Cần sớm hoàn thiện các tiêu chuẩn cho lĩnh vực cơ khí

Mai Vân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong giai đoạn hội nhập hiện nay, lĩnh vực cơ khí có vai trò quan trọng đối với kinh tế, có tác động trực tiếp đến sự phát triển của các ngành công nghiệp khác. Nhưng theo đánh giá, lĩnh vực cơ khí vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong quá trình hội nhập và cần phải sớm hoàn thiện các tiêu chuẩn kỹ thuật cho lĩnh vực này.

Hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện
Theo đánh giá của Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội, thời gian qua, lĩnh vực cơ khí đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng vẫn chưa đóng vai trò là ngành công nghiệp nền tảng, xuất phát từ một số nguyên nhân, như: Hệ thống pháp luật về cơ khí chế tạo chưa thực sự hoàn thiện, phù hợp, có một số nội dung chưa tạo sự bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp FDI (như quy định của Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công…) làm cho doanh nghiệp trong nước khó cạnh tranh được với doanh nghiệp nước ngoài trong đấu thầu các dự án.
Nhà nước chưa có cơ chế, chính sách đủ mạnh để khuyến khích các doanh nghiệp trong nước đầu tư, nghiên cứu, đổi mới công nghệ trong thiết kế, sản xuất, gia công các sản phẩm cơ khí.
Cần sớm hoàn thiện các tiêu chuẩn Việt Nam cho lĩnh vực cơ khí.
Các doanh nghiệp tư nhân, hầu hết quy mô nhỏ bé, không đủ vốn để đầu tư vào lĩnh vực cơ khí chế tạo; năng lực về quản lý, công nghệ… còn hạn chế để thực hiện dự án lớn, trong khi đó các doanh nghiệp còn hoạt động phân tán, khép kín trong nội bộ, thiếu sự phối kết hợp; các doanh nghiệp Nhà nước chậm đổi mới, thiếu chủ động chuyển đổi cơ chế quản lý đồng bộ, còn nặng tư tưởng quản lý bao cấp, chưa thực sự quan tâm đến việc đổi mới cơ chế quản lý theo hướng thị trường để đầu tư sản xuất, nghiên cứu KH&CN, chuyển giao công nghệ, tìm kiếm sản phẩm mới đáp ứng thị trường trong nước và xuất khẩu.
“Việt Nam là thị trường cơ khí rất lớn, khoảng 40 tỷ USD/năm nhưng thị phần của doanh nghiệp Việt Nam được tham gia còn rất thấp. Chi tiêu công là ưu thế để cơ khí phát triển nhưng vẫn chủ yếu là hàng nhập ngoại, kể cả đối với những sản phẩm chúng ta không những làm được mà còn làm tốt hơn nhiều sản phẩm nhập khẩu” - Chủ nhiệm Ủy ban khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng nhìn nhận.
Nâng cao yêu cầu quản lý chất lượng
Hiện sản phẩm cơ khí đáp ứng 45 - 50% nhu cầu trong nước và 30% xuất khẩu là chưa đạt theo yêu cầu. Hàng năm, Việt Nam phải nhập khẩu hàng tỷ USD máy móc, thiết bị để phát triển các ngành công nghiệp nội địa còn ngành cơ khí chế tạo chỉ đáp ứng được một phần.
Nhằm khắc phục hạn chế và tạo điều kiện cho lĩnh vực cơ khí phát triển, các chuyên gia cho rằng, Nhà nước cần xây dựng chiến lược về phát triển cơ khí chế tạo trên cơ sở khai thác thế mạnh về nguồn nhân lực, thị trường… gắn với lĩnh vực như sản xuất máy công cụ phục vụ phát triển nông nghiệp; đẩy mạnh hoạt động thiết kế, chế tạo máy để hạn chế nhận gia công cho doanh nghiệp nước ngoài; củng cố, phát triển ngành công nghiệp vật liệu, các nhà máy luyện kim phục vụ cho sản xuất cơ khí, chế tạo.
Xây dựng cơ chế phối hợp giữa Nhà nước, doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà tiêu dùng, trong đó lấy nhà tiêu dùng, thị trường làm trung tâm; Tái thành lập ít nhất là một cơ quan quản lý Nhà nước đủ mạnh về cơ khí chế tạo để nâng cao năng lực quản lý và chỉ đạo của Nhà nước trong lĩnh vực này.
Có chiến lược đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm thay thế đội ngũ cán bộ kỹ thuật được đào tạo bài bản ở nước ngoài trước đây, nay đã đến tuổi nghỉ hưu, có tay nghề, có kỹ thuật cao; sử dụng, cập nhật phần mềm, công nghệ, máy móc hiện đại để thiết kế, chế tạo và sản xuất, kinh doanh; Cùng với đó các doanh nghiệp cơ khí cần đổi mới tư duy, từng bước làm chủ khoa học công nghệ, chủ động về nguồn vốn đầu tư để có được sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước, tiếp cận tiêu chuẩn của thị trường khu vực và quốc tế.
“Để hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn Việt Nam cho lĩnh vực vật liệu và cơ khí xây dựng cần hướng tới mục tiêu xây dựng đồng bộ, hoàn chỉnh hệ thống tiêu chuẩn của Việt Nam với lĩnh vực vật liệu và cơ khí xây dựng; đáp ứng được yêu cầu quản lý chất lượng sản phẩm của Nhà nước, phát triển sản phẩm vật liệu xây dựng của doanh nghiệp; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; hội nhập với các nước trong khu vực và thế giới” - Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng - PGS. TS Lê Trung Thành cho hay.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần