Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cần những chính sách mới cho nhà cổ Cự Đà

Lại Tấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhà của ông Trịnh Thế Sủng tại làng Cự Đà (Thanh Oai, Hà Nội) là ngôi nhà duy nhất có niên đại ngót 200 năm còn sót lại. Tuy nhiên, do nhu cầu về chỗ ở phát sinh, quỹ đất lại hạn hẹp, người chủ nhà hơn 70 tuổi đã chấp nhận gỡ một phần kiến trúc cổ để có không gian xây nhà kiên cố, cao tầng đáp ứng mong muốn cấp thiết của cuộc sống.

Ông Trịnh Thế Sủng bên trong ngôi nhà cổ xây dựng từ năm 1867. Ảnh: Lại Tấn
Đường cùng phải dỡ nhà
Ở làng cổ Cự Đà, người dân không ai không biết đến ngôi nhà cổ của ông Trịnh Thế Sủng. Theo niên đại ghi ở trên nóc (năm 1864) thì ngôi nhà này đến nay đã 157 tuổi. Thời gian trôi qua, nhà của ông Trịnh Thế Sủng từ vị thế thứ 2, thứ 3 về thâm niên thì nay đã xếp đầu sau khi một ngôi nhà 300 năm tuổi bị phá dỡ. Vì vậy, nhiều năm qua, nhà ông Sủng trở thành nơi tiếp đón nhiều đoàn khách du lịch, báo chí trong nước và quốc tế đến tham quan, tìm hiểu về lịch sử, văn hóa của làng Cự Đà. Tuy nhiên, gần đây, ông Sủng dần dần ngại tiếp các đoàn khách lạ. Ai gọi điện liên hệ muốn đến thăm quan, ông thường nói: “Tôi đi vắng rồi” hoặc “Nhà dỡ rồi không còn gì đâu”.

Ngày 12/4, người dân làng Cự Đà phản ánh đến báo Kinh tế & Đô thị về việc nhà ông Sủng sắp phá dỡ để xây nhà mới. Liên hệ để tìm hiểu, ông Sủng xác minh thông tin người dân phản ánh là đúng. Ngồi trên bộ bàn ghế cổ, áp sát cánh cửa bức bàn đã mối mọt, thủng lỗ chỗ, ông Sủng châm điếu thuốc hút rồi kể về dự định sắp tới: “Ngôi nhà chính này tôi vẫn giữ nguyên. Tôi dỡ bỏ phần công trình phụ là nhà bếp và nhà để cối dã gạo, máy xay lúa ngày xưa. Tổng diện tích khu vực dỡ bỏ là 58/198m2”.

Chủ căn nhà cổ nhất ở làng Cự Đà cũng cho hay, nhà được ông bà để lại rộng gần 200m2, nhưng vì kết cấu lại cột kèo nhiều nên nhìn rộng nhưng thực tế lại chật. Cũng vì điều này, ông Sủng quyết định xẻ một phần của nhà để đào móng, xây nhà tầng cho con trai lấy vợ. Hiện nay, ông Sủng đã ký hợp đồng 4 tháng với đơn vị xây dựng nhà. Vì vậy, trong tương lai, nhà ông Trịnh Thế Sủng sẽ không còn giữ gìn được diện tích tổng thể. Sân nhà sẽ hẹp lại, ngôi nhà ông Sủng miêu tả có hình “báng súng” sẽ không còn nguyên. Bên cạnh ngôi nhà cổ gần 200 năm sẽ mọc lên một ngôi nhà mới.

Lực bất tòng tâm

Trong căn nhà hai vợ chồng già ở làng Cự Đà không có nhiều đồ đạc. Ngoài đồ gỗ ở gian thờ, 2 chiếc giường 2 bên và bộ bàn ghế, ông Sủng chỉ sắm thêm một vài thứ đồ điện để cuộc sống về gia nhàn nhã hơn. Ông Sủng kể rằng, nhiều năm trước, đường làng nâng lên, sân là ông trở thành điểm trũng nước. Vì hoàn cảnh, ông mới phải bắt buộc nâng nền sân lên 40cm. Dù vậy, ông vẫn cẩn thận bóc từng viên gạch cổ để tái sử dụng. Cánh cửa bức bàn mọt lỗ chỗ - nơi ông Sủng hay ngồi hút thuốc, uống nước chè vẫn được giữ lại. Dù đã nhiều lần, con ông đề nghị thay cửa mới để khang trang, sạch sẽ hơn, ông cũng từ chối. Ông Trịnh Thế Sủng chia sẻ: “Nhà giờ chỉ có hai ông bà già với nhau, ăn song chỉ đi chơi với đi ngủ thì cần gì. Nhà có điều kiện, người ta đã lát gạch đá men. Tôi nghĩ rằng nếu ở nhà mới thì mới hẳn, cũ thì để cũ hẳn. Vì kinh tế eo hẹp, chúng tôi cứ để thế ở. Mặt khác, tôi nhìn cánh cửa mọt mới có màu thời gian”.

Ngồi nói chuyện lâu hơn, ông Sủng dần cởi mở và chia sẻ rằng những năm trước đây, chính quyền đến hỏi ý kiến để làm di tích nhà cổ. Tuy nhiên, ông Sủng đã từ chối. “Nhà của tôi không muốn để ai quản lý. Tôi muốn để thì để, muốn dỡ thì dỡ. Nếu trở thành di tích Nhà nước quản lý muốn sửa, muốn dỡ phải xin thì thành nhà khổ chứ không phải nhà cổ” - ông Trịnh Thế Sủng chia sẻ. Mặt khác, chủ căn nhà cổ cũng cho hay nếu chính quyền muốn quản lý, giữ căn nhà cổ thì cần phải có giải pháp xây căn nhà khác cho tôi ở trong làng. “Tôi trả nhà này cho họ, không tính tiền, muốn làm gì cũng được” - ông Sủng bày tỏ.

Liên hệ phản ánh thông tin về việc nhà ông Trịnh Thế Sủng chuẩn bị sửa chữa, phá dỡ một phần, Chủ tịch UBND xã Cự Khê Đặng Anh Phương chia sẻ: “Thực tế, chúng tôi hết sức chia sẻ với bà con, trong một ngôi nhà cổ 4 - 5 thế hệ ở, sinh hoạt khó khăn, con cái lấy vợ gả chồng phải có nơi ăn, chốn ở. Hiện nay, địa phương chỉ có cách đến gặp gỡ, tuyên truyền để tìm hướng khắc phục”.

Từ thực trạng trên có thể thấy, trong lúc nhiều cơ quan văn hóa đi xây dựng lại mô hình làng Việt mới toanh ở đâu đó, thì trớ trêu thay, làng Việt cổ Cự Đà còn nguyên đặc trưng thì lại chưa được chú ý đúng mức; các di sản kiến trúc trong làng có nguy cơ đang dần bị xóa sổ bởi đô thị hóa.
Tâm niệm của tôi muốn giữ nhưng giờ các cháu lớn lên, cuộc sống thay đổi, con trai út lại sắp lấy vợ nên phải dỡ phần công trình phụ ra. Căn nhà này (nhà chính) tôi vẫn cố giữ, chắc được thêm vài chục năm nữa.

Ông Trịnh Thế Sủng