Đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị
Cần những bước đi chắc chắn, thận trọng
Kinhtedothi - Nhận định vai trò quan trọng của đường sắt tốc độ cao và đường sắt đô thị (ĐSĐT) trong sự phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước, không ít DN ngoài quốc doanh đã bày tỏ nguyện vọng được tham gia đầu tư, phát triển. Nhiều chuyên gia cho rằng cần ủng hộ mạnh mẽ tinh thần cầu tiến và xây dựng tích cực của DN, tuy nhiên phải có những quyết sách hết sức thận trọng, chắc chắn đối với những dự án trọng điểm quốc gia này.
Giữ vai trò chủ đạo
Đường sắt tốc độ cao và ĐSĐT là những công trình giao thông có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mang đến hiệu quả lâu dài, sâu rộng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội cũng như chính trị, an ninh, quốc phòng của đất nước. Để phát triển tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và hệ thống ĐSĐT tại hai TP lớn: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ đã có những quyết sách rất mạnh mẽ.
Chính phủ đã thành lập: Ban Chỉ đạo các dự án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt và Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT, đều do Thủ tướng làm Trưởng Ban; nhằm phát triển, thúc đẩy tiến độ đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và một số dự án ĐSĐT.
Chính phủ cũng kêu gọi các DN nội địa, bao gồm cả DN Nhà nước và tư nhân, các nhà khoa học, chuyên gia… đóng góp nguồn lực, công sức, trí tuệ cùng tham gia quá trình phát triển hệ thống đường sắt hiện đại nói chung. Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành, khi đầu tư, triển khai những dự án đường sắt lớn nói chung, tận dụng nguồn lực xã hội, ưu tiên cho DN nội địa tham gia để tiếp thu công nghệ, dần dần xây dựng ngành công nghiệp đường sắt hiện đại, lớn mạnh. Đáp lại lời kêu gọi đó, không ít DN tư nhân trên cả nước đã bày tỏ mong muốn được tham gia thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia này.
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị về vấn đề này, chuyên gia về lĩnh vực ĐSĐT, TS Vũ Hồng Trường cho rằng, tinh thần cầu tiến và xây dựng tích cực của các DN nội địa là rất quý và đáng hoàn nghênh. Tuy nhiên các dự án lớn như: Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; ĐSĐT có quy mô rất lớn, đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao, kinh nghiệm phong phú nên cần có những quyết sách rất thận trọng, chắc chắn.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng, Nhà nước cần giữ vai trò chủ đạo trong quá trình đầu tư, thực hiện các dự án đường sắt quan trọng quốc gia. Trước mắt, công nghệ về xây dựng cũng như quản lý, vận hành khai thác đường sắt tốc độ cao vẫn phải học hỏi từ các nước phát triển đã có nhiều kinh nghiệm.
Đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Đồng quan điểm, chuyên gia giao thông, thạc sĩ Lê Trung Hiếu cho rằng, mỗi DN muốn tham gia vào quá trình đầu tư, xây dựng đường sắt tốc độ cao hay ĐSĐT phải chứng minh được năng lực, kinh nghiệm của mình. Nhà nước không nên giao những dự án tỷ đô cho DN chưa hề kinh qua bất kỳ dự án nào có tính chất phức tạp và độ khó tương tự.
“Các dự án này có mức đầu tư rất lớn, thời hạn sử dụng lâu dài, tác động rộng rãi đến đời sống kinh tế - xã hội nên Nhà nước cần giữ vai trò chủ đạo trong quá trình đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành, ít nhất là cho đến khi chúng ta có một ngành công nghiệp đường sắt phát triển, DN tư nhân được tiếp nhận công nghệ, học hỏi kinh nghiệm trong nhiều năm đến khi đủ sức tự đảm đương” - ông Lê Trung Hiếu nói.
Các chuyên gia đánh giá rất cao tinh thần đáng quý và sự ủng hộ thiết thực mạnh mẽ của các DN tư nhân khi xung phong tham gia dự án đường sắt tốc độ cao, ĐSĐT, cam kết đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật. Tuy nhiên nhiều ý kiến khẳng định, cần có một bước đệm trong nhiều năm để DN nội địa tích lũy kinh nghiệm trước khi gánh vác trọng trách.
Tích lũy kinh nghiệm
