xã hội của TP nhanh nhất, thuận tiện nhất.
Ngoài ra, cần bổ sung cơ chế quản lý điều hành kiểm tra, kiểm soát, giám sát trong quá trình thực hiện để kịp thời xử lý vi phạm cả về phía người quản lý và thụ hưởng trong triển khai thực hiện.