TS. KTS Hoàng Hữu Phê – Chủ tịch HĐQT Vinaconex R&D |
Thưa ông, trong thời gian gần đây thị trường BĐS các tỉnh vùng Thủ đô có sự phát triển mạnh mẽ. Đâu là nguyên nhân dẫn đến sự bứt phá này?- Tôi có thể khẳng định ngay đó là hạ tầng, hạ tầng được coi là “đòn bẩy” cho thị trường BĐS vùng Thủ đô phát triển. Ngay sau khi đồ án quy hoạch vùng Thủ đô được phê duyệt, vấn đề đầu tiên được Chính phủ quan tâm đó chính là yếu tố hạ tầng, trong đó hạ tầng giao thông được quan tâm nhiều nhất với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Không chỉ nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước mà còn huy động từ các nguồn xã hội hóa, vốn đầu tư tư nhân được đổ vào để xây dựng hạ tầng giao thông.Và kết quả là hệ thống hạ tầng kết nối giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy giữa Thủ đô Hà Nội và các tỉnh trong vùng đã được thông suốt, tạo điều kiện thuận lợi cho đi lại và giao thương. Hiện nay, hệ thống này vẫn đang tiếp tục được đầu tư mới và nâng cấp mở rộng. Bên cạnh đó là hệ thống hạ tầng xã hội cũng được quan tâm đầu tư. Như vậy, theo một lẽ tất yếu các tiện nghi phục vụ tốt, giao thông đi lại tốt… người dân sẽ tập trung đến ở thì giá đất sẽ tăng.Đánh giá của ông về tiềm năng đầu tư vào thị trường BĐS vùng Thủ đô trong thời gian tới?- Như đã nói ở trên, trong thời gian tới hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội kết nối từ trung tâm Hà Nội ra vùng ngoại thành và các tỉnh nằm trong vùng Thủ đô sẽ tiếp tục được đầu tư phát triển, đấy chính là yếu tố quan trọng mang đến sự hấp dẫn cho khu vực này.Bên cạnh hệ thống đường sắt, đường thủy đã được định hình sẵn, trong thời gian tới TP Hà Nội sẽ được đầu tư xây dựng thêm một số cây cầu lớn bắc qua sông Hồng và sông Đuống như cầu Trần Hưng Đạo, cầu Tứ Liên, cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2… sẽ càng tạo điều kiện cho thị trường BĐS phát triển. Hạ tầng phát triển đến đâu thì sẽ kéo theo các dự án BĐS phát triển đến đó, tiềm năng đầu tư tại khu vực ngoại thành Hà Nội và các tỉnh trong vùng, theo tôi là rất lớn.Vậy theo ông, để tránh xảy ra tình trạng phát triển một cách “ồ ạt” của thị trường BĐS khu vực này thì cần phải quan tâm đến vấn đề gì?- Có một nguy cơ dễ xảy ra trong quá trình phát triển này, đó là phát triển theo kiểu tràn lan, các dự án chỉ bám lấy khu vực có vị trí đẹp, gần với mặt đường quốc lộ, tỉnh lộ. Nếu như không có quy hoạch cụ thể thì các khu vực xa với mặt đường sẽ bị “bỏ quên”.Bên cạnh đó là việc các nhà đầu tư chưa tính toán kỹ về thị trường, nóng vội, đi tắt đón đầu, cứ xây dựng một cách “ồ ạt” nhưng sau đó thì lại không bán được và xuất hiện những khu “đô thị hoang” do nguồn cung vượt xa nhu cầu. Vì vậy phải có sự tính toán chặt chẽ, kỹ lưỡng giữa quy hoạch và phát triển, giữa nguồn cung và nhu cầu tại từng tỉnh và cho cả vùng.Quan trọng hơn, đó là việc các tỉnh trong vùng phải rà soát lại những quy hoạch của địa phương mình và gắn những quy hoạch đó với quy hoạch chi tiết của Thủ đô và những nội dung trong quy hoạch vùng, có như vậy thì mới kiểm soát được sự “hỗn loạn” trong quá trình phát triển.Xin cảm ơn ông!