2 nhóm nguyên nhân gây hư hỏng cầu
Trong cuộc họp mới đây do Bộ Giao thông vận tải (GTVT) chủ trì cùng các cơ quan, đơn vị liên quan về phương án sửa chữa, xử lý mặt cầu Thăng Long - Hà Nội, ông Hoàng Hà - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ cho biết: Cầu Thăng Long là công trình lớn, đã trên 30 năm, theo nguyên tắc cầu lớn như vậy phải có dự án tổng thể để đại tu, chứ không chỉ sửa chữa riêng phần mặt cầu.
Theo ông Hà phân tích, bản mặt cầu Thăng Long là dạng bản bằng kết cấu thép, tính chất mỏng, độ rung động và biến dạng rất lớn, cần phải có giải pháp sửa chữa, tăng cường xử lý vết nứt, sử dụng chất dính đặc biệt.
Đồng tình với ý kiến trên, TS Tô Giang Lam (Trường Đại học GTVT) đánh giá, với các hư hỏng hiện tại, nếu không có giải pháp tổng thể thì hàng năm việc duy tu bảo dưỡng cầu Thăng Long rất khó khăn. Mặt khác nếu sửa chữa khi hư hỏng nhưng không lựa chọn giải pháp kỹ thuật phù hợp sẽ khó đảm bảo chất lượng, tuổi thọ và độ bền; đồng thời không bảo vệ được phần kết cấu bản mặt cầu dưới tác dụng của xâm thực và giảm ảnh hưởng của tải trọng lặp.
Cục trưởng Quản lý chất lượng và công trình giao thông Lê Kim Thành nhận định, có 2 nhóm nguyên nhân gây nứt. Một là sau 30 năm sử dụng, kết cấu chịu lực của 15 nhịp dàn thép đã biến dạng, gây ra các vết nứt dọc. Hai là dính bám giữa lớp bê tông nhựa và mặt thép suy giảm.
Ông Thành đề xuất kiểm tra toàn diện cầu. Các cầu lớn trên thế giới thường được kiểm tra toàn diện sau 5 - 10 năm song ở nước ta chưa tiến hành lần nào. Sau khi đánh giá, nếu cầu Thăng Long bị suy giảm kết cấu thì phải sửa kết cấu trước sau đó mới sửa chữa mặt cầu.
Hư hỏng trên cầu Thăng Long. Ảnh: Phạm Hùng. |
Trong đợt sửa chữa năm 2009, đơn vị thi công đã bóc lớp tạo nhám, làm lại lớp chống thấm mặt cầu, tuy nhiên, việc này không đạt yêu cầu. Xe chạy gây lực trượt làm cho lớp bê tông mặt đường dồn ụ mấp mô và các vết nứt làm nước thấm xuống phá hoại bê tông nhựa. Mặt cầu cũng có các vết nứt dọc. Một phần nguyên nhân là do lưu lượng, tải trọng xe qua cầu vượt quá thiết kế ban đầu.
Trong giai đoạn năm 2012 - 2013, mặt cầu Thăng Long được thi công sửa chữa, khắc phục hư hỏng lớp bê tông nhựa bằng công nghệ của Mỹ, nhưng nhiều vị trí cũng hư hỏng trước khi hết bảo hành.
Từ năm 2016 đến nay, đơn vị quản lý đường bộ thực hiện sửa chữa cục bộ các vị trí bê tông nhựa bị trượt, xô dồn, ổ gà để đảm bảo giao thông, nhưng gần đây do mưa nhiều, dù được sửa chữa nhưng mặt cầu vẫn tiếp tục bị trồi sụt. Trong khi đó, lưu lượng, tải trọng xe qua cầu Thăng Long đã vượt quá thiết kế ban đầu.