TS Vũ Hồng Trường cho rằng, việc giao cho các DN tư nhân thực hiện dự án đầu tư đường sắt tốc độ cao, ĐSĐT vào thời điểm này cần hết sức thận trọng và cân nhắc kỹ càng. “Điều quan trọng nhất cần làm hiện nay là động viên DN tư nhân cùng tham gia vào các dự án để học hỏi, tiếp thu công nghệ, tích lũy kinh nghiệm, đào tạo nhân lực để sau này họ có thể cùng Nhà nước triển khai những dự án lớn, công nghệ cao” - ông Vũ Hồng Trường nói.
Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Lê Trung Hiếu cũng cho rằng, để có được những DN mạnh, đủ sức đảm đương những dự án quy mô rất lớn như đường sắt tốc độ cao, ĐSĐT, cần có môi trường cho DN nội địa, bao gồm cả tư nhân và quốc doanh cọ sát, học hỏi.
“Ngành công nghiệp đường sắt không chỉ có xây dựng, khai thác mà còn có các lĩnh vực cũng rất lớn như: bảo trì, sửa chữa, sản xuất phụ tùng thay thế… Đây đều là những lĩnh vực còn mới mẻ nhưng rất quan trọng, cần khuyến khích các DN tư nhân tham gia, dần dần tự nâng cao năng lực để đảm trách” - ông Lê Trung Hiếu nói.
Đồng quan điểm, chuyên gia giao thông, thạc sĩ Vũ Hoàng Chung cho rằng, Nhà nước cần giữ vai trò chủ đạo, mở rộng đấu thầu quốc tế, lựa chọn những nhà thầu có kinh nghiệm, năng lực, công nghệ hiện đại thực hiện dự án đường sắt tốc độ cao, ĐSĐT ban đầu. Quá trình triển khai dự án cần khuyến khích DN nội địa cùng tham gia để tiếp thu công nghệ, kiến thức. Vị chuyên gia này nhấn mạnh: “Một trong những vấn đề quan trọng cần quan tâm nhất là phải đào tạo được đội ngũ nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp đường sắt, bao gồm cả ĐSĐT. Nhân lực tốt là yếu tố then chốt để hình thành và phát triển công nghiệp đường sắt”.
Nhiều chuyên gia cho rằng, cần một bước đệm trong nhiều năm để các DN nội địa làm quen và tiếp thu được công nghệ hiện đại về đường sắt tốc độ cao, ĐSĐT. Trước mắt vẫn phải cân nhắc sử dụng nhà thầu cũng như công nghệ của các nước phát triển. Bởi mỗi dự án thuộc nhóm này đều rất đắt đỏ, phức tạp, nếu khinh suất, giao cho những DN chưa có kinh nghiệm, năng lực có thể dẫn đến tình trạng trì trệ, phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc khôn lường, gây lãng phí tiền của xã hội.
Thạc sĩ quản lý kinh tế Hoàng Thị Thu Phương cho rằng, những dự án như đường sắt tốc độ cao, ĐSĐT còn là hạt nhân để tái cấu trúc đô thị, phát triển đô thị theo mô hình TOD. Các DN tư nhân khi tham gia làm dự án có thể được ưu tiên giao quyền phát triển đô thị dọc theo từng tuyến đường sắt. “Nếu không thận trọng, không có bàn tay quản lý chặt chẽ của Nhà nước còn có thể dẫn đến tình trạng dự án thì vướng mắc kéo dài trong khi đô thị xây dựng xong bán hết thu lời” - bà Hoàng Thị Thu Phương nói.
Quốc hội cũng đang xem xét Nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân, trong đó có quy định cho phép DN tư nhân làm dự án đường sắt tốc độ cao, ĐSĐT. Nhưng để có được đội ngũ DN tư nhân đủ năng lực thực hiện những dự án này, cần thiết phải có một quá trình đào luyện lâu dài và nghiêm túc.
Trích dẫn
Một trong những vấn đề quan trọng cần quan tâm nhất là phải đào tạo được đội ngũ nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp đường sắt, bao gồm cả ĐSĐT. Nhân lực tốt là yếu tố then chốt để hình thành và phát triển công nghiệp đường sắt.
Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Vũ Hoàng Chung

Nghiên cứu đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam 250 km/h
Kinhtedothi - Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có công văn gửi Bộ Giao thông Vận tải về phương án nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc Nam.

Dự kiến khởi công đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam vào cuối năm 2027
Kinhtedothi - Bộ GTVT đã xây dựng kế hoạch tổng thể triển khai dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Dự kiến khởi công dự án vào tháng 12/2027.

VinSpeed đăng ký đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam
Kinhtedothi - Ngày 14/5/2025, Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển đường sắt cao tốc VinSpeed đã chính thức đăng ký đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam.