Cần sớm giải quyết bất cập trên “luồng xanh” vận tải

Minh Tường – Phạm Công
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Luồng xanh” được Bộ GTVT phối hợp với các tỉnh, TP thực hiện, tạo thuận lợi cho phương tiện vận tải, với tiêu chí vừa giám sát lịch trình của tài xế, vừa đảm bảo lưu thông hàng hóa nhanh chóng, không để đứt gãy chuỗi sản xuất, tiêu thụ. Tuy nhiên, hệ thống cũng bộc lộ không ít bất cập cần điều chỉnh.

Công an huyện Mê Linh kiểm tra thông tin xe hàng thuộc “luồng xanh” đi từ tỉnh Vĩnh Phúc vào Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Tồn tại lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 diễn tiến phức tạp, nhiều tỉnh, TP trên cả nước đã phải thực hiện giãn cách xã hội áp dụng theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Chính phủ, một số loại hình vận tải được yêu cầu tạm dừng cả ở hoạt động liên tỉnh và trên địa bàn Hà Nội. Riêng vận chuyển hàng hóa phục vụ lương thực, thực phẩm, nhu cầu thiết yếu của người dân được yêu cầu không để xảy ra gián đoạn. Tính từ thời điểm Hà Nội bắt đầu thực hiện Chỉ thị 17/CT-UBND về thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn TP đến nay, qua công tác phòng, chống dịch tại 23 điểm chốt, lực lượng chức năng của TP Hà Nội đã kiểm soát hơn 250.000 lượt phương tiện với hơn 350.000 lượt người qua chốt. Trong đó có 29.387 lượt phương tiện phải quay đầu không được đi vào TP Hà Nội.

Nhằm phân luồng, tạo điều kiện lưu thông thuận lợi cho các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu, Bộ GTVT đã phối hợp với các tỉnh, TP tạo làn ưu tiên trên "luồng xanh" vận tải với tiêu chí vừa tầm soát nguồn dịch, giám sát lịch trình của tài xế, vừa đảm bảo lưu thông nhanh chóng ở các chốt kiểm dịch phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Đến chiều 29/7, Sở GTVT Hà Nội đã cấp thẻ ưu tiên “luồng xanh” mã QR Code cho 13.290 phương tiện. Tuy nhiên, trước đó, do có tình trạng số lượng xe có nhu cầu cấp thẻ “luồng xanh” (QR Code) cho xe chở hàng hóa tại Hà Nội quá lớn, gây quá tải cho hệ thống hạ tầng mạng tại Sở GTVT Hà Nội.

Bên cạnh đó, nhiều chủ phương tiện, tài xế phản ánh rằng việc phản hồi hồ sơ đăng ký hoạt động "luồng xanh" còn chậm. Ngoài ra, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, đã ghi nhận nhiều cuộc tấn công mạng liên tục nhằm vào hệ thống server lưu trữ dữ liệu tại địa chỉ tên miền http://luongxanh.drvn.gov.vn. Hậu quả của cuộc tấn công đã làm cho hệ thống thường xuyên bị treo, làm gián đoạn; cán bộ xử lý tại các Sở GTVT không thể phê duyệt hồ sơ, đơn vị vận tải không thể truy cập hệ thống để đăng ký trong nhiều giờ, đã gây bức xúc rất lớn.

Ngày 29/7, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, Người Phát ngôn Bộ Công an cho biết kết quả xác minh, điều tra ban đầu về vụ việc Hệ thống đăng ký giấy nhận diện luồng xanh (mã QR Code) đối với vận tải hàng hóa của Tổng cục Đường bộ Việt Nam bị gián đoạn, không truy cập được. Kết quả ban đầu, xác định hệ thống này do Tổng cục Đường bộ Việt Nam thuê đơn vị dịch vụ (Công ty Công nghệ An Vui) xây dựng. Do quá trình triển khai gấp rút để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 nên chưa trang bị hệ thống đảm bảo an ninh mạng, tồn tại lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng, tính toán sai số lượng người đăng ký, dẫn đến quá tải, chưa phát hiện hoạt động tấn công mạng. Tuy nhiên, Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết, qua phân tích kỹ thuật, phát hiện có dấu hiệu xâm nhập trái phép để đánh cắp dữ liệu thông tin đăng ký "luồng xanh".

Tháo gỡ bất cập

Nhằm tháo gỡ khó khăn trong tổ chức hoạt động vận tải, tạo thuận lợi cho phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền vừa yêu cầu Công an TP; các Sở, ban, ngành; UBND các địa phương triển khai một số nhiệm vụ cấp bách trong thời gian giãn cách thực hiện phòng, chống dịch Covid-19. Cụ thể, các chốt kiểm soát trong TP không thực hiện kiểm tra đối với phương tiện đã đi qua chốt kiểm soát cửa ngõ, việc kiểm tra đối với phương tiện phục vụ nhu cầu thiết yếu chỉ được thực hiện tại các điểm giao, nhận hàng hóa. Đối với phương tiện vận chuyển chuyên gia, công nhân, các DN phải lập danh sách phương tiện, đăng ký lộ trình hoạt động để lực lượng chức năng truy vết.

Đối với 23 vị trí chốt kiểm soát ở các cửa ngõ, sau nhiều phản ánh tiêu cực về tình trạng ùn tắc giao thông, chậm trễ lưu chuyển hàng hóa. UBND TP Hà Nội đã có những điều chỉnh, tổ chức phân luồng từ xa để nhằm kéo giãn lưu lượng phương tiện, hạn chế số lượng lớn xe cộ tập trung tại một điểm để công tác kiểm soát được thực hiện nhanh chóng hơn. Theo đại diện Sở GTVT Hà Nội, sau khi hệ thống phần mềm duyệt hồ sơ cấp thẻ ưu tiên “luồng xanh” hoạt động ổn định trở lại, đơn vị đang huy động cán bộ làm việc 24/24 giờ đẩy nhanh việc cấp duyệt hồ sơ cho các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu.

Đại diện Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ I (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, tình hình giao thông tại các cửa ngõ Hà Nội trong ngày 29/7 diễn ra suôn sẻ. Tại các cửa ngõ, điểm nóng giao thông như Pháp Vân- Cầu Giẽ, cầu Phủ Đồng không còn cảnh ù ứ, giao thông thông suốt. Để khắc phục sự cố trên hệ thống lưu trữ, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã thực hiện tách hệ thống thành cụm riêng phục vụ các Sở GTVT thực hiện phê duyệt, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các đơn vị vận tải thực hiện đăng ký.
Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phối hợp các đơn vị liên quan điều tra làm rõ, khôi phục hoạt động của hệ thống để phục vụ cho công tác phòng, chống dịch.

Trung tướng Tô Ân Xô - Người Phát ngôn Bộ Công an

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần