Cần quyết liệt hơn trong thực hiện quy hoạch và quản lý đô thị

Vân Hằng thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Công tác quy hoạch xây dựng, phát triển Thủ đô những năm gần đây được Nhà nước đặc biệt quan tâm khi thông qua Luật Thủ đô.

Cần quyết liệt hơn trong thực hiện quy hoạch và quản lý đô thị - Ảnh 1Điều 8, 9 và 10 thể hiện rõ nội dung công tác quy hoạch và quản lý đô thị theo quy hoạch chung được duyệt. “Hà Nội đã khẩn trương triển khai công tác quy hoạch bài bản và lấp đầy các loại hình quy hoạch kể cả một số tuyến đường đã có thiết kế đô thị. Tuy nhiên, trên thực tế giao thông vẫn bế tắc, hễ mưa lớn là ngập và hiện tượng nhà siêu mỏng siêu méo khi mở mới các tuyến đường chưa chuyển biến. Công tác quy hoạch luôn quan trọng và phải đi trước một bước, nhưng vấn đề đầu tư, quản lý như thế nào cũng quan trọng không kém” - KTS Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam đã nhận định như vậy trong bài phỏng vấn gần đây với Kinh tế & Đô thị.

Ba năm kể từ khi Luật Thủ đô có hiệu lực, ông đánh giá như thế nào về những chuyển biến trong lĩnh vực quy hoạch – xây dựng, trật tự đô thị, thưa ông?

- Luật Thủ đô là sự tôn vinh cho Thủ đô của một nước. Hà Nội là thủ đô của Việt Nam nên khi xây dựng bộ luật này đã thu hút sự quan tâm của mọi công dân, với mong muốn Thủ đô phát triển văn minh, hiện đại. Sau khi mở rộng Thủ đô năm 2008 lên đến 3.344km2, Hà Nội đã lập quy hoạch chung đến năm 2030 tầm nhìn 2050 và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thực hiện Luật Thủ đô, Hà Nội tiếp tục triển khai đồng bộ quy hoạch các khu chức năng: khu đô thị trung tâm, các đô thị vệ tinh, các đô thị sinh thái và triển khai quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị cũng như triển khai các quy hoạch chuyên ngành, hạ tầng kỹ thuật như giao thông, cấp thoát nước, cấp điện, xử lý nước thải. xử lý rác và quy hoạch hệ thống hạ tầng xã hội như hệ thống các trường học, bệnh viện, viện nghiên cứu…

Đồng thời xây dựng được một số công trình quy mô lớn, được đánh giá cao như cầu Nhật Tân, đường Nhật Tân – Nội Bài (Võ Nguyên Giáp), nhà ga T2 Nội Bài thật sự mang dấu ấn Hà Nội những năm thực hiện Luật thủ đô. Một số công trình khác như khách sạn Marriot, công trình thương mại dịch vụ cũng có thiết kế kiến trúc tốt. Đặc biệt, mở mới một số tuyến đường trong đó có việc mở rộng con đường Lê Trọng Tấn đã theo hướng đồng bộ, tạo dựng nên hình ảnh một đại lộ nối vào khu đô thị đông dân có thiết kế đô thị và quản lý kiến trúc tốt.

Mặt khác, Hà Nội đã ưu tiên đầu tư hệ thống cấp thoát nước, di chuyển được các khu công nghiệp có tính chất gây độc hại ra khỏi nội đô và chú ý giải quyết những nút giao thông quan trọng như khu vực Ô Chợ Dừa, tuyến giao thông khác cốt.

Tuy nhiên, nhìn nhận một cách tổng thể, bước tiến khả quan còn hạn chế so với phần lớn bất cập. Ông có thể điểm qua một số tồn tại chính?

- Bất cập tồn tại đầu tiên hiện nay là hệ thống giao thông ách tắc liên tục. Vấn đề này trở thành nỗi ám ảnh của người dân vì giao thông là rường cột, là mạch máu của Hà Nội. Ách tắc giao thông còn kéo theo hệ lụy ô nhiễm môi trường, lãng phí thời gian, ảnh hưởng đến đến tâm tư tình cảm người dân. Nguyên nhân vì đô thị hóa quá nhanh, tăng dân số cơ học lớn, trong khi khu vực nội đô mật độ dân số vẫn cao. Các phương tiện giao thông công cộng hiện đại như Metro hay tuyến xe bus nhanh BRT vẫn chưa hoàn thiện. Trong khi các đô thị có quy mô lớn như Hà Nội trên thế giới đều có hệ thống giao thông rất hoàn chỉnh hàng chục năm nay.
Cầu Nhật Tân nằm trong quy hoạch phát triển trục Nhật Tân - Nội Bài của Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Cầu Nhật Tân nằm trong quy hoạch phát triển trục Nhật Tân - Nội Bài của Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Mặt khác, vấn đề văn minh trên đường phố, đặc biệt là vỉa hè ở Hà Nội còn hết sức lộn xộn. Kinh tế vỉa hè là thực trạng nan giải cần được quan tâm xem xét bởi đây là yếu tố quan trọng trong giao tiếp và văn hóa của Thủ đô. Hà nội là đô thị xanh – văn hiến- văn minh- hiện đại thì phải quan tâm đến việc quản lý về cây xanh và công viên. Cây xanh mặt nước phải được bảo vệ và phát triển. Đặc biệt trong quy hoạch chung được duyệt, sông Hồng trở thành trục không gian cảnh quan quan trọng cần có những dự án tương xứng để quản lý và phát triển tốt.

