Sáng 9/4, Bộ Công an tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai Quyết định số 1110/QĐ-TTg ngày 17/8/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể hệ thống cơ sở của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; Quyết định số 44/2012/QĐ-TTg ngày 15/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ quy định về công tác CNCH của lực lượng PCCC và tổng kết 10 năm phong trào toàn dân tham gia PCCC.
Theo báo cáo trong 10 năm qua, trên cả nước xảy ra 22.876 vụ cháy, trong đó 16.767 vụ cháy ở các khu dân cư, cơ sở sản xuất, kinh doanh, 6.109 vụ cháy rừng, làm chết và bị thương 2.536 người, thiệt hại 2.023,3 tỷ đồng và 42.332 ha rừng. Trung bình, mỗi năm xảy ra 1.677 vụ cháy ở các khu dân cư, 611 vụ cháy rừng, làm chết và bị thương 254 người, thiệt hại về tài sản 419 tỷ đồng…
Điểm cầu hội nghị trực tuyến tại Công an TP Hà Nội.
Qua điều tra các vụ cháy, xác định nguyên nhân gây cháy chủ yếu do sự cố điện, sơ suất trong sử dụng lửa, vi phạm quy định an toàn PCCC. Nguyên nhân để xảy ra thiệt hại do cháy gây ra là do công tác PCCC không đáp ứng kịp với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Trong đó, thể hiện như việc báo cháy chậm, công tác chữa cháy tại chỗ của lực lượng chữa cháy cơ sở và dân phòng ban đầu còn lúng túng nên hiệu quả không cao.
Cũng trong 10 năm qua, công tác xây dựng và nhân rộng điển hình tiến tiến trong phong trào toàn dân tham gia PCCC với mô hình “Nhà nhà phòng cháy, người người phòng cháy”, “Chủ động phòng cháy, tích cực chữa cháy”, “Phòng cháy tốt, chữa cháy giỏi” đã được những đơn vị, địa phương như: Bộ Công Thương, TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, TP Hải Phòng…quan tâm nên đã có tác dụng góp phần hạn chế số vụ cháy và nguy cơ do cháy gây ra.
Bên cạnh đó, xuất hiện mô hình mới trong công tác PCCC phù hợp với tình hình đặc điểm cụ thể ở mỗi địa phương đã đem lại hiệu quả trong PCCC như mô hình “Cụm cơ quan, doanh nghiệp an toàn PCCC” ở TP Hải Phòng, “Cụm, tuyến dân cư an toàn PCCC” ở tỉnh Tiền Giang, An Giang, “Dân vận khéo” ở tỉnh Sơn La, “Tổ dân phố tự quản” ở TP Hà Nội, “Học kỳ PCCC” và “ Một ngày làm lính chữa cháy” của Sở Cảnh sát PC&CC TP Hồ Chí Minh.
Thiếu tướng Nguyễn Đức Nghi, Giám đốc Sở Cảnh sát PC&CC TP Hà Nội cho biết, do mới thành lập nên lực lượng Cảnh sát PCCC chuyên nghiệp của sở mỏng, phương tiện và trang thiết bị chữa cháy lại thiếu, chưa đáp ứng được với nhu cầu thực tế PCCC. Nhưng thời gian qua, Sở Cảnh sát PC&CC TP Hà Nội đã tập trung tăng cường rèn luyện, bồi dưỡng kỹ năng cho lực lượng chữa cháy chuyện nghiệp ngày càng chính quy, tinh nhuệ hơn trong PCCC. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền Luật PCCC đến từng người dân, cơ sở sản xuất giúp thay đổi nhận thức trong công tác PCCC đối với mỗi người dân.
Trên thực tế, nhiều vụ cháy đã được người dân và lực lượng chữa cháy cơ sở dập tắt kịp thời, không để cháy lan, cháy lớn. Qua đó góp phần giảm số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra.
Thiếu tướng Nguyễn Đức Nghi mong muốn: “Thời gian tới, Chính phủ, các bộ, ngành và UBND TP Hà Nội tiếp tục quan tâm đầu tư ngân sách hơn nữa để mua sắm phương tiện, trang thiết bị PCCC, nâng cấp trung tâm chỉ huy PCCC của Sở Cảnh sát PCCC, đặc biệt đầu tư mua sắm trực thăng chữa cháy nhằm đáp ứng nhu cầu chữa cháy tại Thủ đô Hà Nội được kịp thời hơn”.
Chỉ đạo về công tác PCCC, Đại tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an yêu cầu: “Các bộ, ngành, tỉnh, thành phố cần tiếp tục quan tâm đến công tác PCCC. Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, xử lý những cá nhân, tập thể cố tình vi phạm trong công tác PCCC. Tiếp tục đầu tư mua sắm phương tiện, trang thiết bị PCCC để đáp ứng tương xứng với tốc độ phát triển kinh tế như hiện nay và mang tính bền vững về sau. Đồng thời, đẩy mạnh và nhân rộng mô hình phong trào toàn dân tham gia PCCC”.