Việc sửa chữa phải bền vững trên 10 năm
Cũng theo Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, để thực hiện sửa chữa mặt cầu Thăng Long, đơn vị đã liên hệ với chuyên gia Nga. Phía Nga đã trả lời có thể hợp tác nhưng đề nghị chuyển tài liệu cho họ nghiên cứu trước, đồng thời họ sẽ tổ chức đoàn chuyên gia khảo sát tình hình thực tế.
“Hiện Tổng cục Đường bộ đã chuyển một số tài liệu do Tư vấn KEI (được JICA lựa chọn) cho phía Nga để họ nghiên cứu và có giải pháp sơ bộ. Trong khi chờ kết quả nghiên cứu của chuyên gia Nga, Cục Quản lý đường bộ I tiếp tục duy tu, bảo dưỡng thường xuyên mặt cầu”, ông Nguyễn Văn Huyện cho biết thêm.
Ngoài phương án trên, thời gian qua Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng đã trao đổi, làm việc với các chuyên gia trong nước, trong quá trình trao đổi, chuyên gia đã đề xuất và đưa ra 5 nhóm giải pháp, Tổng cục đã tiếp thu, nghiên cứu.
Biển cảnh báo trên cầu Thăng Long |
Khánh thành từ năm 1985, cầu Thăng Long suốt 33 năm qua là công trình giao thông huyết mạch nối trung tâm Hà Nội với vùng ngoại thành và các tỉnh phía Bắc. Thời gian qua, đã có nhiều đợt sửa chữa mặt cầu nhưng so với kỳ vọng của xã hội thì chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa đảm bảo êm thuận.
“Việc sửa chữa lần này phải bền vững ít nhất từ 10 năm trở lên. Các đơn vị tham gia phải chịu trách nhiệm về chất lượng cầu. Không sửa được cầu Thăng Long thì cả ngành giao thông mắc cỡ với dân”, Bộ trưởng Bộ GTVT bày tỏ.
Qua đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể lưu ý các cơ quan tham mưu của Bộ lựa chọn tổ chức thi công phải có uy tín nghề nghiệp, có kinh nghiệm về lĩnh vực cầu thép, đã có công trình, dự án, sản phẩm chứng minh tính hiệu quả.
Bộ trưởng đồng ý chủ trương lập Dự án sửa chữa tổng thể cầu Thăng Long và thành lập Nhóm công tác của Bộ GTVT thành phần gồm 1 đồng chí Thứ trưởng phụ trách, Vụ trưởng các Vụ Khoa học công nghệ, Hợp tác quốc tế, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN, Cục trưởng Cục Đường sắt VN và một số chuyên gia để chuẩn bị các nội dung trao đổi, làm việc với đối tác nước ngoài (Đoàn chuyên gia của Nga).
Về công tác duy tu, sửa chữa mặt cầu Thăng Long trong thời gian tới, Bộ trưởng giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Vụ Khoa học công nghệ, Cục Quản lý đường bộ I nghiên cứu đề xuất phương án sửa chữa mặt cầu của một số cơ quan, đơn vị có nhiều ưu điểm (Trường Đại học GTVT) để phối hợp và yêu cầu đơn vị đề xuất nghiên cứu phương án sửa chữa, xử lý nứt dọc.
Cầu Thăng Long cao 2 tầng, dài khoảng 3,1km, gồm phần cầu chính dài 1,6 km với 15 nhịp dàn thép. Bề rộng mặt cầu 20m chia 4 làn xe cơ giới, còn lại hai bên là đường bộ công vụ, mỗi bên rộng 2m. Cây cầu này nằm trên tuyến đường huyết mạch từ Hà Nội đi các tỉnh Đông và Tây Bắc.Lần kiểm tra gần đây cho thấy, mặt cầu bị rạn nứt khoảng 8.700m2. Diện tích hằn lún dưới 2,5cm là 1.300m2; từ 2,5 đến 7cm là 570m2. Vạch sơn mòn, sơn tim đường bị biến dạng, 4 trong 8 khe co giãn cầu bị hư hỏng, đang được che tạm bằng tấm thép. |