Bài toán “hễ mưa lớn là ngập” cũng nan giải vô cùng tại nội đô và khu đô thị mới. Khi ngập ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân như sức khỏe và thiệt hại cả về kinh tế. Nguyên nhân sâu xa là thiếu sự khớp nối đồng bộ của hệ thống thoát nước chung của TP như kênh mương, nội đồng chưa được nạo vét và các khu đô thị mới chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề thoát nước chung cho toàn khu vực.

Vẫn xuất hiện tràn lan “nhà siêu mỏng, siêu méo” sau khi mở một số tuyến đường. Điều 9 của Luật Thủ đô ghi rõ “khi lập quy hoạch chi tiết trục đường giao thông mới trên địa bàn Thủ đô phải bảo đảm phạm vi lập quy hoạch mở rộng mỗi bên kể từ phía ngoài chỉ giới đường đỏ của tuyến dự kiến theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị” nhưng thực tế nhiều đường phố vẫn xảy ra những hiện tượng nhà siêu mỏng, siêu méo.

Vấn đề mật độ dân cư của khu đô thị lịch sử không những chẳng giảm đi mà tăng lên do công tác quản lý xây dựng chưa chặt chẽ và chưa tuân thủ theo quy hoạch. Đáng chú ý trong quãng thời gian triển khai Luật Thủ đô thì dự án 8B Lê Trực sai phép nghiêm trọng lại có thể xuất hiện?

Theo nhiều chuyên gia, lĩnh vực quy hoạch - kiến trúc còn triển khai manh mún, chưa tận dụng được những hiệu quả đặc thù của Luật Thủ đô. Cá nhân ông đánh giá như thế nào về nhận định này?

- Luật Thủ đô là bộ luật đặc biệt chỉ dành riêng cho Hà Nội. Đáng lẽ cần tận dụng Bộ luật này để tập trung đầu tư đồng bộ thì chúng ta lại đầu tư manh mún và dàn trải... Nhìn tổng thể các khu đô thị mới chưa đầu tư thống nhất, đồng bộ nhất là hệ thống giao thông, cấp thoát nước và mật độ dân cư quá cao nên còn gây áp lực lớn trong hệ thống hạ tầng. Hà Nội cần có nhiều thêm những tuyến đường phố như Lê Trọng Tấn với quy hoạch và đầu tư đồng bộ về kinh tế và xã hội.

Trong cả nước có hai khu đô thị kiểu mẫu là khu đô thị Linh Đàm của Hà Nội và khu đô thị Phú Mỹ Hưng của TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, tại khu đô thị kiểu mẫu Linh Đàm lại có sự xây dựng “lộm cộm” phải chăng do không kiểm soát được thực hiện quy hoạch, thưa ông?

- Tôi đồng tình với ý kiến này. Khu đô thị mới Linh Đàm Hà Nội đã được Bộ Xây dựng công nhận là khu đô thị kiểu mẫu cùng với khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng TP Hồ Chí Minh nhưng những năm gần đây khu đô thị Linh Đàm đã có việc quy hoạch đầu tư dự án nhà ở không phù hợp với khu đô thị kiểu mẫu như dự án rộng khoảng hơn 4 hec ta mà xây dựng 12 khối nhà từ 38 đến 41 tầng, không hề có bóng dáng cây xanh, gây áp lực rất lớn đến khu đô thị Linh Đàm. Như vậy đã phá vỡ không gian cảnh quan và toàn bộ khu đô thị mới được công nhận khu đô thị kiểu mẫu.

Theo ông, tương lai, cần làm gì để Luật Thủ đô đi vào cuộc sống, đặc biệt là lĩnh vực quy hoạch - kiến trúc?

- Trước hết cần rà soát lại tất cả công tác quy hoạch. Từ quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết thiết kế đô thị và các dự án. Đặc biệt quan tâm đến quy hoạch vùng Thủ đô Hà Nội để xem xét việc kết nối hạ tầng diện rộng. Việc rà soát này để đánh giá công tác thực hiện xây dựng trong thời gian qua một cách khoa học và thực tiễn. Trên cơ sở đó có thể điều chỉnh những nội dung phù hợp với yêu cầu phát triển Thủ đô trong thời gian tới, nhất là thời kỳ hội nhập quốc tế TPP cũng như quan tâm đến quá trình biến đổi khí hậu. Cần phải nghiên cứu quy hoạch, việc di chuyển các trường đại học, bệnh viện, cơ quan, nhà máy xí nghiệp ra khỏi vùng nội đô theo hướng một phần hay toàn bộ đúng với tinh thần Luật Thủ đô tạo điều kiện giãn dân số, giảm áp lực hạ tầng, đồng thời tạo quỹ đất cho sự phát triển chung. Cần lập những dự án đặc biệt để tạo diện mạo cho Thủ đô như công viên lớn, hệ thống bảo tàng, các trung tâm hội chợ triển lãm, nhà hát quốc gia… Có thể thành lập một ban hay cơ quan chỉ đạo trong công tác quy hoạch và kiến trúc Thủ đô theo đúng tinh thần của Luật Thủ đô để Hà Nội xứng đáng là Thủ đô xanh – văn hiến – văn minh – hiện đại.

Xin cảm ơn ông!