Ngân hàng hết room, doanh nghiệp khó tiếp cận vốn vay
Hạn mức tăng trưởng (room) tín dụng liên tục "nóng" thời gian gần đây khi nhiều ngân hàng dùng hết hạn mức, DN và người đi vay "nháo nhào" vì thiếu vốn. Qua tìm hiểu, nhiều DN chia sẻ, khó khăn nhất hiện nay với họ chính là thiếu vốn. Vay ngân hàng không dễ dàng, trong khi chi phí đầu vào sản xuất đã tăng cao 30 - 50% đè nặng lên DN giai đoạn phục hồi.
Tính đến đầu tháng 8, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn chưa nới “room” cho bất kỳ nhà băng nào. Một số nhân viên ngân hàng cũng thừa nhận, bản thân ngân hàng cũng "mòn mỏi" chờ cấp thêm "room" vì năm nay "căng thẳng", lo lạm phát. Nhiều khách hàng rất cần giải ngân nhưng phải xếp "lốt" chờ, khi có khách trả nợ thì dư nợ cho vay giảm, sẽ "nới" được thêm.
Tổng Giám đốc TPBank Nguyễn Hưng cũng dự báo, các ngân hàng đang chờ NHNN phân bổ thêm hạn mức tín dụng. Tuy nhiên, hạn mức được cấp thêm bao nhiêu và khi nào được nới room phụ thuộc vào cơ quan quản lý. Trong bối cảnh đó, các ngân hàng sẽ phải thích nghi, tìm giải pháp để đảm bảo dư nợ ở mức NHNN cho phép, nhưng tổng thu nhập vẫn phải tăng trưởng thông qua việc đẩy mạnh các nguồn thu ngoài lãi, kinh doanh dịch vụ.
Theo lãnh đạo một ngân hàng, do hạn mức tín dụng hơi “căng” nên phải chờ khách hàng cũ trả nợ mới có thể giải ngân khoản vay mới. “Sợ nhất là những DN hoạt động xuất nhập khẩu có nhu cầu vay trong giai đoạn này mà không đáp ứng sẽ gây khó cho họ trong hoạt động kinh doanh. Ở đây không chỉ vấn đề tín dụng mà ngân hàng còn mất khách hàng sử dụng dịch vụ khác” - Phó Tổng Giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần lớn than phiền. Biện pháp kỹ thuật mà một số ngân hàng bắt đầu áp dụng là tăng lãi suất cho vay từ 0,5 - 1 điểm %/năm so với trước để hạn chế hồ sơ vay.
Tại một số ngân hàng khác như Sacombank, Techcombank, VP Bank... việc sử dụng "room" tín dụng còn lại cũng được lựa lọc kỹ càng hơn.
Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa nới lỏng tín dụng
Tại Hội nghị sơ kết ngành ngân hàng, bên cạnh kiên định mục tiêu tín dụng 14% của cả năm, lãnh đạo NHNN cũng mong các ngân hàng thương mại thông cảm bởi vì áp lực lạm phát, tỷ giá rất lớn, phải nhắm tới mục tiêu chung là ổn định kinh tế vĩ mô.
Từ đầu năm đến nay, tín dụng đã tăng trưởng mạnh đồng thời với diễn biến hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi. Tốc độ tăng trưởng tín dụng hiện tại sau 7 tháng đầu năm đạt 9,4% không chỉ cao hơn cùng kỳ 2 năm 2020 - 2021 khi nền kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 mà vượt cả năm 2019.
Đại diện NHNN lý giải với bản chất hoạt động ngân hàng chủ yếu tập trung cho vay ngắn hạn, cho vay bổ sung vốn lưu động thì thường xuyên có nguồn thu nợ, cho vay. Tuy nhiên, một số tổ chức tín dụng (TCTD) chủ yếu cho vay trung dài hạn, tập trung vào lĩnh vực bất động sản thì thời gian quay vòng vốn chậm, không thu hồi được nợ nhanh, nên dẫn đến hết dư địa tăng trưởng tín dụng.
Đại diện NHNN đề nghị các TCTD cần chọn lọc, thẩm định, cho vay các dự án hiệu quả, có khả năng trả nợ, đóng góp tích cực vào quá trình phục hồi và phát triển kinh tế; đồng thời cần tiếp tục kiểm soát chặt lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao để đảm bảo an toàn hệ thống.
Mặc dù vậy, về lâu dài, nhiều chuyên gia vẫn cho rằng, có rất ít quốc gia còn sử dụng công cụ cấp room tín dụng như Việt Nam và biện pháp này “không mang tính thị trường”. Ngoài ra, việc này cũng gây ra một số ách tắc cục bộ về vốn trong một số thời điểm và gây trở ngại cho việc phát triển. Ở các nước, kiểm soát cung tiền qua các công cụ như thị trường mở, tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc...
Hiện tăng trưởng tín dụng ở mức cao, tăng trưởng huy động thấp, trong khi thanh khoản hệ thống ngân hàng đã cạn, nếu NHNN nới “room” tín dụng, không khác gì việc bóp mạnh hơn vào thanh khoản hệ thống ngân hàng. Điều này sẽ khiến các ngân hàng phải tăng huy động đầu vào để có nguồn vốn cho vay đầu ra, dẫn đến cuộc đua lãi suất trên thị trường.
Nới lỏng tín dụng có thể khiến lạm phát tăng cao, nhưng thắt chặt tín dụng lại khiến nền kinh tế thiếu vốn, giảm cung hàng hóa, từ đó đẩy giá cả leo thang và vẫn khiến lạm phát tăng cao. NHNN cần cân đối với mức lạm phát để đưa ra ngưỡng tăng trưởng tín dụng hợp lý. Room tín dụng cần được ưu tiên cấp cho những ngân hàng hoạt động kinh doanh hiệu quả, lãi suất vay phù hợp để cho vay đối với những DN có phương án kinh doanh tốt và ngành nghề, lĩnh vực ưu tiên…
TS Lê Xuân Nghĩa
TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng mức tăng 14% năm nay, tương đương với trên 1,46 triệu tỷ đồng được bơm ra nền kinh tế qua kênh cho vay là hợp lý. Trong đó, mức tăng trưởng này sẽ đảm bảo được mục tiêu lạm phát, đồng thời không tạo ra áp lực với việc cung ứng vốn từ nền kinh tế, điều có thể tạo ra một cuộc đua lãi suất huy động cho nửa cuối năm nay.
TS Cấn Văn Lực đề xuất NHNN cần xem xét nới room tín dụng kịp thời cho các ngân hàng để tránh việc cả ngân hàng lẫn DN người dân - khách hàng của ngân hàng bị gián đoạn trong các hoạt động kinh doanh. NHNN có thể quản lý tăng trưởng tín dụng thông qua các công cụ kỹ thuật như hệ số an toàn vốn (CAR), chỉ số LTD (dư nợ tín dụng/vốn huy động), chỉ số thanh khoản, tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn… Đồng thời, có thể điều tiết lượng tiền cung ra thị trường thông qua điều chỉnh lãi suất điều hành.