Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cần sự đồng bộ trong quy hoạch mạng lưới giao thông thành phố

Lê Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày cuối tháng 8, đầu tháng 9 vừa qua, người Hà Nội, nhất là những người hằng ngày qua lại trục đường Trường Chinh phía Nam thành phố, có một niềm vui không hề nhỏ.

Đó là con đường nối từ Ngã tư Vọng đến Ngã tư Sở sau 2 năm thi công đã mang một diện mạo mới, văn minh, hiện đại.

Từ chỗ được mệnh danh là “con đường đau khổ”, đến những ngày này, đường Trường Chinh được xem là một trong những con đường đẹp của Hà Nội. Đây là một hợp phần của Dự án đường Vành đai 2 trên cao có điểm đầu từ phía Nam cầu Vĩnh Tuy, điểm cuối tiếp giáp với nút giao Ngã Tư Sở phía đường Trường Chinh. Với tổng vốn đầu tư khoảng 9.400 tỷ đồng, dự án được kỳ vọng sẽ là sự kết nối giao thông quan trọng giữa TP Hà Nội với các địa phương lân cận, góp phần hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng hiện nay trên các tuyến đường dự án đi qua.

Tuy nhiên, niềm vui ấy thực sự chưa trọn vẹn bởi xuất hiện một trình trạng đáng buồn. Đó là từ khi đường Vành đai 2 dưới thấp (đoạn cuối đường Trường Chinh) hoàn thiện và đưa vào sử dụng, tình trạng ùn tắc ở nút giao Ngã Tư Sở không những không thuyên giảm mà còn diễn ra nghiêm trọng hơn.

Nguyên nhân của tình trạng trên không khó thấy. Thứ nhất, đây là nút giao của các con đường có mật độ phương tiện lớn là đường Láng, Tây Sơn, Nguyễn Trãi và Trường Chinh. Sau khi đường Vành đai 2 dưới thấp được hoàn thành với các làn đường rộng rãi, êm thuận, lượng người và phương tiện tham gia giao thông dồn về càng nhiều hơn. Khi lưu lượng phương tiện đổ dồn về quá lớn trong khung giờ cao điểm, nhất là theo hướng Ngã Tư Vọng đến Ngã Tư Sở, sẽ dẫn đến tình trạng ùn ứ kéo dài theo chiều từ đường Trường Chinh sang đường Láng và ngược lại.

Một nguyên nhân khác, đó là sự chưa hợp lý giữa các nhịp đèn tín hiệu giao thông ở chiều đường này khi pha đèn đỏ kéo dài lên tới 100 giây, còn đèn xanh chỉ có 40 giây. Do phải chờ nhịp đèn đỏ có thời gian dài, các phương tiện đi từ đường Trường Chinh sang đường Láng và ngược lại thường bị tắc nghẽn. Điều này được khẳng định trong thực tế, đó là khi các chiến sĩ CSGT xuất hiện và phân luồng cho các xe đi sớm hơn, tình trạng ùn tắc lập tức được cải thiện. Theo các chuyên gia giao thông, để giải quyết tình trạng ùn tắc trên, nhất là trong giờ cao điểm, chỉ cần tổ chức lại tín hiệu đèn một cách hợp lý.

Không chỉ Ngã Tư Sở, một số nút giao khác nằm trên trục đường này như ngã tư Trường Chinh - Lê Trọng Tấn - Tôn Thất Tùng hay nút giao Ngã tư Vọng cũng thường xuyên xảy ra ùn tắc, thậm chí có người còn dùng khái niệm “hỗn loạn” để nói về tình trạng giao thông ở những nút giao này. Không chỉ có thế, tình trạng ùn tắc còn lây cả sang những con ngõ, đường nhỏ trong các khu dân cư đông đúc lân cận như Khương Trung, Thượng Đình, Trung Liệt, Phương Mai… khi mà người và xe đi vào đây để tránh các điểm ùn tắc nói trên. Nguyên nhân chính vẫn là ở cách tổ chức giao thông chưa hợp lý tại những nút giao này.

Điều đáng nói là nếu không được sớm giải quyết dứt điểm, tình trạng trên có thể còn đáng lo ngại hơn. Bởi theo một chuyên gia của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), khi tuyến Vành đai 2 trên cao thông xe, áp lực phương tiện dồn về các nút giao Ngã Tư Sở và Ngã Tư Vọng sẽ còn lớn hơn bởi các lối lên xuống chỉ cách hai nút giao này khoảng 100m.

Thực tế trên đặt ra một yêu cầu cấp bách. Đó là các cơ quan chức năng cần sớm tính tới các giải pháp tổ chức giao thông và hoàn thiện hạ tầng tại các nút giao này để ngăn chặn nguy cơ hình thành tại đây những điểm nghẽn giao thông như đã từng xảy ra nhiều năm nay. Cũng cần nói thêm rằng, câu chuyện xảy ra ở nút giao Ngã Tư Sở hiện tại không phải là cá biệt ở thành phố chúng ta. Điều đó cho thấy yêu cầu phải có sự đồng bộ trong quy hoạch mạng lưới giao thông thành phố. Bởi dù con đường có được xây dựng hiện đại tới đâu cũng sẽ không phát huy tác dụng nếu thiếu sự đồng bộ, kết nối một cách khoa học với toàn hệ thống.