Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cần nhưng chưa đủ

Bảo Châu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị, năm 2019, T.Ư chọn chủ đề: “Xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân”; Hà Nội cũng tiếp tục chủ đề là “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hệ thống chính trị”.

Hướng dẫn doanh nghiệp làm thủ tục hành chính tại sở Kế hoạch & Đầu tư Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải
Cả hai nội dung này đều nhắm tới là người cán bộ, công chức trong bộ máy chính quyền các cấp. Sự trùng hợp ngẫu nhiên này cũng đủ cho thấy tầm quan trọng của công tác xây dựng Đảng mà cụ thể là công tác cán bộ hiện nay.
Nói vậy là bởi dư luận rất bất bình khi nhiều vụ việc bị phanh phui thì đối tượng chính vi phạm đều được các cơ quan có trách nhiệm nhận xét có nhân thân tốt, đạo đức trong sáng, có năng lực, bằng cấp,… Rồi tại nhiều hội nghị, người ta hay nói “một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái, biến chất”, nhưng lại không chỉ ra được cụ thể là ai. Thậm chí, có thân tình “nói truyền tai để biết” cũng rất khó chỉ rõ người nào, ở đâu thoái hoá, biến chất. Tương tự, trong phân loại, đánh giá cán bộ, các tiêu chí cũng vẫn còn chung chung, khó để “áp” vào ai đó là không đủ năng lực, thiếu trách nhiệm hay phẩm chất đạo đức kém. Nếu có người “vặn lại”, thế nào là đạo đức, năng lực kém,... tổ chức chắc cũng... chịu.

Việc T.Ư, TP lựa chọn chủ đề của từng năm với mục tiêu cụ thể như vậy là rất đúng, rất trúng, nhưng để hiện thực hóa các mục tiêu đó lại rất cần có sự quyết liệt nhiều hơn, có kiểm tra, giám sát và quan trọng là phải có biện pháp đi kèm để nhắc nhở, xử lý nghiêm minh những sai phạm. Một thời gian dài, chúng ta lấy bằng cấp là tiêu chuẩn để tuyển chọn cán bộ mà lại “quên” mất rất nhiều yếu tố khác đi kèm, ví như phẩm chất, đạo đức, ý thức trách nhiệm của người cán bộ, công chức.

Vẫn biết bằng cấp chuyên môn là rất cần, nhưng với một người cán bộ, công chức, nhất lại là đảng viên thì chỉ bằng cấp không thôi là chưa đủ.