Cần sớm hoàn thiện quy hoạch chi tiết bảo tồn di tích Cổ Loa

Bài & ảnh: Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khu di tích Cổ Loa thuộc địa bàn xã Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội) được công nhận là Di tích văn hóa lịch sử quốc gia năm 1962 và Di tích quốc gia đặc biệt năm 2012. Nhưng đến thời điểm hiện nay vẫn chưa có quy hoạch chi tiết 1/500 làm căn cứ để khoanh vùng bảo tồn, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, lấn chiếm xảy ra từ nhiều năm qua, khiến cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý, bảo tồn.

Khó khăn trong quản lý
Theo đơn thư bạn đọc phản ánh về tình trạng lấn chiếm, vi phạm trật tự xây dựng của một số hộ gia đình trong khu vực di tích Cổ Loa, phóng viên Kinh tế&Đô thị đã đến địa bàn tìm hiểu, làm việc trực tiếp với lãnh đạo chính quyền địa phương để làm rõ những nội dung phản ánh. Theo đó, từ đầu năm 2020 đến nay, đơn vị quản lý thành Cổ Loa đã lập biên bản sự việc đối với 20 công trình xây dựng trong khu vực di tích gửi đến chính quyền địa phương, trong đó có công trình nhà văn hóa xóm Chùa.
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND xã Cổ Loa Nguyễn Kim Nhật cho biết, hiện nay trong khu vực di tích được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tỷ lệ 1/2.000 vào năm 2015, có khoảng trên 700 hộ gia đình đang sinh sống từ nhiều đời nay, hầu hết các hộ gia đình đều đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và xây dựng nhà ở trước thời điểm năm 2015. Nên chính quyền chỉ xử lý những công trình xây dựng mới, còn trường hợp nhà xuống cấp phải cải tạo để đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng, chính quyền địa phương không có căn cứ pháp lý để yêu cầu người dân không thực hiện.
Nhà văn hóa xóm Chùa được cải tạo khang trang phục vụ hoạt động cộng đồng của Nhân dân.
“Năm 2016, UBND TP Hà Nội cũng ban hành quyết định phê duyệt khu tái định cư tỷ lệ 1/500 di dân đang sống trong khu di tích thành Cổ Loa, phục vụ công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị lịch sử khu di tích. Nhưng đến thời điểm hiện tại các bộ, ngành liên quan chưa xây dựng xong quy hoạch chi tiết 1/500 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt làm căn cứ thực hiện, khiến công tác quản lý của chính quyền địa phương gặp nhiều khó khăn” – ông Nguyễn Kim Nhật cho hay.
Đối với công trình nhà văn hóa xóm Chùa, qua tìm hiểu được biết, một phần của công trình trước đây sử dụng làm lớp học tình thương cho trẻ khuyết tật, tự kỷ, qua thời gian sử dụng rơi vào tình trạng xuống cấp, sau khi huyện Đông Anh xây dựng cơ sở mới, lớp học đã bị bỏ trống. Tại Văn bản số 196C/QĐ-UBND ngày 28/10/2017 của Chủ tịch UBND xã Cổ Loa thời điểm đó là ông Nguyễn Quốc Trung đã thông qua nội dung báo cáo kỹ thuật công trình cải tạo, nâng cấp nhà văn hóa xóm Chùa, giá trị dự án 3.178.305 triệu đồng và được Phòng Quản lý đô thị huyện Đông Anh thẩm định mức 3.178.304 triệu đồng.
“Khu vực xóm Chùa cư dân tập trung đông đúc, xã không thể bố trí xây dựng nhà văn hóa ở địa điểm khác. Nên chính quyền địa phương đã cải tạo toàn bộ phần lớp học tình thương thành sân nhà văn hóa, với mục đích tạo điểm sinh hoạt cộng đồng, tổ chức lễ hội, vui chơi, thể dục thể thao cho Nhân dân” – Chủ tịch UBND xã Cổ Loa Nguyễn Kim Nhật cho biết thêm.
