Sáng 27/10, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV, các đại biểu đã thảo luận về dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở (ANTT).
Sắp xếp, kiện toàn lực lượng phù hợp với tình hình địa phương
Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý có 5 chương với 34 điều.
Về một số nội dung cụ thể, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội không mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật. Về nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là lực lượng quần chúng tự nguyện được tuyển chọn tham gia bảo vệ ANTT không thực hiện chức năng quản lý, không thuộc bộ máy nhà nước mà tính chất hoạt động là tham gia hỗ trợ theo sự hướng dẫn, phân công, chỉ đạo trực tiếp của Công an cấp xã nên việc quy định quyền hạn và trách nhiệm pháp lý của lực lượng này là không hợp lý.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội về cân nhắc việc sắp xếp, kiện toàn lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở để không làm tăng biên chế, không chồng chéo chức năng, nhiệm vụ với các lực lượng khác, không phát sinh thủ tục hành chính, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát, chỉnh lý các quy định về sắp xếp, kiện toàn, bố trí lực lượng phù hợp với tình hình, yêu cầu bảo đảm ANTT, điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương; đơn giản hóa trình tự, thủ tục thành lập Tổ và công nhận các chức danh của Tổ bảo vệ ANTT; rà soát chức năng, nhiệm vụ để không chồng chéo với các lực lượng khác và bảo đảm tính khả thi.
Cân nhắc độ tuổi tối đa
Góp ý vào nội dung dự thảo Luật, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp) cho rằng, dự thảo Luật cần nghiên cứu quy định về tuổi đời của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, bởi hiện trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý chỉ đề cập đến việc đảm bảo sức khỏe.
"Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở là lực lượng được xem như cánh tay nối dài, hỗ trợ cho lực lượng công an xã, công an phường (như đi tuần tra, canh gác ban đêm…). Với tính chất công việc như vậy mà dự thảo Luật không có quy định cụ thể về độ tuổi là chưa hợp lý"- đại biểu Phạm Văn Hoà nêu.
Đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông) đề nghị đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc về độ tuổi tối đa khi tham gia lực lượng bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở đối với nam và nữ để đảm bảo tiêu chuẩn về thể chất, tình trạng sức khỏe để đáp ứng công việc.
Cùng chung đề nghị này, đại biểu Lê Thị Thanh Lam (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang) đề nghị cần bổ sung “quyền hạn của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở” vào phạm vi điều chỉnh. Đồng thời, Ban soạn thảo cần nghiên cứu, quy định về độ tuổi tối đa, vì hiện nay có nhiều tội phạm liều lĩnh, manh động, chống người thi hành công vụ, dễ gây thương tích cho người tham gia thực hiện nhiệm vụ. Người lớn tuổi có thể thiếu nhanh nhẹn, khó hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ an ninh.
Làm rõ nhiệm vụ hỗ trợ các lực lượng khác
Tại phiên thảo luận, đại biểu Đoàn Thị Hảo (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên) đề nghị làm rõ hơn mối quan hệ giữa lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở với các tổ chức khác ở cơ sở như cấp ủy, tổ dân phố, ban công tác mặt trận… để xác định rõ trách nhiệm, nhiệm vụ, đánh giá hiệu quả hoạt động của lực lượng này. Đồng thời quy định rõ cơ chế phối hợp hoạt động giữa các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở.
Chung quan điểm này, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) cho rằng, về hỗ trợ quản lý hành chính về trật tự xã hội, Điều 10 dự thảo Luật quy định lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở nắm thông tin nhân khẩu, thông tin về hoạt động của cơ sở kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự trên địa bàn phụ trách, hỗ trợ công an cấp xã kiểm tra nhân khẩu tạm trú, tạm vắng trên địa bàn phụ trách.
Qua nghiên cứu tình hình thực tiễn, đại biểu cho rằng quy định này trong thực tế rất dễ bị lạm dụng, không làm rõ trách nhiệm nếu có sai phạm xảy ra. Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ hơn nhiệm vụ của lực lượng này khi tham gia hỗ trợ công an cấp xã phải thực hiện nội dung trên.
Đơn giản hóa tiêu chuẩn, thủ tục tuyển chọn
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum) cho rằng, về thực chất lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở là lực lượng quần chúng do UBND cấp xã thành lập quản lý duy trì hoạt động hỗ trợ lực lượng công an chính quy cấp xã trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT ở địa bàn cấp xã theo hướng dẫn phân công của công an xã. Đây không phải là lực lượng chính quy, do đó không thuộc biên chế nhà nước trong hoạt động.
Đại biểu cho rằng các quy định về tiêu chuẩn tuyển chọn, trình tự, thủ tục tuyển chọn… cần được đơn giản hóa hơn nữa, cơ cấu tổ chức ngành cũng cần mang tính quần chúng hơn nữa.
Ngược lại với ý kiến trên, đại biểu Nguyễn Hải Anh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp) cho rằng, trong tình hình an ninh phức tạp, vai trò của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở càng trở nên quan trọng. Nếu tổ chức tốt, lực lượng này có thể phát huy vai trò của mình trong nắm tình hình về ANTT, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, hỗ trợ đảm bảo trật tự xã hội... Vì vậy, cần chú trọng đề cao tiêu chuẩn chất lượng với các cá nhân tham gia lực lượng.
Theo đại biểu, việc nâng cao tiêu chuẩn sẽ góp phần thu hút, tuyển chọn được những người xứng đáng, có tiếng nói, có uy tín tại cộng đồng tham gia lực lượng; từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, góp phần củng cố, nâng cao sự tin tưởng, tín nhiệm của nhân dân về lực lượng. Qua đó thúc đẩy sự hợp tác, tham gia của người dân với lực lượng.
Về tiêu chuẩn, phẩm chất đạo đức, đại biểu Nguyễn Hải Anh cho rằng, những cá nhân được tuyển chọn tham gia lực lượng phải là những cá nhân có phẩm chất đạo đức tốt, công tâm, khách quan, gương mẫu chấp hành chủ trương, chính sách, pháp luật.