Cần phát huy sức mạnh cộng đồng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuối tuần qua, Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) và Cục Quản lý thị trường – QLTT (Bộ Công Thương) đã phối hợp tổ chức Tọa đàm về xây dựng và bảo vệ thương hiệu, đấu tranh chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gửi thông điệp, cần phát huy sức mạnh cộng đồng DN và người tiêu dùng (NTD) trong việc đấu tranh chống hàng giả, gian lận thương mại.

Gia tăng mối lo

Báo cáo của Cục QLTT cho thấy, 6 tháng đầu năm 2015, lực lượng QLTT cả nước qua kiểm tra đã phát hiện 55.234 vụ sản xuất, buôn bán hàng giả, tăng tới 6.543 vụ (13,4%) so với cùng kỳ năm 2014. Đáng chú ý, có rất nhiều vụ việc vi phạm ảnh hưởng lớn đến sản xuất, đời sống, sức khỏe của người dân. Mặc dù lực lượng chức năng đã có những đợt ra quân chống hàng giả, kém chất lượng, tuy nhiên, tình trạng chung vẫn chưa có nhiều chuyển biến khiến DN và NTD bức xúc.
Cán bộ QLTT Hà Nội hướng dẫn người tiêu dùng cách phân biệt hàng thật - hàng giả. 	Ảnh: Hoài Nam
Cán bộ QLTT Hà Nội hướng dẫn người tiêu dùng cách phân biệt hàng thật - hàng giả. Ảnh: Hoài Nam
Ông Vũ Văn Thanh - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hoa Sen phản ánh: Gian lận thương mại trong lĩnh vực tôn thép được thực hiện bằng nhiều hình thức như tôn gian lận độ dày, kém chất lượng, hoặc tôn giả, tôn nhái. Chẳng hạn, in thông số mập mờ về tiêu chuẩn chất lượng khi chỉ dày 2,7mm nhưng lại in là 3mm hoặc nhập tôn Trung Quốc kém chất lượng nhưng in nhãn mác tôn của các DN có uy tín sau đó bán giá rẻ gây thiệt hại cho DN, NTD.

Đại diện Hiệp hội Mỹ phẩm TP Hồ Chí Minh - ông Lê Quang Dũng cho hay, ngay sau khi DN xây dựng được thương hiệu thì hàng giả, hàng nhái lập tức xuất hiện. Điều này khiến cho DN gặp nhiều khó khăn trong phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, nhất là đối với các DN vừa và nhỏ. Trước tình trạng hàng giả, nhái nhãn mác tràn lan như hiện nay, hầu hết các DN đều cho rằng, với việc Việt Nam đã và sẽ ký một loạt hiệp định thương mại với các nước, trong đó có những ưu đãi thuế cho hàng xuất khẩu, nếu công tác chống hàng giả, sở hữu trí tuệ hiệu quả không cao sẽ dễ bị lợi dụng. Đặc biệt là một số đối tượng, DN đưa hàng bán thành phẩm vào Việt Nam để giả xuất xứ trước khi xuất khẩu tới các thị trường thứ ba mà ở đó hàng Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế.

Doanh nghiệp còn thờ ơ
Theo ông Lê Thế Bảo - Chủ tịch VATAP, hội nhập kinh tế thế giới, hàng rào thuế quan sẽ hạ xuống 0% thì buôn lậu sẽ không còn là câu chuyện nhức nhối, thay vào đó sẽ là vấn nạn hàng giả, hàng nhái. Do vậy, nếu chỉ trông cậy vào lực lượng chức năng là không đủ, mà đòi hỏi DN, NTD cùng chung tay chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ.

Lý giải nguyên nhân vì sao hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại vẫn có đất “sống” mặc dù lực lượng chức năng đã tích cực vào cuộc, ông Trịnh Văn Ngọc - Cục trưởng Cục QLTT cho rằng: Trong khi phương thức, thủ đoạn của các đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái ngày càng phức tạp, tinh vi thì có một thực tế tồn tại thời gian qua đó là công tác phối hợp giữa DN với lực lượng chức năng vẫn chưa tương xứng với vai trò, trách nhiệm của mỗi bên.

Báo cáo của Cục QLTT cho thấy, mặc dù lực lượng chức năng đã phát hiện số lượng lớn các vụ hàng giả, nhưng chỉ có gần 20 DN bị đánh cắp thương hiệu cung cấp số liệu liên quan đến vụ việc cho lực lượng chức năng có cơ sở xử lý. Điều đó cho thấy DN sản xuất chưa thực sự quan tâm tới việc giữ gìn, xây dựng và bảo vệ thương hiệu, uy tín. “Nhiều vụ việc, lực lượng chức năng kiểm tra thu giữ hàng giả, hàng nhái có mời DN đến phối hợp điều tra xử lý, song DN bất hợp tác, khiến quá trình xử lý kéo dài, tốn kém…” - Phó Cục trưởng Cục QLTT Đỗ Thanh Lam chia sẻ.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng cho rằng, DN hiểu rõ nhất về mẫu mã, chất lượng hàng hóa do mình sản xuất, phân phối trên thị trường. Vì vậy, nếu DN chủ động, tích cực trong việc bảo vệ thương hiệu bằng cách phối hợp với các cơ quan chức năng thì nạn hàng giả, hàng nhái sẽ giảm đáng kể.