Khẩn trương lập quy hoạch
Cũng liên quan đến việc sử dụng đất của người dân nằm trong phạm vi di tích thành Cổ Loa ở khu vực Bãi Miễu, Bãi Táo hiện nay có một số lán, trại của người dân phục vụ chăn nuôi. Anh Đào Mạnh Cường – khu Bãi Táo (xã Cổ Loa) cho biết, khu vực này giao cho người dân theo Nghị định 64/NĐ-CP, nằm ngoài khu dân cư sinh sống, do không thể trồng lúa nên từ năm 2010 được sự đồng ý của chính quyền địa phương các hộ gia đình được giao đất đã chuyển đổi sang trồng cây ăn quả, rau màu, chăn nuôi gia súc, gia cầm.
“Ngoài trồng một số loại cây ăn quả, gia đình tôi đang nuôi trên 10.000 cặp chim bồ câu thương phẩm, giá trị sản xuất hàng năm đạt từ 500 – 600 triệu đồng. Đây là nguồn thu nhập kinh tế chính của gia đình tôi, nhưng vì chưa có quy hoạch rõ ràng diện tích cần bảo tồn, vô hình chung rất nhiều hộ gia đình ở đây bị xem là đang xâm hại khu di tích. Chúng tôi mong muốn Nhà nước sớm có quy hoạch chi tiết để người dân được ổn định cuộc sống” – anh Đào Mạnh Cường chia sẻ.
Sản xuất nông nghiệp là nguồn thu chính của nhiều hộ gia đình khu Bãi Miễu, Bãi Táo.
Tương tự là trường hợp của gia đình anh Nguyễn Xuân Thủy – khu Bãi Táo (xã Cổ Loa), cũng được chính quyền địa phương chia đất nông nghiệp theo Nghị định 64/NĐ-CP cho biết, gia đình anh sẵn sàng trả lại mặt bằng nếu khu vực này nằm trong quy hoạch chi tiết bảo tồn di tích Cổ Loa. “Nếu như Nhà nước thu hồi đất để bảo tồn khu di tích, chúng tôi cam kết sẽ bàn giao ngay sau khi nhận được hỗ trợ, bồi thường. Nhưng những khu vực nào không nằm trong quy hoạch chi tiết phục vụ bảo tồn, đề nghị sớm công bố để chúng tôi được yên tâm sản xuất” - anh Nguyễn Xuân Thủy nói.
Qua tìm hiểu được biết, trước đây, các hộ chăn nuôi trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe, nên Nhân dân trong thôn nhiều lần đề nghị chuyển những hộ chăn nuôi trong khu dân cư ra khu vực Bãi Miễu, Bãi Táo. Trên cơ sở đó, ngày 31/12/2009 UBND huyện Đông Anh ban hành Quyết định số 4056/QĐ-UBND về việc phê duyệt quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 xã Cổ Loa, trong đó có khu vực này.
Tại buổi tiếp xúc cư tri huyện Đông Anh đầu tháng 10 vừa qua của Tổ đại biểu HĐND TP Hà Nội – Đơn vị bầu cử số 21, sau kỳ họp thứ 2 HĐND TP khóa XVI, nhiệm kỳ 2021 – 2026. Cử tri Nguyễn Quang Minh (xã Cổ Loa) đề nghị UBND TP Hà Nội tiếp tục đề xuất với bộ, ngành liên quan sớm hoàn thiện quy hoạch chi tiết khu di tích Cổ Loa tỷ lệ 1/500 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, để triển khai phân vùng, cắm mốc bảo vệ; Đồng thời cũng là căn cứ để TP Hà Nội thực hiện kế hoạch di dời người dân đang sống trong khu vực cần bảo tồn và tạo điều kiện cho chính quyền địa phương hoàn thiện quy hoạch xây dựng Cổ Loa thành phường giai đoạn từ nay đến năm 2025.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần